Những "Đại sứ văn hóa" trẻ tuổi làm cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và các nước

Họ là ca sĩ, nghệ sĩ, học sinh, và nhiều người khác nữa, mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ, tình yêu dân tộc và khát khao về một thế giới hòa bình. Họ dùng chuyên môn, nghề nghiệp của mình để làm cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.


Ca sĩ Đồng Lan

Đồng Lan – cô ca sĩ kết nối văn hoá Việt - Pháp

Xuất thân là một cô giáo, Đồng Lan từng đoạt giải nhất cuộc thi hát tiếp Pháp toàn miền Bắc năm 2008 và được mời qua Pháp lưu diễn. Lần đầu tiên, trên một đất nước xa xôi, khác xa về mùi vị đất, nước và con người, nhạc phẩm tình yêu kinh điển của Edith Piaf, “La Vie En Rose” (Đời em đẹp tựa đoá hồng) trong bộ phim về cuộc đời tác giả, đã hoàn toàn chinh phục trái tim cô gái trẻ.

Cô gọi đó là bài hát định mệnh, khi tình yêu dành cho nhạc Pháp đã tích tụ đủ lớn để lý trí và trái tim cô dẫn dắt cuộc đời rẽ hướng trở thành ca sĩ. Đồng Lan tự nhận mình là “Người hát”, hát để “Tình yêu có thể cứu rỗi thế giới” và âm nhạc là công cụ tuyệt vời để làm điều đó.

Là người có trái tim rộng mở, Đồng Lan đã đi nhiều nơi, tiếp nhận cả hai nền văn hoá Việt, Pháp qua từng món ăn, từng điểm dừng chân, để nó ngấm vào máu thịt và chuyển hoá thành tình yêu nồng nàn với cả hai vùng đất vốn cách biệt về địa lý. 

Thế rồi khoảnh khắc cuộc đời cũng đến. Trong một lần đi biểu diễn ở nước ngoài, Đồng Lan đã trình diễn những bài hát yêu thích, có ứng tấu ngẫu hứng cả những làn điệu hát ru cùng với dàn nhạc jazz mang tên Black Cat. Đến lượt mình, cô đã chinh phục trái tim của những người chỉ biết về Việt Nam qua những thước phim chiến tranh của những ngày xưa cũ. 

Trong không gian đó, những con người có màu da khác nhau, quốc tịch khác nhau cùng chơi nhạc, cùng hoà mình vào giai điệu, để những rung động lắng vào ngóc ngách sâu thẳm của tâm hồn. Đồng Lan chợt nhận ra, âm nhạc không giới hạn về ngôn ngữ, biên giới, màu da và lứa tuổi. Nó có khả năng mang mọi người đến gần nhau và đó chính là cuộc sống mà cô mong muốn. 

Nhận thức mới mẻ đã thôi thúc cô làm nhiều sản phẩm âm nhạc để giới thiệu nét đẹp Việt Nam với bạn bè và cùng lúc trở thành người kết nối hai nền văn hoá Pháp Việt. 

Buổi biểu diễn cũng là sự khởi đầu định hình phong cách âm nhạc pop – jazz của cô ca sĩ trẻ. Cô đã xuất bản nhiều album, trong đó có Trịnh Jazz - “Này em có nhớ”. Cùng với những chuyến lưu diễn, Đồng Lan đã giới thiệu với thế giới về Trịnh Công Sơn, một tâm hồn Việt thâm thuý trong giai điệu jazz đặc trưng cho sự tự do, phóng khoáng, một sản phẩm giao thoa văn hoá vô cùng đặc sắc. 


Tâm sự của Đồng Lan về những tâm huyết cô dành cho album Trịnh jazz

Lê Hoài Thương – cô gái trẻ say mê dòng nhạc dân tộc

Cũng là âm nhạc, nhưng dòng nhạc mà Lê Hoài Thương đam mê là nhạc dân tộc. Khi Hamlet Trương hỏi “Điều gì đã khiến em chọn theo đuổi một nghề ít nhân lực đầu vào và cũng ít thị trường đầu ra?”, câu trả lời đơn giản chỉ vì “em nhận ra trong người em có dòng máu và tình yêu dân tộc”. 

Cô gái giỏi chơi đàn tranh đã làm lưu luyến bao khách du lịch khi đến Việt Nam, đặc biệt là du khách Nhật. Thậm chí họ còn mời cô đến biểu diễn tại những buổi hội nghị để quảng bá nghệ thuật đàn tranh Việt Nam đặc sắc. 

Có khả năng làm say lòng người đến thế, ấy vậy mà đa phần người dân bản xứ của đàn tranh chỉ gửi cho nó những cái nhìn thờ ơ, không biểu hiện của sự quan tâm, trân trọng. 

Trước hiện thực mâu thuẫn, Hoài Thương luôn nỗ lực thay đổi điều đó từng ngày từng giờ. Trong những không gian chụp hình của giới trẻ, hãy dành một góc để trưng bày nhạc cụ dân tộc. Ở đó, cô sẽ hoà âm lại những bản nhạc nổi tiếng bằng tiếng đàn tranh trong trẻo, thanh tao, khiến nó trở nên gần gũi hơn với tâm hồn người Việt.


Lê Hoài Thương trình diễn đàn tranh trong chương trình khoảnh khắc cuộc đời

Một ngày không xa, Hoài Thương mong rằng khán giả trung thành của nghệ thuật đàn tranh sẽ có mặt đông đảo các bạn trẻ của quê hương Việt Nam, bên cạnh bạn bè quốc tế và giới nghệ thuật chuyên môn. 

Tôn Nữ Ngọc Trinh – du học sinh Việt Nam với Dự Án Ngày xưa

Không chỉ có âm nhạc kết nối con người, những trò chơi tập thể, trò chơi dân gian cũng có khả năng làm điều đó. 

Thế hệ 7x, 8x trở về trước có lẽ vẫn không quên những buổi chiều hè ngồi xổm chơi banh đũa với đám nhóc hàng xóm trước sân, hay những giờ ra chơi thời tiểu học cùng nhau bịt mắt bắt dê, nhảy dây ba góc đến ướt đẫm mồ hôi lưng áo. Vậy mà lũ trẻ không biết mệt, vẫn túm tụm với nhau chơi không biết chán. 

Thế hệ đó giờ đã trở thành những bậc phụ huynh dạy lại cho con mình những trò chơi dân gian, những người thầy đáng kính truyền lại cho cô học trò Tôn Nữ Ngọc Trinh cảm hứng bất tận về những trò chơi tập thể đầy sáng tạo thời niên thiếu. Họ đã cho cô học sinh lớp 10 tiền đề để thực hiện “Dự án Ngày xưa” với mục tiêu “Kết nối các bạn trẻ và giảm bớt thời gian sử dụng công nghệ”.


Tôn Nữ Ngọc Trinh

Dự án của Trinh hoạt động bằng cách tổ chức các sự kiện, trong và ngoài nước. Ở đó có các trò chơi dân gian của cả Việt Nam và nước ngoài, tạo sân chơi rộng rãi và không gian giao lưu văn hóa cho trẻ em, thiếu niên, học sinh, sinh viên và cả những người đã đi làm.


Một số trò chơi dân gian Việt Nam

Trinh cho biết, trò chơi dân gian Việt Nam rất có sức thu hút với bạn trẻ nước ngoài. Họ thật sự ngạc nhiên và thán phục khi thấy chỉ với bó đũa và trái banh tennis có thể tạo ra  trò banh đũa thú vị, trò chơi đòi hỏi kỹ năng khéo léo và quan sát nhanh nhạy của người tham gia. 

Thay cho nhóm thực hiện Dự án Ngày xưa, Ngọc Trinh gửi gắm thông điệp đến bạn trẻ “Mỗi người đều có thể trở thành Đại sứ văn hóa của Việt Nam, vì vậy hãy giảm thời gian công nghệ để khám phá những nét đặc sắc của văn hoá dân tộc, bằng cách thông qua những “Dự án ngày xưa” của chính mình ”.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi