(HTV) - Việc Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4 tới, đang đặt ra một thách thức đáng kể cho nền kinh tế.
Với mức thuế đối ứng quá cao như này, nếu chính thức được áp dụng chắc chắn không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh mà còn tác động đến tăng trưởng GDP của nước ta. Trước tình hình này, Việt Nam cần những giải pháp ứng phó toàn diện, cả trong ngắn hạn và dài hạn, từ cấp độ doanh nghiệp (vi mô) đến chính sách quốc gia (vĩ mô).

Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt trước một thách thức lớn trước việc Mỹ công bố việc áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam
Thời hạn để các quốc gia đàm phán chỉ còn chưa đầy một tuần, tạo nên áp lực không nhỏ. Các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp cho rằng: Một mặt, Việt Nam cần tích cực đàm phán để tìm kiếm phương án tối ưu nhất trước mắt; mặt khác, phải chủ động chuẩn bị các kịch bản ứng phó lâu dài.
Ông Đỗ Hoàng Trung - Chủ tịch & CEO Tập đoàn IDEA, nhấn mạnh rằng mức thuế 46% là quá cao. Ngay cả khi có giảm xuống, ví dụ còn 25%, thì tác động lên môi trường đầu tư vẫn rất lớn. "Các nhà đầu tư FDI sẽ phải cân nhắc lại thị trường tiềm năng dựa trên mức thuế sau ngày 9/4, có thể dẫn đến sự dịch chuyển đầu tư và gần đây Chính phủ nói đến Phát triển kinh tế tư nhân thì nhân đây cũng cần để thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh sát sườn. Đồng thời, các doanh nghiệp cùng ngành nên xem xét liên minh, liên kết để chia sẻ nguồn lực vượt qua giai đoạn khó khăn này.”
Dưới góc độ nghiên cứu kinh tế, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, chỉ ra các giải pháp cụ thể. Về phía doanh nghiệp (vi mô), cần "tối ưu hóa chi phí sản xuất để giảm giá thành, nâng cao cạnh tranh; mở rộng thị trường, tìm thêm đầu ra để giảm phụ thuộc vào Mỹ; đàm phán với nhà cung cấp để có chi phí đầu vào thấp hơn; và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới không nằm trong danh mục bị áp thuế."
Ở cấp độ vĩ mô, ông Hiệp cho rằng ngắn hạn cần "nguồn ngân sách hỗ trợ tài chính, giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp" và "chính sách đàm phán tích cực để điều chỉnh khung thuế về mức phù hợp."

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để Việt Nam thực hiện những thay đổi mang tính chiến lược. Ông Vũ Tuấn Anh - Chuyên gia Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh và Tái cấu trúc doanh nghiệp, gọi đây là "nguy cơ trong ngắn hạn nhưng là cơ hội về dài hạn." Ông lý giải: "Khi áp thuế cao, doanh nghiệp buộc phải gia tăng năng suất, chất lượng và cắt giảm chi phí – những vấn đề sống còn. Đây chính là động lực mạnh mẽ để thực hiện chuyển đổi quyết liệt hơn."
Ông Tuấn Anh cũng đề cập đến việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thì đây cũng là lực đẩy để doanh nghiệp tối ưu hóa trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Một giải pháp căn cơ hơn, theo ông, là xem xét việc dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, đặc biệt với ngành dệt may, da giày. "Chúng ta muốn thay đổi cuộc chơi phải thay đổi xuất xứ... cần có tầm nhìn tư duy giải quyết triệt để," ông nói, đồng thời nhấn mạnh việc "căn cơ thúc đẩy các ngành phát triển dựa trên trí thức" bên cạnh các ngành truyền thống. Dù 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, ông Tuấn Anh tin rằng dư địa xuất khẩu sang các thị trường khác còn nhiều.

Ông Vũ Tuấn Anh - Chuyên gia Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh và Tái cấu trúc doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, cũng đồng tình rằng đây là "cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng lại chính sách chiến lược phù hợp hơn với năng lực và các ngành mũi nhọn." Ông chỉ ra một điểm yếu hiện tại là Việt Nam còn phụ thuộc vào nước thứ ba về nguồn cung nguyên liệu hoặc xuất khẩu thô dù chúng ta cũng có sẵn nguồn nguyên liệu để sản xuất.
Chiến lược đa dạng hóa thị trường và sản phẩm cũng được ông Đỗ Hoàng Trung - Chủ tịch & CEO tập đoàn Idea nhắc lại như một giải pháp cốt lõi cho tương lai, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Ông kêu gọi tập trung khẩn trương phát triển công nghệ và công nghiệp phụ trợ.

Việt Nam cần tập trung khẩn trương phát triển công nghệ và công nghiệp phụ trợ
Ông Kiều Huỳnh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, cũng nhìn nhận biến động này là "chỉ dẫn để có những động thái mở ra tương lai tốt hơn." Ông nhấn mạnh Việt Nam không thể phụ thuộc vào một thị trường hay một cường quốc nào cả mà chúng ta cần phải chủ động hơn. Thị trường nội địa gần 100 triệu dân cũng là thị trường lớn. Ngoài ra, việc Mỹ áp thuế có thể khiến doanh nghiệp ở các nước khác dịch chuyển nhà máy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất phục vụ thị trường trong nước và khu vực.
Thực tế cho thấy, trong nguy luôn có cơ. Các chuyên gia đều nhất trí rằng Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này để biến khó khăn, thách thức thành hành động và động lực phát triển. Đây là lúc mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp cần bứt phá vươn lên, phát huy nội lực, sáng tạo và bản lĩnh. Một nền kinh tế khỏe mạnh không thể chỉ trông chờ vào các yếu tố bên ngoài mà phải được nuôi dưỡng bằng chính khát vọng phát triển và sức mạnh từ bên trong.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9