Chỉ khoảng 20 phút, "Không hối tiếc" đã gói gọn được những món quà rất đặc biệt mà bình thường, bạn có lẽ chỉ có được khi đã đi hết tuổi trẻ của một đời người.
Điều thú vị đầu tiên của "Không hối tiếc", do Hãng phim TFS - Đài Truyền hình HTV sản xuất, vừa giành giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 40, nằm ở các nhân vật. 15 nhân vật trong phim đều là những cụ ông, cụ bà - những người đã đi qua một chặng đường đời rất dài. Họ thuộc các giới khác nhau, có mức sống, hoàn cảnh gia đình và vị trí nghề nghiệp khác nhau. Dù không phải là chuyên gia hay nhà diễn thuyết về lẽ sống, họ vẫn có những câu chuyện đầy sức nặng bởi chúng được đúc rút từ thời gian và chiêm nghiệm của cả đời người.
Tác giả Mỹ Trang (thứ hai từ trái qua) nhận giải Vàng cho "Không hối tiếc"
Tác giả của bộ phim tài liệu này - biên kịch kiêm đạo diễn Nguyễn Thị Mỹ Trang - làm cách nào có thể gói ghém món quà ý nghĩa của rất nhiều nhân vật và kể chúng ra chỉ vỏn vẹn trong 20 phút? Tác giả đã trải qua hành trình tác nghiệp ra sao và muốn gửi gắm điều gì đến khán giả? Phóng viên HTV đã có cuộc trao đổi ngắn với chị để làm rõ hơn những điều này.
* Chào chị Mỹ Trang! Chúc mừng chị đã giành được giải Vàng tại LHTHTQ năm nay. Điều gì đã thôi thúc chị thực hiện "Không hối tiếc"
Là một người trưởng thành thuộc thế hệ 8X, từ suy nghĩ của bản thân cộng với việc quan sát và cảm nhận suy tư của bạn bè đồng trang lứa, tôi bắt đầu có những trăn trở thật sự về khái niệm "Thời gian". Đây có lẽ là khái niệm mà những người trẻ tuổi hơn hoặc chưa đủ trải nghiệm ít cảm nhận được! Tại sao đến một thời điểm nhất định nào đó trong đời người, "Thời gian" lại có sức ám ảnh như vậy? Theo tôi nghĩ, đó là bởi biên độ mà những người trẻ chúng tôi có đủ độ lùi để nghĩ về quá khứ, về những ước mơ mình đã thực hiện; đồng thời vẫn có đủ quỹ thời gian để nghĩ về tương lai, tiếp tục ước mơ và điều chỉnh lại cuộc sống của mình.
Bên cạnh đó, cá nhân tôi còn có sở thích trò chuyện với người già. Dường như cách nhìn cuộc sống của họ đơn giản hơn chúng ta vẫn tưởng và điều này khiến tôi thấy thoải mái. Nhưng trong cách nhìn cuộc sống có vẻ đơn giản ấy, tôi lại cảm nhận được nhiều điều ý nghĩa, mang tính triết lý cao, nó gần giống như là ca dao, tục ngữ xưa, tuy đơn giản nhưng là sự đúc kết của nhiều cuộc đời với nhiều trải nghiệm. Vì những trăn trở của bản thân và vì niềm tin rằng người già rất có thể là những người thông thái nhất, tôi đã ôm ấp thực hiện một tác phẩm, và sau đó thì "Không hối tiếc" ra đời.
* Bộ phim được hình thành như thế nào và chị có thể chia sẻ về một vài khó khăn khi thực hiện dự án
Bộ phim được thực hiện trong khoảng hai tháng, nhưng ý tưởng phim ấp ủ từ trước đó khá lâu, nên nhiều nhân vật đã được tôi phỏng vấn và tích lũy trong quá trình thực hiện những bộ phim khác. Ban đầu, ý tưởng kịch bản phim có khác một chút. Tôi muốn đan xen câu chuyện giữa người trẻ và người già, từ đó rút ra những lời khuyên. Thế nhưng, ý tưởng này không thực hiện được vì một số yếu tố cần được dàn dựng và tôi sợ sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc người xem.
Để thực hiện bộ phim này, tôi đã tìm gặp những người già, bởi như đã nói, tôi có niềm tin rằng, họ là những người thông thái nhất. Họ có một lợi thế mà ít người trong chúng ta có được: Trải nghiệm sống trọn cuộc đời cho phép họ đúc kết về một quy luật mang tên: Thời gian và sự vận hành của nó. Trong quá trình đi tìm chất liệu, có những câu chuyện rất hay khi tâm sự riêng, nhưng đã không thành khi lên phim!
Thật ra, tôi muốn khai thác nhiều hơn nữa những điều còn "hối tiếc" của người già, nhưng đó là mong muốn và chủ ý cá nhân! Bởi vì tôi tin là mỗi người già, mỗi cuộc đời đều có những điều hối tiếc muốn được quên đi, không muốn nhắc đến. Vì vậy, trong bộ phim, bạn sẽ thấy có cả những điều hối tiếc và cũng có những lời khuyên để người trẻ không đi vào "vết xe đổ".
* Ở mỗi nhân vật là một câu chuyện khác nhau, có thể về tình yêu, tình bạn, tình thân... Chị mong muốn gửi gắm thông điệp gì đến khán giả, nhất là những khán giả trẻ
Bộ phim tài liệu được thực hiện bằng hành trình mà tôi gặp gỡ và lắng nghe trải nghiệm cuộc sống của những người già – vốn rất thích chia sẻ nhưng lại ngại tiếp xúc với giới truyền thông – đã sẵn lòng tâm tình về những kinh nghiệm của bản thân, về những gì họ cảm thấy bằng lòng và cả những điều còn hối tiếc về tuổi trẻ, về việc sử dụng quỹ thời gian của họ.
Mỗi bộ phim, qua lăng kính của khán giả, sẽ được cảm nhận theo những cách riêng. "Không hối tiếc" được dẫn dắt theo cách nhẹ nhàng, đơn giản, gần gũi như chính suy nghĩ của người già. Qua những cuộc phỏng vấn sâu, các nhân vật dần mở lòng và chia sẻ những điều quý giá nhất được đúc kết từ chính trải nghiệm cả cuộc đời.
Họ có thể không phải là chuyên gia về lẽ sống, nhưng bằng cách riêng của mình, khi mỗi người có những kỳ vọng cụ thể của bản thân, họ rất có thể đạt được chúng và trở thành phiên bản mà họ mong muốn. Qua câu chuyện phim, tôi muốn gửi gắm đến giới trẻ những cách suy nghĩ về việc sử dụng thời gian để sống một cuộc đời không có nhiều hối tiếc.
* Qua "Không hối tiếc", mỗi khán giả hẳn sẽ nghiệm ra cho bản thân một vài điều. Với chị, đó là điều gì?
Đó là lần gặp cụ Nguyễn Thị Khỏi, nữ dân công hỏa tuyến của xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh - một trường hợp đặc biệt hơn các nhân vật khác, vì bà là người phụ nữ đi qua chiến tranh. Ký ức sôi nổi nhất trong bà là những tháng ngày chiến đấu cùng chị em đồng đội. Nhưng khi nghĩ về tuổi già, trong bà vẫn có nỗi niềm về thanh xuân của một người phụ nữ, tôi nghĩ đó là cảm xúc tự nhiên của con người. Điều đó khiến tôi xúc động và trân trọng sự hy sinh của các thế hệ đã cống hiến tuổi trẻ cho đất nước và cho hòa bình hôm nay. Một sự hi sinh nhiều mất mát nhưng không nhiều hối tiếc, vì đó là sự hy sinh cho những điều tốt đẹp nhất.
* Là biên kịch - đạo diễn của "Không hối tiếc", chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi phim nhận giải Vàng hạng mục Phim tài liệu 1 tập tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc lần thứ 40
Tôi khá bất ngờ khi bộ phim được Ban Giám khảo chấm trao giải Vàng. Dĩ nhiên, tôi rất hạnh phúc! Cần phải nói là hiện nay, thể loại phim tài liệu ở nước ta chưa có nhiều thủ pháp tiếp cận khán giả. Các đề tài của phim cũng phần lớn khai thác lịch sử, văn hóa, những vấn đề mang tính thời sự…
Bên cạnh nhiều bộ phim mà tôi đã thực hiện như: "Ngày về" – bộ phim về quy tập hài cốt liệt sĩ chiến sĩ và quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào, đạt giải Nhì Giải Báo chí TP.HCM năm 2018; Phim tài liệu "Ra biển lớn" mà tôi tham gja viết kịch bản và đồng đạo diễn, cũng đạt giải Vàng hạng mục Phim tài liệu dài tập LHTHTQ năm nay… thì "Không hối tiếc" mang một cách thể hiện khác, mang dấu ấn trải nghiệm của tác giả.
Cách thể hiện "Không hối tiếc" cũng giống như phim tài liệu "Má ơi đừng đánh con đau" mà trước đó tôi đã thực hiện. Ê-kip làm phim đã theo chân một gánh hát có bốn thế hệ theo nghề Hát bội. Không chỉ là câu chuyện về gánh hát gia đình, phim còn theo chân các thành viên khác của gánh hát Ngọc Khanh - trong cuộc mưu sinh ở đời thực để được sống với nghề, dù phải cãi lời cha mẹ để được nối nghiệp Tổ tiên.
Có thể nói, mỗi bộ phim tài liệu đều mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, hứng khởi và động lực khi thực hiện, bởi nó là những hình ảnh và câu chuyện chân thực mang hơi thở cuộc sống, là những ánh sáng lấp lánh diệu kỳ khiến chúng ta có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp. Theo tôi, đích đến của phim tài liệu vẫn là Chân - Thiện - Mỹ. Mỗi bộ phim đều ít nhiều khơi dậy và nhân lên những điều tốt đẹp đang hiện hữu xung quanh cuộc sống của chúng ta, cũng là một cách để mỗi người sống trọn vẹn với trách nhiệm và bản ngã đẹp đẽ của mình.
Xin chân thành cảm ơn chị Mỹ Trang. Chúc chị ngày một thành công hơn nữa!
Thiên Bình