Infographic: Những địa danh mang tên Rồng tại Việt Nam

KIM LOAN - PHƯƠNG TRINH - HẢI ÂU // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/2/2024, 12:00

(HTV) - Hình ảnh con rồng là một biểu tượng mạnh mẽ trong văn hóa Việt Nam. Nó được thể hiện trong nhiều địa danh trên khắp đất nước.

Thăng Long - Hà Nội (Rồng bay lên)

Thăng Long là tên gọi của kinh đô của nước Đại Việt các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê trung hưng, trải dài từ năm 1010 - 1788, ngày nay là Thủ đô Hà Nội.

Theo sử tích, vào tháng 8/1010, khi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên gọi tên kinh đô mới là Thăng Long, nghĩa là "rồng bay lên".

Ngày nay, Thăng Long - Thủ đô Hà Nội nổi tiếng với những con đường ngập lá mùa thu, Lăng Bác, chùa Một Cột, Văn miếu Quốc tử giám, hoàng thành Thăng Long…

Vịnh Hạ Long Rồng hạ xuống 

Cái tên Hạ Long bắt nguồn từ truyền thuyết về Rồng mẹ hạ xuống biển trong buổi đầu lập quốc của người Việt.

Cũng trong truyền thuyết về Hạ Long, nơi Rồng con hạ xuống được gọi là vịnh Bái Tử Long, đuôi rồng quẫy nước trắng xóa tạo thành đảo Bạch Long Vĩ. Là một phần trong quần thể di sản vịnh Hạ Long, với những hòn đảo xinh đẹp có bãi cát dài trắng xóa, vịnh Bái Tử Long ngày càng thu hút khách nước ngoài đến thăm quan, nghỉ dưỡng.

Ngày nay, vịnh Hạ Long được thế giới biết đến là kỳ quan thiên nhiên có một không hai bởi sở hữu quần thể núi đá, động thạch nhũ và bãi biển quyến rũ lòng người.

Bên cạnh đó, nơi đây còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình cùng với hàng nghìn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng.

Bến Nhà Rồng

Bến Nhà Rồng (ngã ba sông Sài Gòn, Quận 4, TP.HCM) là nơi vào ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình cứu nước.

Tên gọi bến Nhà Rồng có nguồn gốc từ hình tượng hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt" được gắn trên nóc tòa nhà trụ sở thương cảng.

Địa điểm này hiện nay đã trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi du khách có thể tìm hiểu kiến trúc tòa nhà, các chứng tích cách mạng, đồ lưu niệm của Bác

Đồng bằng sông Cửu Long

Sông Mekong sau khi chảy qua lãnh thổ Việt Nam được chia thành 9 nhánh chính, đổ ra Biển Đông, nên được người Việt gọi là sông Cửu Long. Tên gọi này không chỉ thể hiện sự hùng vĩ của dòng sông mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, tượng trưng cho sự sung túc, phồn vinh của vùng đất được bồi đắp bởi phù sa sông Mekong.

Đồng bằng sông Cửu Long, hay còn gọi là vựa lúa lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho hệ sinh thái đa dạng, phong phú, với những cánh đồng lúa bạt ngàn, những miệt vườn trái cây trĩu quả, cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt. Nhờ sự cần cù, chịu khó của người dân, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa mà còn là vựa trái cây, thủy sản lớn của cả nước, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia.

Bên cạnh giá trị kinh tế, sông Cửu Long còn là một biểu tượng văn hóa của người dân Nam Bộ. Dòng sông gắn liền với đời sống sinh hoạt, tinh thần của người dân nơi đây, được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, những lễ hội truyền thống, và cả những món ăn đặc sản.

Long An

Nằm ở phía bắc đồng bằng sông Cửu Long rộng thoáng, xanh tươi và trù phú là tỉnh Long An (sự bình yên của rồng) với diện tích gần 4.500 km2 và dân số hơn 1,8 triệu người.

Long An là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là có chung đường ranh giới với TP.HCM, bằng hệ thống các quốc lộ: 1A, 50, 62, N1, N2 (Đường Hồ Chí Minh). Tỉnh được xem là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản lớn nhất của Đồng bằng Sông Cửu Long.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: