Nghệ sĩ Lê Nhật Quang chính là người đã tạo nên cái hay, cái đẹp và sự độc đáo cho chương trình “The rainbow show”, phát sóng ngày 8/12/2018 trên HTV9.
Nghệ sĩ Lê Nhật Quang tâm huyết đi tìm cái đẹp, cái lạ cho âm nhạc
Từ hơn hai năm trở lại đây, khán giả yêu nhạc không khỏi tò mò về những chương trình nghệ thuật của Saigon Orchestra, trong đó tiêu biểu là chương trình The rainbow show được biết đến như một “hiện tượng” trong làng âm nhạc.
Xin chào nghệ sĩ Lê Nhật Quang. Những chương trình do anh thực hiện luôn có một màu sắc rất riêng biệt. Cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghệ thuật?
Có thể nói, tôi đến được với âm nhạc là nhờ Ba của mình. Ở những năm 1980 còn nhiều thiếu thốn và vất vả, tại Cà Mau xa xôi, Ba đã định hướng cho tôi theo học đàn piano – một loại nhạc cụ khá lạ đối với xứ sở của vọng cổ, cải lương. Khi ấy, Ba lên TP. Hồ Chí Minh mua một cây đàn piano cũ, và nhiều lần ra khu Ký Con - Yersin mua sách cũ về đàn piano mang về cho anh em tôi học.
Thời điểm ấy, tôi còn có may mắn được thầy dạy đàn piano ở Bạc Liêu đến nhà dạy đàn cho anh Hai của tôi. Sau đó, anh Hai dạy lại cho tôi.
Một màn trình diễn trong “The rainbow show”
Được biết, ngoài tài chơi piano, nghệ sĩ Lê Nhật Quang còn thông thạo nhiều lĩnh vực khác như sáng tác, hòa âm phối khí, chỉ huy?
Nhạc cụ piano cho phép người chơi có tư duy phức điệu (nhiều bè). Piano là một trong số rất ít nhạc cụ đòi hỏi người chơi phải có tư duy điều khiển một dàn nhạc giao hưởng. Do tính năng nhạc cụ và những kiến thức, kỹ năng khi học piano nên hầu hết những người chơi piano đều có khả năng sáng tác và hoà âm, phối khí. Tôi đến với công việc chỉ huy sau cùng, bởi những bài tôi viết sẽ khiến cho việc dàn dựng được thuận tiện.
Đối với tôi, các kỹ năng đều cần để phục vụ cho công việc của người làm nghệ thuật. Điều quan trọng nhất đối với tôi là mang đến khán giả những cảm xúc, sự rung động về cái đẹp, tình yêu và cuộc sống một cách tích cực.
Điều quan trọng nhất với Nghệ sĩ Lê Nhật Quang là truyền thông điệp của tác phẩm đến với khán giả
Phải chăng, cũng chính vì điều này mà anh đã khởi xướng hình thành Saigon Orchestra?
Tháng 6/2016, tôi ra mắt DVD Em còn nhớ hay em đã quên tại cafe Hi-end Nguyễn Đình Chiểu. Đó là một single DVD cho piano cùng dàn nhạc. Phần dàn nhạc tôi giả lập (sequencer), tôi định làm một series về nhạc Việt cho piano cùng dàn nhạc và Em còn nhớ hay em đã quên là đĩa đơn đầu tiên của dự án.
Trong buổi diễn ra mắt này, tôi đã mời các nghệ sĩ là bạn bè thân thiết tập hợp lại thành một dàn nhạc nho nhỏ để chơi cùng mình. Khi luyện tập, tôi mới thấy là chơi “đồ thật” nghe vẫn “đã” hơn nhiều. Vì vậy, tôi tạm gác lại dự án này và đến tháng 9/2016 tôi bắt đầu mời các nghệ sĩ tập hợp nhau thành Saigon Orchestra.
Trong quá trình hình thành Saigon Orchestra, chúng tôi đã gặp phải vô số những khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là việc tập hợp đầy đủ các thành viên để tập luyện vì số lượng rất đông. Hơn thế nữa, chương trình tập luyện không chỉ diễn ra trong một tuần, một tháng, mà tới cả năm ròng, nhưng chúng tôi đã làm rất tốt điều này.
