(HTV) - Vàng thế giới giảm gần 3% do nhà đầu tư bán tháo để bù lỗ từ các tài sản khác, trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế vì căng thẳng thương mại leo thang. Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, trong khi giá xăng trong nước đã tăng ba lần liên tiếp.
Giá vàng trong nước
Kết thúc ngày 4/4, giá vàng miếng trong nước quay đầu giảm mạnh. Hiện tại, vàng các thương hiệu đang mua vào 98,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 101,3 triệu đồng/lượng. Vàng Phú Quý SJC đang mua vào thấp hơn 200.000 đồng so với các thương hiệu khác.
Tương tự, giá vàng nhẫn các thương hiệu cũng được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, giá vàng nhẫn SJC 9999 được điều chỉnh giảm 700.000 đồng giá mua và 800.000 đồng giá bán, xuống lần lượt 98,7 triệu đồng/lượng và 101,4 triệu đồng/lượng.

GIá vàng trong nước giảm mạnh.
DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh điều chỉnh giảm 200.000 đồng chiều mua và 900.000 đồng chiều bán, xuống lần lượt 98,5 triệu đồng/lượng và 101,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 98,7 triệu đồng/lượng và 101,3 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng chiều mua và 900.000 đồng chiều bán.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 99 triệu đồng/lượng mua vào và 101,6 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng giá mua và 700.000 đồng giá bán.
Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn ở mức 98,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 101,6 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 200.000 đồng và 700.000 đồng.

GIá vàng thế giới
Giá vàng thế giới “lao dốc”, với giá vàng giao ngay giảm 76,9 USD, xuống 3.038,8 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 3.035,4 USD/ounce, giảm 86,3 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng giảm hơn 3% vào thứ Sáu, xóa bỏ mức tăng từ đầu tuần, khi các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo vàng thỏi để bù đắp các khoản lỗ từ các loại tài sản khác, khi cuộc chiến thương mại leo thang làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo chuyên gia phân tích Suki Cooper của Standard Chartered, vàng đang hoạt động theo đúng xu hướng lịch sử. Ông nói thêm rằng, không có gì bất thường khi vàng bị bán tháo sau một sự kiện rủi ro khi xét đến vai trò của nó trong danh mục đầu tư.
Cổ phiếu toàn cầu giảm ngày thứ hai liên tiếp, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm khoảng 5% mỗi chỉ số, sau khi Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết họ sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa của Mỹ kể từ ngày 10-4. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và tăng thuế đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Ngoài ra, sự phục hồi của đồng USD trong ngày cũng gây áp lực lên vàng. Chỉ số US Dollar Index tăng khiến vàng thỏi định giá bằng đồng bạc xanh đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Mặc dù giảm mạnh, nhưng mức tăng của vàng trong năm nay vẫn ở khoảng 15,3%, nhờ hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương và sức hấp dẫn chung của vàng như một công cụ phòng ngừa rủi ro trước những bất ổn kinh tế và địa chính trị.
Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 4-4), giá dầu giảm thêm khoảng 7%, chịu tác động mạnh bởi tin tức Trung Quốc tăng thuế đối với hàng hóa của Mỹ làm leo thang cuộc chiến thương mại, khiến các nhà đầu tư dự đoán khả năng suy thoái sẽ cao hơn.

Mỹ áp thuế quan cao, Trung Quốc trả đũa, OPEC+ tăng sản lượng là những yếu tố đẩy giá dầu trượt dài.
Giá dầu Brent giảm 4,56 USD, tương đương 6,5%, xuống mức 65,58 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 4,96 USD, tương đương 7,4%, xuống mức 61,99 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm giá dầu Brent giảm xuống còn 64,03 USD/thùng và giá dầu WTI “lao dốc” xuống mức 60,45 USD/thùng - mức thấp nhất trong 4 năm.
Tính cả tuần, giá dầu Brent “mất mát” tới 10,9%, mức giảm hằng tuần lớn nhất tính theo phần trăm trong một năm rưỡi, trong khi giá dầu WTI ghi nhận mức giảm 10,6% - mức “trượt dốc” sâu nhất trong 2 năm.
Theo Reuters, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa của Mỹ kể từ ngày 10-4. Nhiều nước trên thế giới cũng đã chuẩn bị trả đũa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ.
Sau tuyên bố của ông Trump, giá các mặt hàng như khí đốt tự nhiên, đậu nành và vàng cũng giảm mạnh; thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc.
Ngân hàng đầu tư JPMorgan cho biết, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm là 60%, tăng 20% so với dự đoán trước đó.
Chuyên gia năng lượng Scott Shelton của United ICAP nhận xét, giá dầu thô có lẽ gần với giá trị hợp lý cho đến khi có được dấu hiệu cho thấy nhu cầu thực sự đã giảm bao nhiêu. Theo chuyên gia này, giá dầu WTI có thể sẽ dao động ở mức từ 50 đến 55 USD/thùng trong thời gian tới, đồng thời cảnh báo nhu cầu sẽ giảm.
Trong bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã chỉ ra những quyết định khó khăn sắp tới của Ngân hàng Trung ương Mỹ, mức thuế quan mới của ông Trump cao hơn dự kiến và hậu quả kinh tế gồm lạm phát cao hơn, tăng trưởng chậm hơn.

Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 10,9%, dầu WTI giảm 10,6%
Cũng đẩy giá dầu trượt dài là quyết định bổ sung cho thị trường thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 5 của OPEC+, thay vì kế hoạch 135.000 thùng/ngày và phán quyết của tòa án Nga rằng các cơ sở xuất khẩu dầu trên Biển Đen của Caspian Pipeline Consortium (CPC) không nên bị đình chỉ. Việc đình chỉ này có thể làm giảm sản lượng và nguồn cung dầu của Kazakhstan.
Do ảnh hưởng của thuế quan và quyết định của OPEC+, HSBC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 từ 1 triệu thùng/ngày xuống 0,9 triệu thùng/ngày.
GIá xăng dầu trong nước
Xăng E5 RON 92 không quá 20.373 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 20.919 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 18.478 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 18.735 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 17.026 đồng/kg.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9