(HTV) - Theo ước tính, cơn bão số 3 đi qua không chỉ gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, để lại không chỉ đau thương cho hàng ngàn con người mà còn phơi bày ra sự thật trần trụi của một bộ phận người.
Bộ phận người này có thể bất chấp mọi thứ, thậm chí là lợi dụng nỗi đau của chính đồng bào mình chỉ đơn giản vì muốn được sống ảo, được nhiều người quan tâm.
Đoạn clip người chồng cố gắng đẩy vợ con trong chậu, di chuyển trong khu vực ngập nước đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt là hóa ra là sản phẩm của dàn dựng. Hay những thông tin giả xoay quanh thiệt hại của cơn bão số 3 vẫn không ngừng được lan truyền trên mạng xã hội.
Đây là sản phẩm dàn dựng
Không chỉ dàn dựng hậu quả của cơn bão, thậm chí không ít tổ chức, cá nhân còn lợi dụng việc quyên góp từ thiện để làm nội dung. "Chuyển ít khoe nhiều" với chỉ một một đích duy nhất là muốn làm màu, khoe mẽ bản thân hào phóng trong việc từ thiện. Điều đáng nói, khi sự việc được phanh phui thì những cá nhân này chỉ xin lỗi qua loa, hoặc thậm chỉ viện ra lý do đơn giản là "thiếu hiểu biết".
Cảnh báo: Lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi
Nhiều năm trở lại đây, việc lợi dụng các hoạt động thiện nguyện để xây dựng hình ảnh cá nhân, trục lợi nhằm nổi tiếng cũng không còn quá xa lạ. Việc thích thể hiện không trái với pháp luật nhưng việc thể hiện sai lệch thông tin, thời gian, thời điểm sẽ khiến các cá nhân đối mặt với nguy cơ vi phạm pháp luật.
Việc thể hiện sai lệch thông tin, thời gian, thời điểm sẽ khiến các cá nhân đối mặt với nguy cơ vi phạm pháp luật
Theo Tiến sĩ Lê Minh Tấn - Giảng viên Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM: "Trong quá trình nguyên cứu thì chúng tôi thấy rằng các thông tin càng "nóng" thì sẽ xuất hiện tin giả với mục đích đưa hình ảnh của họ đến với người dân nhiều hơn, tăng thêm lượt xem của người khác cho họ, thậm chí nhiều tổ chức phản động cũng dựa vào đây để chống phá gây khó khăn trong cho Nhà nước ta. Tôi cho rằng dù ở mục đích nào thì cũng cần phải xử lý nghiêm minh, mang đến hệ lụy rất lớn, bất chấp lương tri và đạo lý, gây hoang mang dư luận và trật tự xã hội".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Đối với những hành vi chỉnh sửa sao kê để tung lên mạng xã hội thì sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng, bên cạnh đó đối với các trường hợp lợi dụng tiền từ thiện để biển thủ làm của riêng hoặc đóng về cho cơ quan chức năng bị sai lệch thì có thể bị phạt từ 7 - 15 năm tù với tội chiếm đoạt tài sản".
Theo các chuyên gia, song song với việc tăng cường mức xử phạt đối với các cá nhân vi phạm thì việc cộng đồng cũng nên nâng cao nhận thức để lên mạnh mẽ đối với những hành vi này.
Thạc sĩ Trần Linh Huân - Giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết: "Các chế tài đã được quy định đầy đủ, điều cần làm bây giờ thì cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm sát, giám sát để không để các trường hợp tương tự tái diễn. Bên cạnh đó người dân cũng cần lên án và phê phán mạnh mẽ đối với các trường hợp này để họ không còn ý muốn tiếp diễn
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm: "Các cá nhân tung tin đồn chủ yếu là người có sức ảnh hưởng nên thu nhập của họ rất tốt, đối với mức phạt chỉ từ 5 - 10 triệu đồng là hoàn toàn không đủ sức răn đe. Chính vì thế tôi kiến nghị phải tăng mức phạt này lên cao hơn nữa mới hy vọng cải thiện được tình trạng này".
Cộng đồng nên nâng cao nhận thức để lên mạnh mẽ đối với những hành vi này
"Lá lành đùm lá rách" là một nghĩa cử tốt đẹp của dân tộc, chủ động dang tay giúp đỡ người khác là một hành động thể hiện lòng trắc ẩn và nhân ái, xuất phát từ trái tim. Thế nhưng khi hành động quyên góp, ủng hộ bị biến thành một công cụ phục vụ lợi ích cá nhân, tổ chức không chỉ khiến nhiều cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng, gây tổn thương cho những người yếu thế mà còn khiến nhiều người cũng giảm niềm tin vào những giá trị nhân văn. Làm từ thiện từ tấm chân thành thì mới góp phần xây nên một xã hội chân thật.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9