Thụy Điển: Phục hồi thành công ARN của động vật bị tuyệt chủng

ĐẠT NGUYỄN - BẢO DUY // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/9/2023, 10:36

(HTV) - Các nhà khoa học ở Thụy Điển vừa phục hồi được axit ribonucleic - còn gọi là ARN - từ loài hổ Tasmania đã tuyệt chủng. Thành công này mở ra khả năng hồi sinh nhiều loài đã biến mất từ lâu trên Trái Đất.

Nhóm khoa học của Đại học Stockholm đã giải mã thành công ARN từ tiêu bản hổ Tasmania 130 tuổi lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Stockholm.

ARN là phân tử nắm giữ và thực hiện mã hóa, dịch mã, điều hòa, và biểu hiện của gen di truyền, đồng thời thực hiện liên lạc trong quá trình truyền tín hiệu di truyền, tổng hợp. Các trình tự được phục hồi "có chất lượng đến mức có thể xác định được các ARN mã hóa protein đặc trưng cho cơ và da". Điều này nghĩa là: Từ đây, họ có thể tái tạo lại ARN từ cơ và da của con vật.

Chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Stockholm đang kiểm tra tiêu bản hổ Tasmania. Nguồn ảnh: AP

Giáo Sư Love Dalen - Chuyên gia Di truyền học Tiến hóa, Đại học Stockholm - cho biết: "Thử nghiệm cho thấy, các phân tử mặc dù phân hủy nhanh sau khi con vật chết, nhưng nếu mẫu vật được làm khô sớm, các ARN có thể tồn tại ít nhất 100 năm".

Thành công mới sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu các loại virus gốc ARN, vốn lấy ARN làm vật chất di truyền, như virus gây bệnh sốt xuất huyết Ebola, SARS, bệnh dại, cảm lạnh, cúm, viêm gan C, sốt Tây sông Nile, bại liệt, sởi và mới đây nhất là virus Corona. Những loại virus ARN có thể tồn tại trong các tiêu bản động vật khô đang lưu trữ ở các bảo tàng, và nghiên cứu nó giúp con người hiểu rõ hơn về bản chất và nguyên nhân bùng phát dịch bệnh.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: