Tính đến nay, Việt Nam đã xây dựng quan hệ đối tác với 30 quốc gia, trong đó có 6 quốc gia là Đối tác Chiến lược Toàn diện. Mỹ là quốc gia thứ 6 nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Mỹ là quốc gia thứ 6 nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Nguồn ảnh: TTXVN
Hiện Việt Nam có 6 Đối tác Chiến lược Toàn diện; 12 Đối tác Chiến lược và 12 Đối tác Toàn diện. Với các nước khối ASEAN, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cao cấp với toàn bộ mọi nước thành viên, với 5 nước là Đối tác Chiến lược và 2 nước là Đối tác Toàn diện. 2 nước còn lại là Campuchia và Lào là Quan hệ đặc biệt.
Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác với một quốc gia từ mức Đối tác Toàn diện lên thẳng mức cao nhất Đối tác Chiến lược Toàn diện, bỏ qua mức Đối tác Chiến lược, chỉ trong vòng 10 năm (từ 2013 đến 2023).
Quan hệ đối tác chiến lược là một dạng thức quan hệ có tầm quan trọng lớn và có tính chiến lược, dài hạn giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với tổ chức quốc tế. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là mô hình liên kết mới trong quan hệ quốc tế, trở nên thịnh hành kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Trong quan hệ đối tác chiến lược, các bên tham gia đều có nhu cầu tăng cường hợp tác, coi trọng và chú ý hơn tới lợi ích chiến lược của nhau, có hợp tác sâu rộng, gắn kết về lợi ích và hướng tới lòng tin chiến lược.
Trong khi đó, với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, các bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên mọi lĩnh vực mà các bên cùng có lợi, từ thương mại, đầu tư cho tới công nghệ, năng lượng... Đồng thời, các bên xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau ở cấp chiến lược.