(HTV) - Tối 08/8, chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2006, ông Muhammad Yunus, tuyên thệ nhậm chức người đứng đầu Chính phủ lâm thời Bangladesh.
Động thái này diễn ra sau một loạt bất ổn chính trị, xã hội gần đây tại quốc gia Nam Á, được mô tả như là những sự kiện tồi tệ nhất đối với người dân nước này, mà khởi nguồn là từ các cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên.
Một cuộc biểu tình ở thủ đô Dahka, Bangladesh, vào tháng 7/2024 - Nguồn ảnh Reuters
Những lần xuống đường của sinh viên Bangladesh diễn ra liên tục hồi đầu tháng 7, bắt đầu với những đề nghị ôn hòa nhằm bãi bỏ hệ thống phân bổ chỉ tiêu viên chức.
Tại quốc gia Nam Á, viên chức được coi là công việc ổn định và có thu nhập cao hơn nhiều ngành nghề khác. Trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, tìm được một công việc trong chính quyền là niềm mơ ước của nhiều người trẻ.
Từ sau khi giành độc lập từ Pakistan năm 1971, Bangladesh dành 1/3 chỉ tiêu tuyển viên chức mỗi năm cho con em của những quân nhân đã đấu tranh "vì tự do". Chế độ này do Thủ tướng khi ấy Sheikh Mujibur Rahman, cũng là cha của Thủ tướng lưu vong Sheikh Hasina, đưa ra vào năm 1972.
Tuy nhiên, thanh niên, sinh viên cho rằng chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức là phân biệt đối xử, chỉ ưu tiên một nhóm đặc quyền, nhất là những người ủng hộ đảng Liên đoàn Awami cầm quyền của bà Sheikh Hasina.
Nỗi bất bình này từng làm dấy lên phong trào kêu gọi cải cách chính sách tuyển dụng viên chức vào năm 2013 và 2018. Sinh viên Đại học và Cao đẳng ủng hộ phong trào, còn chính phủ Bangladesh lại có quan điểm trái ngược. Đến tháng 10/2018, bà Hasina chấp thuận xóa bỏ chế độ phân bổ chỉ tiêu viên chức.
Nhưng thân nhân các cựu binh Bangladesh đệ đơn kiện và Tòa Thượng thẩm Bangladesh hồi tháng 6 ra phán quyết khôi phục chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức. Trong đó 30% dành cho thân nhân cựu binh, 10% cho phụ nữ, 10% cho vùng kém phát triển, 5% cho cộng đồng người bản địa và 1% cho người khuyết tật.
Biểu tình ngày càng trở nên quá khích khi hàng chục ngàn người đổ xuống đường. Bạo lực bùng phát từ ngày 15/7, khi lực lượng an ninh bắt đầu dùng đạn cao su và cả đạn thật đối phó người biểu tình.
Đến ngày 21/7, Tòa án Tối cao Bangladesh bác bỏ phán quyết của tòa cấp dưới về việc tái áp dụng chế độ hạn ngạch việc làm trong khối nhà nước. Theo đó cho phép các sinh viên có thành tích học tập tốt sau khi tốt nghiệp có thể nộp hồ sơ ứng tuyển vào 93% việc làm nhà nước mà không bị giới hạn bởi chế độ hạn ngạch.
Nhóm sinh viên Bangladesh dẫn đầu phong trào biểu tình sau đó thông báo tạm dừng biểu tình trong 48 giờ. Tuy nhiên, nhiều sinh viên đã trở lại đường phố trong các cuộc biểu tình lẻ tẻ. Để rồi ngày 04/8 trở thành ngày đẫm máu nhất trong các cuộc biểu tình, khi các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình khiến ít nhất 91 người thiệt mạng, trong đó có 13 cảnh sát.
Hãng tin AFP dẫn số liệu từ cảnh sát, chính phủ và giới chức y tế Bangladesh ước tính ít nhất 300 người đã thiệt mạng từ khi biểu tình nổ ra. Còn theo báo The Guardian, tính đến ngày 04/8, gần 11.000 người đã bị bắt.
Tại cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia diễn ra vào lúc 13 giờ ngày 04/8, quân đội cảnh báo sẽ không ngăn chặn các cuộc tuần hành của sinh viên diễn ra trong ngày 05/8.
Tình hình vẫn được kiểm soát cho đến 9 giờ sáng 05/8, cho đến khi hàng nghìn sinh viên tiến vào thủ đô Dhaka. Căng thẳng leo thang thành bạo lực đã khiến quân đội Bangladesh buộc Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phải rời đất nước trong 45 phút - nhiều kênh truyền thông Ấn Độ đưa tin.
Bà Hasina sau đó đã đến đến một căn cứ quân sự của Ấn Độ, cách thủ đô New Delhi khoảng 30 km, nhưng nhiều khả năng sẽ xin tị nạn tại Anh hoặc Phần Lan. Động thái này cũng đặt dấu chấm hết cho hơn 15 năm trên đỉnh quyền lực của bà.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phát biểu trong một cuộc họp tại dinh Thủ tướng ở Dhaka, ngày 08/1/2024. - Nguồn ảnh: Reuters
Người biểu tình Bangladesh bày tỏ vui mừng khi Thủ tướng Sheikh Hasina buộc phải từ chức - Nguồn ảnh: CNN
Ngay sau đó, một chính phủ lâm thời do quân đội đứng đầu được thành lập để ổn định tình hình đất nước. Đến ngày 06/8, Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin, một chức danh nặng tính nghi lễ, ra lệnh giải tán Quốc hội, chỉ vài giờ sau khi lãnh đạo các cuộc biểu tình của sinh viên đặt ra thời hạn chót để giải tán cơ quan lập pháp, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp cứng rắn nếu yêu cầu của họ không được thực hiện.
