Nghệ sĩ Tú Trinh: “HTV mang lại nhiều kịch hay, ý nghĩa cho đời”

Sự xuất hiện của NS Tú Trinh trong chương trình “Ngân mãi chuông vàng” đã làm tăng thêm niềm phấn khởi đối với các diễn viên trẻ.


NS Tú Trinh

NS Tú Trinh có hơn 50 năm gắn bó với sân khấu, chị tên thật là Hà Thị Thu Ba (sinh năm 1952). Vốn là học viên nhỏ tuổi nhất tại Khoa Diễn viên Trường quốc gia âm nhạc kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh), chị đã được NSND Năm Châu đặt nghệ danh là Tú Trinh và hướng chị đến với nghệ thuật cải lương. 

Thân phụ của chị là danh cầm đờn cò Chín Trích, ông gắn bó với đoàn cải lương của nữ nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ (tức dì ruột của Kỳ nữ Kim Cương), ông là thầy dạy đờn và học ca theo nhịp của rất nhiều nghệ sĩ tài danh.

“Ba tôi hồi xưa là một danh cầm nhưng ông sống giản dị lắm. Ông gắn bó với đoàn hát của bà Năm Phỉ, tiếng đờn của ông oai oán não nề, khiến cô Năm Phỉ mau cảm xúc và thể hiện thật hay nhiều vai diễn để đời, nên khi nào ba tôi bệnh mà nghỉ làm, thì cô Năm Phỉ cũng cho đoàn trả vé, cáo lỗi khán giả. Ngày cô Năm Phỉ qua đời, ba tôi đã khóc thật nhiều, ông gần như muốn bỏ nghề sau khi đờn lần cuối bên cạnh quan tài của người nghệ sĩ quá cố. Nhưng sau đó bạn bè đồng nghiệp đã khuyên nhủ, nói ông nên tiếp tục đi dạy, truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ sau, nên ông đã quay lại sân khấu” – NS Tú Trinh đã nhắc về cha mình trong niềm xúc động.


NS Tú Trinh học cải lương vào năm 1965. “Lúc đó, tôi chưa đủ tuổi, nên được học dự thính. Mãi đến 3 năm sau, tôi mới được thi lên lớp trung cấp sau khi đậu hạng Nhất với vai diễn của kỳ thi học kỳ năm đó là Dương Quí Phi. Cùng trường học với tôi dù khác khóa có các nghệ sĩ: Huỳnh Thanh Trà, Kiều Phượng Loan, Mỹ Chi, Đỗ Quyên, Thoại Miêu…” – chị nhớ lại.

Gia đình NS Tú Trinh vốn đông anh em nên cuộc sống tuổi thơ của chị cơ cực và buồn vì nghèo khó, nhưng chị yêu quý cái thời tuổi thơ gian nan vì nhờ vậy mà chị có nhiều trải nghiệm.

Nhớ lại quá trình khởi nghiệp, chị kể: “Dịp may đã đến, vì thiếu vai cho một vở cải lương, nghệ sĩ Bích Thuận đã gọi tôi vào thay thế. Đó là vai diễn đầu tiên trên sân khấu truyền hình. Sau này, tôi được đạo diễn Trần Văn Sáu mời tham gia kịch Trong nhà ngoài phố. Phải nói rằng, HTV đã dàn dựng nhiều vở kịch truyền hình hay, ý nghĩa để khán giả tiếp cận với nhiều dòng kịch: tâm lý xã hội, cổ trang, trinh thám, vụ án và nhất là những kịch bản ca ngợi “Tấm lòng cao thượng” – NS Tú Trinh chia sẻ.


NS Tú Trinh và đạo diễn Thanh Hiệp

Năm 1979, NS Tú Trinh lập gia đình với nhạc công thổi kèn Cao Phi Long khi họ cùng cộng tác với đoàn kịch nói Kim Cương. Sau khi đoàn kịch nói Kim Cương không còn hoạt động, NS Tú Trinh về diễn kịch ở Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP. Hồ Chí Minh, Kịch Sài Gòn, Kịch Idecaf, Kịch Phú Nhuận. Có một thời gian chị tham gia đoàn cải lương 284, diễn các vở cải lương được công chúng yêu thích như: Tô Ánh Nguyệt, Pha lê và cát bụi...

“Dù có chuyển sang nhiều lãnh vực nghệ thuật nhưng tôi vẫn là người của sân khấu cải lương. Nên khi HTV mời tham gia chương trình Ngân mãi chuông vàng, hễ có vai tính cách đào độc, lẳng là tôi nhận lời, để cùng với các diễn viên trẻ của cuộc thi CVVC mang đến cho khán giả truyền hình những vở diễn hay” - NS Tú Trinh tâm đắc.
Thanh Hiệp