Ý tưởng nào khiến anh cho ra đời chương trình “The rainbow show”?
Việc thành lập một dàn nhạc không khó, nhưng quan trọng là dàn nhạc đó chơi gì và chơi như thế nào. Vì vậy, tôi đã xây dựng The rainbow show. Và tôi đòi hỏi, cần có một chương trình hay, đẹp và hiếm có. Chính vì thế mà cái tên “Rainbow” đã được tôi lựa chọn do nó đáp ứng đủ các tiêu chí trên.
“The rainbow show” từ sự đòi hỏi phải có một chương trình hay, đẹp và hiếm có
Ban đầu (tạm gọi là The rainbow show 1.0), Saigon Orchestra cover lại các bản nhạc đã đi vào lòng nhiều thế hệ yêu âm nhạc. Tuy nhiên, sau đêm diễn đầu tiên vào tháng 2/2017 tại Nhà hát Thành phố, tôi cảm thấy có vấn đề về nội dung: tuy dễ nghe nhưng thiếu điểm nhấn, không có phong cách riêng.
Và như vậy, The rainbow show 2.0 ra đời với hình thức lấy nhạc cụ Việt Nam làm nhạc cụ chính (solo) chơi cùng dàn nhạc giao hưởng. Lấy ngôn ngữ âm nhạc truyền thống và ngôn ngữ cổ điển (Classical) và phổ thông (Pop) phương Tây để tạo thành chương trình. Qua đó, để khán giả thấy được sự độc đáo, cái hay, cái đẹp của âm nhạc và nhạc cụ Việt Nam, kết hợp với phần hình ảnh và hiệu ứng ánh sáng (visual) để truyền tải cảnh đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam một cách chân thực và mạnh mẽ đến với khán giả.
Dàn nhạc đã mất khá nhiều thời gian cho luyện tập do ngôn ngữ âm nhạc mới, khác với ngôn ngữ được học ở trường. Các nghệ sĩ phải thích nghi với nhiều yêu cầu về chuyên môn. Chỉ có thể nói là do đam mê mà anh em trong dàn nhạc mới duy trì được lịch tập căng thẳng như vậy: tập từ 4 đến 8 tiếng mỗi ngày, mỗi tuần 4 ngày, kéo dài trong một năm ròng.
Có thể nói The rainbow show như một đứa con của tôi. Thời gian, sức khoẻ, tiền bạc, tình cảm của tôi đều dành cho nó. Tôi suy nghĩ về nó 24/7 và làm việc mỗi ngày, hoàn thiện nó mỗi ngày với hy vọng, nó đem lại cho khán giả sự hài lòng cao độ.
Linh hồn của chương trình quyết định sự thành công của chương trình. Với The rainbow show, linh hồn đến từ sự gắn kết ăn ý, sự đồng điệu nhịp nhàng của tất cả các nghệ sĩ qua thời gian dài làm việc cùng nhau. Chúng tôi như anh em trong cùng một gia đình vậy.
Nghệ sĩ Lê Nhật Quang là người thổi hồn cho “The rainbow show”
Khi thấy khán giả vỗ tay theo, hát theo, những giọt nước mắt cảm động và khi họ đứng dậy nhún nhảy theo âm nhạc của The rainbow show, tôi mừng lắm, vì âm nhạc của show đã đi đến con tim của khán giả một cách trực tiếp nhất, nhanh nhất. Tất cả những điều đó làm cho toàn bộ nghệ sĩ đều cảm thấy rất vui.
Hiện, anh có những dự định gì cho riêng mình và tương lai của Saigon Orchestra?
Tôi vẫn làm những công việc của mình. Viết thêm bài mới để ra phiên bản The rainbow show 2.3. Chỉnh sửa bài cũ cho hay hơn. Tìm thêm cơ hội để The rainbow show đến với nhiều khán giả hơn nữa.
Cám ơn anh về những chia sẻ thú vị này.
Hoàng Quyên