(HTV) - Nghị quyết 66 vừa được ban hành là bước ngoặt quan trọng nhằm đổi mới toàn diện công tác xây dựng và thi hành pháp luật, hướng tới một nền pháp quyền hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Ngày 30/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm, thay mặt Bộ Chính trị, đã ký ban hành Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đây là một bước đi chiến lược, khẳng định quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Nghị quyết 66: Đột phá chiến lược trong xây dựng và thi hành pháp luật
Nghị quyết 66 không chỉ đặt ra định hướng cải cách toàn diện mà còn đề cập trực diện đến những tồn tại đã kéo dài trong quá trình xây dựng pháp luật thời gian qua. Theo các đại biểu Quốc hội, thể chế và pháp luật vốn giữ vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển quốc gia, tuy nhiên chính lĩnh vực này lại đang là điểm nghẽn lớn nhất cần tháo gỡ. Nghị quyết xác định rõ tinh thần đổi mới, trong đó việc xây dựng luật pháp phải dựa trên các nguyên tắc chung, nhất quán. Những quy định chi tiết, kỹ thuật sẽ không đưa vào luật, mà giao cho Chính phủ và các cơ quan thực thi hướng dẫn cụ thể. Điều này giúp nâng cao tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và giảm tình trạng luật chồng chéo, khó áp dụng.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng Nghị quyết 66 đã đề cập đúng và trúng một tư duy lỗi thời trong làm luật – đó là “không quản được thì cấm”. Theo bà, việc xóa bỏ triệt để tư duy này là cần thiết, bởi nó không còn phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay. Thay vào đó, luật cần xác lập các nguyên tắc chủ trương rõ ràng, còn việc thực thi sẽ do Chính phủ quy định cụ thể, tạo ra tính chủ động và trách nhiệm cho các cơ quan liên quan.

Một điểm nhấn quan trọng khác của Nghị quyết là yêu cầu siết chặt kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và ngăn chặn lợi ích nhóm, trục lợi chính sách. Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh việc để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia cả trước mắt lẫn lâu dài, đồng thời làm suy giảm lòng tin của người dân. Việc đưa các nội dung này vào luật là bước đi đúng đắn nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm trong công tác lập pháp
Đại biểu Chu Hồi - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng, đánh giá cao cách tiếp cận mới trong Nghị quyết 66 khi nhấn mạnh vào mục tiêu và phương pháp thực hiện thay vì tập trung vào hình thức, quy trình. Ông cho biết đây là bước tiếp nối tinh thần cải cách mà trung ương đã khởi động, và chỉ sau vài ngày ban hành Nghị quyết 66, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết 68, cho thấy sự đồng bộ, quyết liệt và kịp thời trong chỉ đạo, điều hành. Điều này tạo ra niềm tin và sự phấn khởi trong nhân dân về công cuộc cải cách thể chế.

Việc ban hành Nghị quyết 66 cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động của Đảng về công tác lập pháp. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch và khả thi, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời kỳ mới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9