Nghề khắc dấu gỗ phố cổ nét tinh hoa vượt thời gian

HOÀNG VIỆT - AN KHANH - THU HIỀN - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 18/3/2025, 14:52

(HTV) - Tồn tại hàng trăm năm giữa lòng phố cổ Hà Nội, nghề khắc dấu gỗ thủ công không chỉ lưu giữ giá trị truyền thống mà còn trở thành nét văn hóa độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước với những sản phẩm tinh xảo, mang đậm dấu ấn thời gian.

Cửa hàng khắc dấu của ông Phạm Ngọc Trí

Nghề Khắc Dấu Gỗ – Lưu Giữ Dấu Ấn Thời Gian

Các dấu gỗ phục vụ cho nhu cầu của người dân và du khách

Nghề khắc dấu gỗ tại Hà Nội là một trong những nghề thủ công truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, đặc biệt phát triển mạnh trong khu vực phố cổ. Dù không ai xác định chính xác thời điểm ra đời, nhưng theo các tài liệu lịch sử, dấu gỗ xuất hiện từ nhu cầu giao thương, đóng dấu văn bản và trang trí.

Trong suốt thời gian dài, nghề khắc dấu gỗ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gắn bó với nghề gần 40 năm, ông Phạm Đức Trí, một thợ khắc dấu lâu năm tại phố Hàng Quạt, vẫn ngày ngày tỉ mỉ tạo ra những con dấu với nhiều kiểu dáng khác nhau phục vụ người dân và du khách.

Ông Phạm Ngọc Trí – Phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ông Phạm Ngọc Trí – Phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: "Nghề khắc dấu của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng rất độc đáo và hiếm nơi nào có sản phẩm tương tự. Du khách đến đây rất thích và họ đã tìm cách kết nối với tôi qua các nền tảng di động để đặt làm."

Theo ông Trí, để tạo ra một con dấu tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như mài phôi, vẽ phác họa, chạm khắc và tinh chỉnh. Loại gỗ dùng để làm con dấu thường là gỗ lồng mực – một loại gỗ mềm, thớ mịn, dễ hút mực, giúp việc khắc trở nên thuận lợi hơn.

Các con dấu gỗ độc đáo

Với những con dấu có họa tiết đơn giản, người thợ chỉ mất từ 30 đến 60 phút để hoàn thành. Nhưng với những mẫu phức tạp hơn như chân dung hay hoa văn tinh xảo, quá trình chế tác có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Ngoài ra Ông Phạm Ngọc Trí còn cho biết: "Đầu tiên là chế bản, sau đó dùng bản đó in lên gỗ rồi khắc. Những hình đơn giản như hoa, con vật hay chữ thư pháp chỉ mất khoảng một tiếng, giá khoảng 70 nghìn đồng. Nhưng những mẫu phức tạp có thể mất hàng tuần hoặc lâu hơn."

Từ Công Cụ Truyền Thống Đến Quà Lưu Niệm

Nếu trước đây, các hình khắc chủ yếu là chữ chiện hay hoa văn tín ngưỡng, thì nay mẫu mã đã đa dạng hơn, hướng đến mục đích làm quà lưu niệm. Du khách quốc tế đặc biệt yêu thích những con dấu thủ công mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.

Chị Axèle – Du khách Pháp

Chị Axèle – Du khách Pháp chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội và thấy những con dấu được khắc thủ công như thế này. Tôi rất thích thú khi có thể mua chúng làm quà tặng cho gia đình và bạn bè. Chúng thật sự độc đáo và tuyệt vời!"

Trong nhịp sống hiện đại, nếu được bảo tồn và phát triển đúng cách, nghề khắc dấu gỗ sẽ tiếp tục là một biểu tượng độc đáo của Hà Nội, vừa mang giá trị nghệ thuật vừa là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Những con dấu thủ công không chỉ là sản phẩm tinh xảo thể hiện tài hoa của người thợ mà còn là nét văn hóa đặc sắc, giúp du khách cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống Việt Nam.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9 

Ý kiến của bạn: