(HTV) - Tính đến ngày 06/12, TP.HCM giải ngân hơn 35 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt hơn 51% kế hoạch. Đây là con số thấp xét về phần trăm, nhưng xét về mặt khối lượng thì đây là sự nỗ lực của cả hệ thống.
Năm 2023, TP HCM được giao vốn đầu tư công hơn 68.500 tỷ đồng, gấp đôi năm 2022. Đến hết ngày 06/12, TP.HCM giải ngân hơn 35 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 51%. Tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa X vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, năm 2023 TP.HCM kỳ vọng nhiều vào giải ngân vốn đầu tư công, nhưng phải xoay xở vì phần lớn dự án đầu tư công là dự án chuyển tiếp, hồ sơ có nhiều điểm phải cập nhật, dẫn đến bị động về công tác chuẩn bị.
Nếu xét phần trăm thì đây là con số thấp nhưng xét về mặt khối lượng thì đây là sự nỗ lực của cả hệ thống. Việc giải ngân vốn đầu tư công đang được kỳ vọng như thế nào? Đây là câu chuyện mà Phóng viên HTV trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ trong chương trình Dự báo kinh tế.
Phóng viên: Không chỉ với các ban hạ tầng, giao thông, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM còn ghi nhận sự vào cuộc tích cực của nhiều quận huyện. Điển hình như: các Quận 1, 4, 8, 10, Gò Vấp, Phú Nhuận và hai huyện: Bình Chánh, Củ Chi. Bằng nhiều nỗ lực, quyết tâm, cách làm căn cơ, sáng tạo, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm đã giúp các địa phương này đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ 80 đến 99%. Với kết quả này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có thư khen gửi các địa phương vì đã đạt thành tích tốt trong phong trào thi đua 60 ngày đêm. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, yếu tố nào giúp cho việc giải ngân đầu tư công đạt hiệu quả?
PGS. TS Vũ Tuấn Hưng: “Theo tôi, thứ nhất là sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, từ Thành ủy TP.HCM, UBND TPHCM đến tất cả các cơ quan ban ngành, và cả hệ thống chính trị đều tham gia. Thứ hai, là sự nỗ lực của các quận, huyện có nhiều dự án cần giải ngân vốn đầu tư công. Thứ ba, là sự sáng tạo của các địa phương khi giải quyết các bài toán hóc búa liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công”.
Phóng viên: Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn, Chính phủ đã kích cầu bằng việc tăng tốc giải ngân đầu tư công, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng. Theo ông điều này sẽ mang lại lợi ích gì?
PGS. TS Vũ Tuấn Hưng: “Rõ ràng giải ngân vốn đầu tư công như các quận, huyện đã làm sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế TP.CM và đặc biệt là nguồn vốn sẽ luân chuyển. Và bài toán liên quan thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển 1 cách tổng thể và toàn diện cho sự phát triển kinh tế của Thành phố”.
Phóng viên: Theo ông, thách thức trong việc giải ngân vốn đầu tư công ở TP.HCM là gì?
PGS. TS Vũ Tuấn Hưng: “Theo tôi, nguồn vốn mà TP.HCM đã được cung cấp trong năm 2023 là gấp đôi 2022, và như vậy tỷ lệ ghi nhận đến ngày 06/12/2023 là hơn 50% so với năm 2022. Đây là con số tuyệt đối rồi, nhưng nếu chúng ta xem xét trong năm thì sẽ thấy có những cái khó khăn. Thách thức đặt ra là: Một là nguồn vốn nhiều hơn, Hai là cơ chế chính sách còn cần phải hoàn thiện, và việc hoàn thiện này cần độ trễ. Và tôi nghĩ rằng năm 2023, chúng ta thấy rằng có nhiều yếu tố khách quan, tạo ra nhiều thách thức cho Thành phố. Với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị ở TP.HCM, đặc biệt là Chủ tịch UBND TP đã thành lập các tổ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công rất quyết liệt, đưa ra chương trình với sức ép lớn cho các quận, huyện, đồng thời tạo ra sức ép cho toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng chúng ta đạt được ở mức độ hạn chế. Thách thức nữa là với nguồn vốn lớn và quy mô kinh tế lớn như vậy với những biến động trong thời gian qua, thì đó là yếu tố khách quan tác động đến việc giải ngân vốn đầu tư công ở TP.HCM. Và tôi nghĩ đến năm 2024 và các năm tiếp theo, khi cơ chế, chính sách Nghị quyết 98 vận hành, hoàn thiện rõ ràng hơn thì sẽ thuận lợi hơn trong giải ngân vốn đầu tư công”.
Phóng viên: Càng về cuối năm, áp lực giải ngân của thành phố là vô cùng lớn, nhất là chỉ còn khoảng nửa tháng nữa thôi là hết năm 2023, liệu tiến độ có đạt như kỳ vọng?
PGS. TS Vũ Tuấn Hưng: “Theo tôi, rõ ràng còn hơn 2 tuần, thời gian này còn nhiều khó khăn trước mắt. Để đạt 100% như kỳ vọng thì rất khó đạt được. Nhưng các hướng cho những năm tiếp theo tôi nghĩ là sẽ thuận lợi hơn. Vì tất cả các vấn đề liên quan chính sách, thể chế cần có độ trễ nhất định. Khi đó sẽ tháo gỡ điểm nghẽn, phân cấp phân quyền nhiều hơn thì từ đó sẽ làm nền, bệ phóng thuận lợi cho việc giải ngân vốn đầu tư công những năm tiếp theo. Tôi nghĩ khi các quận huyện đã làm tốt rồi, thì là tín hiệu tốt để các quận huyện khác tham khảo, bài học rút ra để tìm ra giải pháp tốt hơn nữa cho việc giải ngân vốn đầu tư công”.
Phóng viên: Để việc giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả, theo ông, cần phải xử lý những rào cản nào?
PGS. TS Vũ Tuấn Hưng: “Khó khăn đầu tiên là các cơ chế, chính sách cần cụ thể hóa tiếp nữa ở khâu nào đó thấy vướng mắc. Không chỉ giải quyết ở thể chế chung mà còn ở những cái dự án khác. Các quận huyện cần chủ động, sâu sát, dám nghĩ dám làm, quyết liệt thì mới có kết quả tốt. Ngoài ra, cần có sự cộng hưởng từ xã hội, doanh nghiệp, người dân quyết tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế, từ đó giải ngân vốn đầu tư công mới đạt kết quả tốt”.
Phóng viên: Nếu việc đầu tư công đạt kết quả đặt ra sẽ tạo cú hích gì cho sự phát triển kinh tế TP.HCM riêng, cũng như vùng nói chung?
PGS. TS Vũ Tuấn Hưng: “TP.HCM là thành phố lớn, cực tăng trưởng quan trọng của Vùng. Nếu TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công sẽ lan tỏa nguồn lực tài chính mạnh mẽ cho nguồn lực phát triển của TP.HCM và của vùng. Sự truyền lửa này sẽ tạo ra cú hích rất thuận lợi, là điểm tựa rất tốt cho sự phát triển kinh tế”.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9