(HTV) - TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu chú trọng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt và các phụ phẩm nông nghiệp.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ môi trường. Ở lĩnh vực nông nghiệp, hiện người sản xuất ở TP.HCM và nhiều địa phương trong cả nước cũng bắt đầu quan tâm phát triển theo mô hình này. Đó là tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt và phụ phẩm nông nghiệp. Phương pháp này được đánh giá là phù hợp với định phướng phát triển nông nghiệp đô thị như ở TP.HCM.
Từ những phôi thải ra sau khi sử dụng cho nấm mối đen và nấm linh chi, Hợp tác xã nông lâm nghiệp Yersin Farm sẽ tiếp tục xử lý để trồng nấm bào ngư, nấm tú cầu. Và sau đó, những phôi thải ra lần 2 tiếp tục được xử lý để trồng rau và các loại dược liệu. Phụ phẩm từ trồng nấm giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị. Ông Trần Duy Khánh - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã cho biết thêm, khi tuần hoàn trong mảng nấm và dược liệu giúp đơn vị giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi trồng, tạo ra sản phẩm sạch với giá trị cao. Tiêu chuẩn mà đơn vị đạt được là ISO và HACCP... Mô hình tuần hoàn này sản xuất ở TP.HCM thì rất thuận lợi, vì nguồn nguyên liệu khó vận chuyển tới. Khi tuần hoàn, tận dụng nguồn nguyên liệu tận nơi này, tận dụng nhiều lần để tạo ra sản phẩm có giá trị, song song đó là tái chế lại để mọi người có thể sử dụng nó để làm phân hữu cơ trồng rau, trồng gia vị để tăng giá trị sản phẩm lên.
Phôi thải qua 2 lần xử lý không chỉ dùng để trồng rau và dược liệu mà còn tiếp tục được chuyển cho các thành viên của Hợp tác xã để trồng nấm rơm. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, mà chất lượng nấm rơm cũng tốt hơn so với việc trồng chỉ mỗi bằng rơm. Theo bà Nguyễn Thị Thúy - Thành viên Hợp tác xã nông lâm nghiệp Yersin Farm, tái chế như vậy tốt hơn làm bằng rơm. Ví dụ làm 5 thước, thu hoạch 1 ngày 2 cữ, mỗi thước 1 ký, 5 thước 5 ký. Hái trong vòng 3 ngày nấm rơm sẽ hết. Và từ phôi trồng nấm rơm lại trồng rau hay bón cho cây, nó tốt trái lắm, chứ không bỏ gì hết.
Phôi nấm sau khi sử dụng được dùng để trồng rau và các loại dược liệu
Hàng chục hecta dược liệu của Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ trùn quế. Tại đây, gần 500 con bò được nuôi với nhiệm vụ là thải ra phân, cung cấp thức ăn cho trùn quế. Sau đó người ta dùng phân trùn quế để làm phân bón cho vườn trồng dược liệu để sản xuất trà. Cách làm này giúp sản phẩm tạo ra luôn chất lượng và an toàn. Bà Võ Thị Lấn - Giám đốc công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan cho biết, việc tuần hoàn sẽ giúp đơn vị kiểm soát được nguồn nguyên liệu, từ đó mới tạo ra sản phẩm sạch. Vòng tròn khép kín này được kiểm soát nghiêm ngặt.
Quy trình sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt
Các chuyên gia đánh giá, sản xuất nông lâm thủy sản ở Việt Nam đang tạo ra hàng trăm triệu tấn phế phụ phẩm mỗi năm. Đây là nguồn tài nguyên khổng lồ nếu làm nông nghiệp tuần hoàn, bởi đó là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ NN và PTNT cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 160 triệu tấn phế, phụ phẩm. Đây là một lượng phế phụ phẩm khổng lồ mà chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng, thứ nhất là để giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường, thứ hai là chúng ta có thể tạo ra những giá trị kinh tế mới, tạo ra việc làm mới, tạo ra cảnh quan mới cho người dân vừa có thu nhập và còn được thụ hưởng.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trong kế hoạch phê duyệt về phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND TP.HCM. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9