Lãnh đạo phe đối lập Begum Khaleda Zia, cựu Thủ tướng Bangladesh, cũng được giải phóng khỏi lệnh bắt giữ tại nhà.
Nhóm sinh viên lãnh đạo phong trào biểu tình trong ngày 06/8 đề nghị thành lập một chính phủ lâm thời mà đứng đầu là người từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2006 - Tiến sĩ Muhammad Yunus.
Đáp lại yêu cầu này, Tổng thống Shahabuddin hôm 07/8 đã bổ nhiệm ông Muhammad Yunus làm trưởng cố vấn chính phủ lâm thời, Reuters cho hay.
Ông Muhammad Yunus (phải) nhận giải Nobel Hòa bình tại Oslo, Na Uy, vào năm 2006 - Nguồn ảnh: AP
Ông Muhammad Yunus, năm nay 84 tuổi, là một nhà kinh tế và chủ ngân hàng. Ông đoạt giải Nobel nhờ nỗ lực nhằm giúp hàng triệu người thoát nghèo bằng cách cung cấp các khoản vay dưới 100 đô la Mỹ cho người dân vùng quê.
Tuy nhiên, ông cũng từng đối mặt nhiều cáo buộc biển thủ, tham nhũng và vi phạm luật lao động. Ông cũng từng cân nhắc lập đảng đối lập với Liên đoàn Awami của Thủ tướng Sheikh Hasina.
Từ Pháp, ông Yunus trở về Bangladesh vào ngày 08/8 để nhậm chức. Lễ tuyên thệ diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống Mohammed Shahabuddin tại Dinh Tổng thống. Phát biểu tại lễ tuyên thệ, ông Yunus cam kết “sẽ duy trì, ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp”, đồng thời khẳng định sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách “chân thành”. Nhiệm vụ chính của ông Yunus hiện nay là khôi phục ổn định ở Bangladesh và chuẩn bị cho những cuộc bầu cử mới.
Ông Muhammad Yunus (phải) tại buổi tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo chính phủ lâm thời của Bangladesh, tại một buổi lễ ở Dhaka vào ngày 8/8/2024. Nguồn ảnh: AFP
Ông Muhammad Yunus tuyên thệ nhậm chức đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh
Tình hình bất ổn ở Bangladesh có lẽ chưa thể chấm dứt khi mà những căn nguyên dẫn tới căng thẳng xã hội chưa được giải quyết triệt để.
Nhiều chuyên gia nhận định làn sóng biểu tình hiện nay là một hệ quả tất yếu của những nguyên nhân tích tụ lâu nay, mà nguồn cơn sâu xa là do các vấn đề kinh tế và sự trì trệ trong tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân.
Trong thời kỳ đầu bà Sheikh Hasina lên nắm quyền, nhà lãnh đạo này đã góp phần hồi sinh nền kinh tế đất nước, đưa Bangladesh từ một quốc gia nghèo nàn trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và cải thiện đáng kể mức sống của người dân.
Phần lớn sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi ngành Công nghiệp dệt may. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng một phần của sự tăng trưởng này chỉ mang lại lợi ích cho những người theo đảng của bà Hasina. Tháng 01/2024, Đảng Awami của bà Hasina thắng cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, gây ra nhiều tranh cãi.
Sự tăng trưởng cũng không tạo thêm việc làm cho khoảng 18 triệu người trẻ đang tìm việc. Sinh viên tốt nghiệp Đại học phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao hơn so với những người ít bằng cấp hơn.
Kể từ đại dịch COVID-19 đến nay, kinh tế sa sút trầm trọng, mà suy giảm mạnh nhất lại là ngành Dệt may. Lạm phát cao gần hai chữ số, tỷ giá hối đoái không ổn định cùng dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, càng làm kinh tế Bangladesh khó khăn hơn.
Không ảnh chụp một khu ổ chuột tại thủ đô Dhaka, Bangladesh. Nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế từ sau đại dịch COVID-19 - Nguồn ảnh: Star File
Không chỉ ảnh hưởng trong nước, tình hình bất ổn ở Bangladesh cũng khiến nước láng giềng Ấn Độ đặt lực lượng biên phòng nước này trong tình trạng cảnh giác cao độ. Ấn Độ có một mối quan hệ đặc biệt với Bangladesh, khi chia sẻ đường biên giới dài 4.096 km và có mối liên hệ về ngôn ngữ, kinh tế và văn hóa, cùng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 16 tỷ đô la.
Việc bà Sheikh Hasina từ chức và lưu vong sang Ấn Độ cũng nêu bật mối quan hệ giữa Dhaka và New Dehli. Tuy nhiên, dù bày tỏ quan ngại về tình hình ở Bangladesh, Ấn Độ cho tới nay vẫn gọi các cuộc biểu tình là "chuyện nội bộ" của Bangladesh.
Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn tại Bangladesh. Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên trong nước bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một quá trình chuyển tiếp hòa bình, trật tự và dân chủ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9