NSND Bạch Tuyết đồng hành cùng giới trẻ, giữ vững niềm tin vào nghệ thuật cải lương

Nhân kỷ niệm bộ môn nghệ thuật Cải lương Việt Nam tròn 100 năm, NSND Bạch Tuyết đã đưa chương trình chuyên đề sân khấu 100 năm cải lương Việt Nam vào học đường TP. Hồ Chí Minh, được đông đảo học sinh hưởng ứng.


NSND Bạch Tuyết trong chương trình "Đưa cải lương vào học đường"

Tái hiện những vở diễn nổi tiếng  

Ở trường PTTH Nguyễn Du quận 10, NSND Bạch Tuyết cùng các thầy cô và học sinh hát bài Dạ cổ hoài lang, đồng thời cùng các thầy cô ca lại lớp Phụng Hoàng trong vở Nửa đời hương phấn. Đến trường THCS Nguyễn Hiền, quận 7, bà đã hát bài ca cổ Quê hương (thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Giáp Văn Thạch, lời vọng cổ do bà sáng tác), mang lại nhiều cảm xúc cho các học sinh.

NSND Bạch Tuyết khẳng định, cải lương là bộ môn nghệ thuật, hẳn là không nằm ngoài các giá trị mà nó cống hiến cho cộng đồng. “Đi qua 100 năm, cải lương luôn đồng hành cùng sức sống dân tộc, là “vũ khí” cùng góp tiếng nói phản kháng các cuộc áp bức, đô hộ; là tiếng lòng khao khát hòa bình, độc lập, thể hiện tình yêu non nước của nhân dân Việt Nam; đồng thời kêu gọi đoàn kết, giữ gìn, bảo vệ, phát huy nét đẹp ngàn đời của văn hóa dân tộc. Tất cả, đã tạo nên giá trị nền tảng của bộ môn nghệ thuật cải lương mà những nghệ sĩ tiền bối đi trước như: Nhạc sĩ Nguyễn Quang Đại, Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền, nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Năm Nghĩa, Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam, Ba Vân, Tám Vân, Thành Tôn, Kiên Giang, Hà Triều, Hoa Phượng, Viễn Châu, Chi Lăng… và rất nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, soạn giả, danh cầm tài hoa đã mài giũa viên ngọc quý mang tên cải lương” - NSND Bạch Tuyết cho biết.


NSND Bạch Tuyết cùng đạo diễn Thanh Hiệp (trái) và NSND Hồng Vân tại phim trường HTV

Vốn gắn bó với HTV qua nhiều năm tham gia Ban giám khảo cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, bà đã phân tích, đánh giá chính xác những ưu, khuyết điểm của các giọng ca, từ đó định hướng sự chuẩn mực khi thể hiện bài vọng cổ cho giới trẻ.

“Tôi đi theo kim chỉ nam của thầy - NSND Năm Châu, từ cách dạy, cách suy ngẫm cho vai diễn đến cách tiếp cận khán giả. Thầy căn dặn, tất cả mọi thứ đều xuất phát từ trái tim người nghệ sĩ biết đau nỗi đau của nhân thế. Cải lương vì vậy mà sản sinh ra nhiều người không xem nghề hát là chốn để mưu cầu danh lợi, mà biết cùng hướng đến mục đích, xây dựng lòng tin” - bà tâm sự. 

Hãy hành động thay vì quay mặt xót xa

Trước tình hình sân khấu gặp nhiều khó khăn, bà nói: “Với tôi, người nghệ sĩ phải làm được gì cho nghề, cho công chúng, thay vì ngồi quay mặt mà xót xa, nuối tiếc hay dửng dưng trước những hạn chế của bộ môn này”. 

Đối với NSND Bạch Tuyết, nói đến dấu ấn của cải lương thời vàng son, thì chính mỗi đoàn, mỗi bầu gánh đều muốn gầy dựng những nét đặc trưng cho thương hiệu của mình, do vậy, đã làm nên sự đa dạng, phong phú cho đời sống sân khấu cải lương. 

Bà nhấn mạnh: “Cải lương hiện nay vẫn tiếp tục sinh tồn như chính bản chất của loại hình, vừa có tính chọn lọc để dung nạp cái mới, vừa thích nghi với hoàn cảnh. Bản thân cải lương cũng chiếm ngự một vị thế đĩnh đạc trên các kênh giải trí, các nền tảng thiết bị công nghệ. HTV cũng đã làm tốt việc dàn dựng, phát sóng nhiều chương trình cải lương và đờn ca tài tử hay”.

Theo NSND Bạch Tuyết, nỗi trăn trở lớn nhất, duy nhất của các nghệ sĩ là tác phẩm. Bà chú tâm đi tìm nguồn cảm hứng từ những kịch bản sân khấu, nếu ít ỏi, khan hiếm thì đi tìm trong kịch bản văn học, trong tác phẩm văn học, cổ điển lẫn đương đại. 


Tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 tổ chức tại Long An, NSND Bạch Tuyết được mời tham gia Hội đồng giám khảo chuyên môn. Trong cương vị này, bà đã có lời nhận xét thẳng thắn về những vai diễn, vở diễn. Mới đây nhất, trong chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn, NSND Bạch Tuyết đã một lần nữa nói lên những tâm tư, trăn trở của người làm cải lương, để từ đó, giúp những nhà hoạch định chính sách một chiến lược cần và đủ để bộ môn nghệ thuật tiếp tục được chắp cánh.
Thanh Hiệp