LongFORM: Sự cố mạng Crowdstrike đã gây hậu quả nghiêm trọng toàn cầu như thế nào?

VĂN PHÚC - KIM NGÂN - NGỌC THẠCH - MẠNH HÙNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/7/2024, 21:00

(HTV) - Hệ thống máy tính toàn cầu bị sập liên quan đến hãng An ninh mạng Crowdstrike và gã khổng lồ công nghệ Microsoft ngày 20/7 qua đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu. Điều này một lần nãy phơi bày sự mong manh của hệ thống Internet.

Hàng loạt doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới đã ngừng cung cấp dịch vụ sau vụ sập hệ thống máy tính toàn cầu liên quan đến lỗi phần mềm trên máy tính chạy bằng Windows của Microsoft.

Logo của công ty An ninh mạng CrowdStrike. Nguồn ảnh: AP

Mặc dù được xác định không phải là tấn công mạng, nhưng nó được coi là sự cố máy tính lớn nhất từ trước đến nay và cho thấy rủi ro trong một thế giới đang chuyển sang kỹ thuật số và kết nối trực tuyến.

Ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hàng chục ngàn chuyến bay bị hoãn, hủy. Ước tính, khoảng 33.000 chuyến bay trên thế giới bị hoãn, gần 4.000 chuyến bị hủy, trong đó ngành hàng không nước Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 10.000 chuyến hoãn hoặc hủy. Tại Mỹ, 3 hãng hàng không có số lượng chuyến bay huỷ nhiều nhất là: Delta, American Airlines và United Airlines và chưa kể các chuyến bay nối chuyến.

Hàng ngàn chuyến bay bị hủy tại các sân bay ở New York. Nguồn ảnh: AP

Tương tự, khắp các sân bay khác từ Châu Á sang Châu Âu, hành khách mắc kẹt khi phải mất hàng tiếng làm thủ tục trong ngày 19/7. Nhân viên phải thực hiện thao tác bằng tay do hệ thống máy tính bị ngưng trệ.

Hành khách xếp hàng dài chờ ở sân bay quốc tế tại Mexico City. Nguồn ảnh: AP

Giao thông đường bộ cũng “tê liệt”, đặc biệt tại các khu vực biên giới Mỹ - Mexico do Hệ thống Kê khai tự động (AMS) của Hải quan & Bảo vệ Biên giới Mỹ ngừng hoạt động.

Ảnh hưởng của sự cố còn lan sang các lĩnh vực khác như y tế, ngân hàng, chứng khoán, truyền thông, bán lẻ,... của rất nhiều nước trên thế giới. 

Tại Anh, hệ thống đặt chỗ của các bệnh viện, phòng khám đã bị treo.

Các kênh truyền hình ở Anh và Pháp phải ngừng phát sóng, xin lỗi vì không thể truyền hình trực tiếp.

Văn phòng công ty CrowdStrike tại California, Mỹ. Nguồn ảnh: AP

Nhiều khách hàng ở Australia, Đức hay Ấn Độ đã không thể chuyển tiền, hoặc gặp khó khăn khi giao dịch tại các ngân hàng.

Câu lạc bộ bóng đá Manchester United thông báo trên mạng xã hội X rằng họ đã phải hoãn lịch phát hành vé.

BTC Olympic Paris 2024 thông báo các đội kỹ thuật đã được huy động đầy đủ để hạn chế các tác động, đồng thời kích hoạt các kế hoạch dự phòng để đảm bảo tiếp tục hoạt động cho công tác tổ chức.

Với những ảnh hưởng vừa nêu, ước tính có hàng triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ sự cố của Microsoft. Nguyên nhân dẫn tới sự cố này đã được công bố và khắc phục, song vẫn sẽ phải mất một thời gian nhất định để mọi thứ trở lại quỹ đạo ban đầu.

Trong một thông báo gửi đến khách hàng chiều 19/7, hãng An ninh mạng CrowdStrike xác nhận bản cập nhật phần mềm Falcon Sensor đã gây ra sự cố và hiển thị "màn hình xanh chết chóc". 

Một bản cập nhật từ đối tác của Microsoft có thể làm gián đoạn hệ thống hàng không toàn cầu đã phơi bày sự mong manh của hệ thống Internet. Các nhà phân tích cảnh báo tính nghiêm trọng của vấn đề, đồng thời cho biết có thể sẽ còn những sự cố trong tương lai nếu không tìm ra cách khắc phục.

Logo Microsoft và CrowdStrike. Nguồn ảnh: AP

Theo các chuyên gia, các công cụ bảo mật công nghệ thông tin được thiết kế để đảm bảo rằng các công ty có thể tiếp tục hoạt động trong trường hợp xấu nhất là bị vi phạm dữ liệu, do đó, việc chính các công cụ này trở thành nguyên nhân gốc rễ của sự cố sập máy tính toàn cầu là một thảm họa không thể tránh khỏi.

Đó là về lâu dài, còn trước mắt, sự cố sập đám mây của Microsoft không chỉ gây gián đoạn các lĩnh vực trên toàn cầu, mà còn có nguy cơ trở thành “miếng mồi ngon” cho những đối tượng lừa đảo trực tuyến. Nhà chức trách Australia đã kêu gọi người dân cảnh giác với các “trang web độc hại và mã không chính thức" đang được phát tán trực tuyến với quảng cáo là hỗ trợ phục hồi sau sự cố của Microsoft.

Văn phòng làm việc của Cục Tín hiệu Australia. Nguồn ảnh: AP

Theo Cục Tín hiệu Australia - Cơ quan Tình báo mạng của nước này khuyến nghị người tiêu dùng chỉ lấy thông tin kỹ thuật và cập nhật từ các nguồn chính thức của CrowdStrike và cảnh giác với các ý đồ lừa đảo cũng như tấn công lừa đảo.

Một tác động khác của sự cố còn là làm lung lay lòng tin của người dùng, cả về công nghệ an ninh mạng cũng như về công nghệ số nói chung. CrowdStrike đã gửi xin lỗi về sự cố này, tuy nhiên, thiệt hại là không thể tránh và ước tính thiệt hại sẽ là một con số khổng lồ. Đây có thể coi là một bài học kinh nghiệm đắt giá cho những công ty công nghệ như CrowdStrike, đồng thời cũng là lời cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn trong các hoạt động trực tuyến, từ đó cần cẩn trọng hơn trong việc thích nghi với một thế giới đang ngày càng số hóa mạnh mẽ.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: