Nông sản Việt Nam nhìn từ việc tăng giá cà phê

THANH VÂN - KIM LOAN - TRÚC QUỲNH - MẠNH HÙNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 29/5/2024, 09:53

(HTV) - Thời gian qua, giá cà phê liên tục tăng, tăng gấp 3 lần, vượt 120.000 đồng/kg - mức cao kỷ lục trong lịch sử. Nghịch lý là giá cao lại khiến ngành cà phê Việt Nam đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

Trước mùa vụ, các doanh nghiệp dự báo giá cà phê cao nhất sẽ ở mức 50.000 đồng/kg. Nhưng đến nay giá đã sắp chạm 130.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do thời tiết ở những vùng trồng cà phê đang diễn ra khô hạn không chỉ riêng ở Việt Nam, yếu tố địa chính trị và cả đầu cơ. Vì thế, cà phê đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong Quý I/2024.

Giá cà phê trong nước tăng vượt qua dự báo của nhiều doanh nghiệp đã gây ra nhiều rủi ro và căng thẳng trong ngành cà phê, khiến nhiều doanh nghiệp “đứng ngồi không yên” khi đơn hàng đã ký nhưng nguồn cung bị ảnh hưởng.

Giá cà phê tăng cao: Nỗi ám ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần có kế hoạch chủ động liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn hàng ổn định và có kế hoạch đơn hàng cụ thể để giảm bớt rủi ro.

Giá cà phê tăng cao đã gây sức ép không nhỏ đến doanh nghiệp

Về phía Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt nam - VICOFA cho rằng: với tình hình hiện nay, các bộ, ngành cần sớm có giải pháp về tài chính giúp doanh nghiệp thu mua sớm, giữ ổn định giá.

Trong Quý II và Quý III năm nay, Việt Nam cần xuất khẩu 800.000 tấn nhưng hiện nay chỉ còn tồn kho khoảng 400.000 tấn nên sự thâm hụt này sẽ tiếp tục đè nặng lên xuất khẩu Việt Nam. 

Nhiều doanh nghiệp cũng e ngại rằng: tháng 7 tới đây, nguồn cung cà phê có khả năng sẽ hết sạch do Tây Nguyên hiện nay đang nắng, nóng, khô hạn, thiếu nước tưới.

Nếu kéo dài, sản lượng niên vụ tới sẽ bị sụt giảm, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín của ngành cà phê Việt Nam. Điều này cho thấy, doanh nghiệp cần có sự tiên liệu cẩn trọng trong kinh doanh cũng như chính phủ nên tính toán lại mục tiêu và giá trị thặng dư từ xuất khẩu cà phê. Hiện niên vụ 2023 - 2024, mục tiêu xuất khẩu đặt ra là 5 tỷ USD.

Ngành cà phê Việt Nam: Giảm sản lượng, tăng giá, nhiều thách thức cho doanh nghiệp

Theo các doanh nghiệp và đại diện bộ, ngành, địa phương, nguồn cung cà phê tiếp tục gặp thách thức trong niên vụ tới vì diện tích được dự báo giảm từ 700.000 ha xuống còn 600.000 ha. Trong khi đó, tình trạng khô hạn do nắng nóng và thiếu nước tưới vẫn tiếp tục diễn ra.

Diện tích trồng cà phê được dự báo giảm từ 700.000 ha xuống còn 600.000 ha

Điều đáng nói, không chỉ riêng cà phê, mà rất nhiều loại nông sản khác như ca cao, sầu riêng, gạo ... cũng rơi vào tình trạng tương tự. Từ đó, cho thấy, công tác dự đoán, dự báo cần được nâng cao hơn nữa; đồng thời các bên liên quan chuỗi giá trị cần chia sẻ rủi ro, tăng cường hợp tác lẫn nhau để phát triển bền vững.

Giải pháp nào cho bài toán xuất khẩu nông sản trong bối cảnh mới?

Các chuyên gia lưu ý: không chỉ biến động giá, ngành nông sản Việt Nam vẫn còn đối mặt với những khó khăn cũ nhưng sẽ là thách thức lớn khi chúng ta không chỉ cần có số lượng hàng hóa lớn mà quan trọng là chất lượng nguyên liệu, nguyên liệu hợp pháp và giá thành hợp lý.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: