Lê Trang luôn xem nghệ thuật là hơi thở

Lê Trang quê ở Bến Tre, từ bé đã mê hát nhạc dân ca, cải lương. Ba mẹ thích nghe Trang hát, nhưng không khuyến khích theo nghề vì lo lắng con gái sẽ vất vả.


Diễn viên Lê Trang

Lê Trang nhận giải thưởng Diễn viên ấn tượng của một chương trình hài kịch truyền hình và để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả khi tham gia chương trình Đấu trường tiếu lâm, phát sóng trên HTV7. Sau đó là vai y tá Trang trong phim Hai Phượng, Á quân 3 chương trình Tuyệt đỉnh song ca Cặp đôi vàng 2018. Hiện có những thành công bước đầu trong mảng hài kịch nhưng Lê Trang lại chia sẻ: “Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi theo hài kịch mà luôn ước mơ trở thành ca sĩ dân ca”.

Lê Trang có thể chia sẻ với bạn đọc về cơ duyên và những thuận lợi, khó khăn của ngày đầu bước chân vào con đường hoạt động nghệ thuật?

Hoạt động văn nghệ từ bé, nhưng mãi đến năm 2012, Lê Trang mới tham gia biểu diễn tại một Câu lạc bộ ở quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Ở đây, Trang có vai diễn đầu tiên là vai bà già miền Tây lên thăm con ở thành phố, vai diễn gây ấn tượng bởi lối diễn tự nhiên, giàu cảm xúc, phản ánh mối quan tâm của các bà mẹ vùng quê đối với con cái khi phải rời xa gia đình. 

Đầu năm 2014 , Trang cùng một vài người bạn tham gia chương trình Tiếng cười sinh viên. Năm 2015, Trang tham gia Thách thức danh hài, Cười xuyên việt, 1000 độ hot (giải Diễn viên ấn tượng), Đấu trường tiếu lâm.

Hiện tại, Lê Trang tham gia một vài chương trình như: Xả stress, Bản lĩnh ngôi sao, phim Khi thân chủ là người tình... 

Những ngày đầu vào nghề, Lê Trang được chị Phan Kim Ngọc Ánh – trưởng nhóm kịch Sống hướng dẫn thêm về kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu… Người thứ hai là ca sĩ Phi Nhung cũng thường xuyên góp ý, nhất là khi Lê Trang tham gia các cuộc thi quan trọng. Rồi khi bắt đầu có chỗ đứng trong công việc, Lê Trang tranh thủ mọi cơ hội khi được làm việc, tiếp xúc với các nghệ sĩ nổi tiếng như: Việt Hương, Trấn Thành để học hỏi, tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân. 


Không chỉ giỏi diễn xuất, Lê Trang còn giỏi hát nhạc dân ca 

Cho đến ngày nay, kỷ niệm nào khiến Lê Trang nhớ mãi?

Đến giờ, khán giả dễ nhận ra Lê Trang với một chất giọng “khàn khàn” đặc trưng, biết hát dân ca, cải lương mà tiêu biểu của sự “tích hợp” này là vai “Liều” trong kịch Kép tư bền mà Trang đã tham gia cuộc thi Cười xuyên Việt trước đây. 

Được giải Tư chương trình Cười xuyên Việt nhưng kỷ niệm khó quên nhất đối với Trang đó là  lần được nắm trong tay giải thưởng 20 triệu đồng từ chương trình Thách thức danh hài của HTV mùa đầu tiên. Lúc đó Trang sướng lắm vì từ trước tới giờ chưa bao giờ cầm trong tay số tiền lớn như vậy. Rồi khi phát sóng, ba mẹ rất vui bởi thấy con mình xuất hiện trên truyền hình, được nhiều người biết đến. Có lẽ ba mẹ đã cảm thấy yên tâm hơn về con, cũng như về công việc mà con gái mình đã chọn.


Lê Trang thành công qua nhiều dạng vai

Trong hành trình theo đuổi đam mê, có khi nào Lê Trang nhụt chí, hoặc cảm thấy chán nản? 

Trang đến với nghề theo cách tự lập, không có sẵn mối quan hệ, một mình phải lo toan mọi thứ, cơm áo gạo tiền, và đương nhiên là cả việc tìm nơi diễn. Nhưng đâu phải mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, nhiều khi cả tháng không có sô diễn mà xe lại hư, người bị bệnh, không biết xoay xở bằng cách nào! Ngay cả khi có vai, diễn không vừa lòng khán giả là về nằm buồn miết, ăn ngủ không ngon vì Trang xem nghệ thuật là đời sống của mình, nó thấm vào trong máu. 

Những lúc chán nản, vấp ngã, Trang chỉ muốn muốn được ôm ba mẹ và khóc cho thiệt đã, nhưng vì cuộc sống và công việc, coi đó là thử thách, rồi mình lại gắng gượng vượt qua. Từ trước tới giờ, Trang làm việc gì, tính toán điều gì cũng âm thầm vì không muốn cho ba mẹ phải lo lắng, suy nghĩ, nhất là khi ba mẹ không ủng hộ Trang theo con đường này vì “không biết đâu ngày mai”. 

Giờ thì Trang đã chứng minh cho ba mẹ thấy sự trưởng thành của mình, nói được làm được và quan trọng hơn là Tổ nghiệp cho Trang theo nghề rồi, phải biết trân trọng và sống chết với nó.

Trong bối cảnh có rất nhiều chương trình hài kịch ra đời, Lê Trang tận dụng cơ hội này như thế nào để phát triển nghề nghiệp, cũng như tạo dựng chỗ đứng của mình trong lòng khán giả?  

Nhiều chương trình hài kịch ra đời giúp khán giả có cơ hội lựa chọn cho mình chương trình phù hợp với sở thích và lứa tuổi, đồng thời, các nghệ sĩ cũng có nơi để cống hiến cho khán giả những tiết mục hài kịch mà mình đã dày công luyện tập. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ nói chung, cũng như Lê Trang đến gần hơn với khán giả. Dù còn trẻ, nhưng Lê Trang lại chọn đối tượng khán giả chinh phục là người lớn tuổi và con nít, “bỏ qua” tuổi teen vì thấy mình không hợp lắm. Tuy nhiên, Lê Trang luôn coi khán giả là tất cả nên luôn sáng tạo, tìm tòi tác phẩm hay để phục vụ khán giả dù ở lứa tuổi nào. 


Lê Trang mộc mạc trong một vai diễn

Lê Trang suy nghĩ thế nào trước ý kiến không hay nói về việc nghệ sĩ chạy sô trong thời buổi bùng nổ các chương trình hài kịch?  

Cũng vì nhiều chương trình nên nhiều nghệ sĩ chạy đua, không có đủ thời gian để tập tành, cũng như cảm thụ nội dung tác phẩm. Thời gian của mỗi cá nhân khác nhau nên khi thực hiện một chương trình, tìm được thời gian chung để tập luyện ghi hình là khó, chưa kể một cá nhân tham gia mấy chương trình một lúc, càng khó hơn. 

Và cái gì cũng vậy, khi nhiều người cùng “kinh doanh” một ngành hàng, thì các món hàng dễ bị… trùng lặp, giống như một đầu bếp nấu cho 3 nhà hàng “cạnh tranh” nhau thì chắc hẳn sẽ bị trùng ý tưởng. Nếu có “ý tưởng mới”, cũng chỉ là bản mẫu, bản thử, vì các đầu bếp không đầu tư thỏa đáng vào một món mới nên chất lượng đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng. 

Quay trở lại các chương trình hài kịch hiện nay, cá nhân Trang nghĩ rất cần những nhà biên kịch, những tác giả tâm huyết, giỏi nghề để viết ra những kịch bản hay, khỏa lấp vào những khoảng trống còn đang thiếu hụt.


Phút ngẫu hứng cùng các bạn diễn

Lê Trang sẽ đầu tư cho công việc sắp tới của mình như thế nào?

Lê Trang vẫn xoay xở để tìm cho mình một lối diễn riêng và đó là sự rèn luyện không ngừng nghỉ, tự trang bị những kiến thức sân khấu, kỹ năng biểu diễn, sáng tạo trong mọi tình huống. Lê Trang nghĩ, nếu mình chân thành, không sợ sai, chịu khó quan sát học hỏi cái hay, cái đẹp từ những cô chú, anh chị trong nghề thì nhất định sẽ gặt hái được thành công. 

Nghề học nghề, nghề chỉ nghề, nắm bắt cơ hội theo năm tháng, Trang tin mình sẽ tạo ra một lối diễn riêng vì dân gian ta có câu “gừng càng già càng cay” hay “có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Minh Nguyễn. Ảnh: FBNV