NewZgraphic: Thoát vị đĩa đệm - Nỗi lo mới của giới trẻ

HOÀNG NGÂN - HỒNG PHÚC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 20/3/2024, 17:46

(HTV) - Nhiều người nghĩ thoát vị đĩa đệm chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ mắc căn bệnh này.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ dây thần kinh gây đau cột sống.

Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm nhưng phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cổ, do các vị trí này chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Vị trí thoát vị đĩa đệm phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cổ do các vị trí này chịu nhiều tác động nhất trong cuộc sống hằng ngày. Nguồn ảnh: Medlatec

Bệnh thoát vị đĩa đệm được chia làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đĩa đệm bắt đầu biến dạng nhưng vòng bao xơ chưa rách. Có thể xảy ra các tình trạng như tê tay, tê chân nhưng không tạo ra quá nhiều cơn đau nên hầu hết không ai để ý.

Giai đoạn 2: Vòng xơ rách một phần, nhân nhầy bắt đầu thoát ra ngay chỗ vòng xơ bị suy yếu, đĩa đệm phình to, tuy nhiên cơn đau vẫn chưa rõ ràng.

Giai đoạn 3: Vòng xơ rách toàn phần, nhân nhầy lồi ra ngoài và chèn ép rễ thần kinh. 

Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất. Tình trạng chèn ép rễ thần kinh diễn ra lâu ngày gây biến chứng nguy hiểm. Cơn đau nhức dữ dội và dai dẳng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý người bệnh.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh thoát vị đĩa đệm, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

Sai tư thế: Tư thế ngồi, lao động hay mang vật nặng sai cách dẫn đến chấn thương.

Chấn thương: Những trường hợp có một lực mạnh tác động dẫn đến chấn thương như té ngã, tai nạn giao thông, chơi thể thao đều có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm.

Thoái hóa tự nhiên: Tuổi cao làm cột sống không còn mềm mại, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, lượng nước và tính đàn hồi bên trong nhầy giảm đi, càng tăng nguy cơ mắc chứng bệnh thoát vị đĩa đệm. 

Biểu hiện

Biểu hiện của căn bệnh thoát vị đĩa đệm có thể kể đến như: Đau hoặc cứng vùng cổ, vai gáy, lan đến 2 bả vai, nhức mỏi vùng gáy, cơn đau tăng khi xoay người, xoay cổ, tê ngón tay cái ở các bàn tay, cổ tay, cổ bị đau tăng khi nghiêng, xoay, cúi, ngửa cổ hay hắt hơi, ho.

Biến chứng

Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không vẫn là một câu hỏi của nhiều người. Căn bệnh này gây nên những cơn đau nhức vô cùng khó chịu và phiền toái, có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động các cơ, tổn thương thần kinh tọa, rối loạn bàng quang, khó tiểu tiện, hoặc nặng nề hơn là dẫn đến bại liệt, tàn phế.

Thoát vị đĩa đệm có chữa được không?

Hiện nay có rất nhiều cách để chữa căn bệnh thoát vị đĩa đệm, trong đó mỗi cách đều có những ưu điểm và những hạn chế khác nhau.

Ta có thể hồi phục đĩa đệm thông qua điều trị vật lý trị liệu và các bài tập hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm. Luyện tập vừa phải giúp người bệnh giảm áp lực lên cột sống, nhờ vậy giảm các cơn đau, tăng sự dẻo dai cho xương khớp, đẩy nhanh tiến trình hồi phục bệnh.

Ngoài ra đối với các trường hợp nặng, ta có thể sử dụng các loại thuốc Tây hoặc tiêm Corticosteroid ngoài màng cứng cột sống theo chỉ định của bác sĩ. 

Đây là những thông tin cơ bản về căn bệnh thoát vị đĩa đệm đang là một nỗi nhức nhối cho các người trẻ hiện nay, đặc biệt là trong một môi trường công nghệ số hóa, các công việc bàn giấy, văn phòng cần phải ngồi nhiều và ngồi lâu khiến cho tỉ lệ mắc bệnh tăng cao.

 

Ý kiến của bạn: