(HTV) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thăm chính thức Trung Quốc trong hai ngày 16-17/5. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Putin sau khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ 5.
Việc lựa chọn Trung Quốc là quốc gia nước ngoài đầu tiên tới thăm đã minh chứng cho các ưu tiên đối ngoại và những kỳ vọng của Nga trong thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Mát-xcơ-va và Bắc Kinh, trong bối cảnh tình hình thế giới đối mặt nhiều thách thức, đối đầu giữa các cường quốc gia gia tăng, các xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tổng thống Putin thăm Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức. Nguồn ảnh: Tân Hoa Xã
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh giá cao mối quan hệ song phương hiện nay và cho rằng hai bên cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này.
Về phần mình, Tổng thống Putin cho rằng Nga và Trung Quốc đã tích lũy được nền tảng hợp tác vững chắc, qua đó đưa 2 nước trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Trong năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần 25%, đạt 227 tỷ USD. Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Lãnh đạo Nga - Trung đề cao quan hệ song phương
Ngoài những vấn đề song phương, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm, như xung đột tại Ucraina, tình hình an ninh tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Putin cho rằng, hợp tác Nga - Trung trong các vấn đề quốc tế là một trong những yếu tố chính giúp ổn định tình hình thế giới. Hai nước đều bảo vệ các nguyên tắc công bằng và trật tự thế giới dân chủ, dựa trên thực tế đa cực và luật pháp quốc tế. Ông Putin khẳng định, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không nhằm chống lại bất kì ai.
Về cuộc xung đột tại Ucraina, ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc ủng hộ một hội nghị hòa bình quốc tế mà cả Nga và Ucraina đều công nhận, với sự tham gia bình đẳng và thảo luận công bằng về mọi phương án. Đáp lại, ông Putin nói rằng, Nga đánh giá cao lập trường khách quan, công bằng và cân bằng của Trung Quốc trong vấn đề Ucraina, hoan nghênh vai trò của Bắc Kinh trong việc tìm ra một giải pháp chính trị.
Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố chung về về việc làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược, đưa quan hệ hai nước vào thời kỳ mới. Bản tuyên bố dài 30 trang nhấn mạnh Mát-xcơ-va và Bắc Kinh ủng hộ lập trường của nhau trong các vấn đề an ninh, chỉ trích đích danh Mỹ, cũng như đề ra định hướng phát triển quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, kinh tế, năng lượng, công nghệ…
Lãnh đạo Nga - Trung ra tuyên bố chung tăng cường hợp tác. Nguồn ảnh: Tân Hoa Xã
Giới quan sát cho rằng quyết định của ông Putin chọn Trung Quốc là điểm đến của chuyến thăm đầu tiên sau khi tái đắc cử tổng thống cho thấy Mát-xcơ-va rất coi trọng việc phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Bắc Kinh và quyết tâm "hướng về phía Đông" trước sức ép từ phương Tây.
Thực tế, quan hệ Nga - Trung được cho đã bắt đầu nồng ấm từ năm 2014, khi Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crưm. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa hai nước mới chỉ được đẩy lên mức cao nhất từ khi căng thẳng trong quan hệ Nga - Ucraina tiến sát đến cao trào. Đầu tháng 02/2022, chỉ vài tuần trước khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ucraina bắt đầu, Bắc Kinh và Mát-xcơ-va công bố quan hệ hữu nghị "không giới hạn".
Về mặt chính trị, Trung Quốc và Nga thường xuyên ủng hộ nhau trong các vấn đề chủ quyền, lãnh thổ trên trường quốc tế. Phương Tây tỏ ra không hài lòng khi Bắc Kinh tuyên bố trung lập trong cuộc chiến tại Ucraina và chưa bao giờ chỉ trích Nga. Ngược lại, Nga ủng hộ chính sách "một Trung Quốc" và phản đối vấn đề Đài Loan độc lập.
Chuyên gia nhận định về chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin
Kể từ sau các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ dầu khí số 1 của Nga, giúp Nga đứng vững sau những nỗ lực trừng phạt kinh tế từ Mỹ và Châu Âu. Ngoài ra, Bắc Kinh bị cáo buộc đã bán cho Nga một lượng lớn sản phẩm lưỡng dụng có thể được dùng cho công nghiệp quốc phòng Mát-xcơ-va như máy bay không người lái, động cơ máy bay phản lực...
Việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại đây sẽ là đòn bẩy để Mát-xcơ-va lách lệnh trừng phạt và vẫn có nguồn lực tài chính để chi cho chiến sự tại Ucraina.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 12/2023 đã ký sắc lệnh cho phép trừng phạt gián tiếp ngân hàng nước ngoài liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng Nga, loại những tổ chức này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Mỹ từ lâu cho rằng Trung Quốc dù không trực tiếp gửi vũ khí cho Nga, nhưng hỗ trợ Mát-xcơ-va mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng. Theo Mỹ, việc này không chỉ đe dọa an ninh Ucraina, mà còn đe dọa an ninh Châu Âu.
Nga - Trung hợp tác khiến phương Tây lo ngại. Nguồn ảnh: Tass
Một số cơ quan truyền thông phương Tây nhận định, chuyến thăm của ông Putin diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa trở về từ Châu Âu, cho thấy Trung Quốc không thay đổi quan điểm về quan hệ song phương với Nga, bất chấp sức ép từ phương Tây.
Phản ứng trước chuyến thăm Bắc Kinh của ông Putin, Mỹ cho rằng Trung Quốc không thể vừa cải thiện quan hệ với phương Tây vừa ủng hộ Nga.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc về quan hệ với Nga
Theo đài CNN, thặng dư thương mại hàng hóa toàn cầu của Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây và hiện lên đến gần 1.000 tỷ USD, gây căng thẳng với Mỹ và Mát-xcơ-va.
Theo các chuyên gia, Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn, trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng. Bằng cách tận dụng các thế mạnh bổ sung về kinh tế, an ninh và chính trị, hai nước đang hướng tới việc định hình lại trật tự thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng có thể kéo theo việc cạnh tranh giữa các cường quốc tiếp tục tăng cao, tạo ra môi trường bất ổn, đối nghịch không có lợi cho hòa bình và an ninh toàn cầu nói chung và các nước nói riêng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9