NSND Đinh Bằng Phi với dự án xây dựng Thư viện Hát Bội tại tư gia

HTV đã thực hiện chương trình “Nghệ sĩ và sàn diễn” – trò chuyện với các nghệ sĩ hát bội, trong đó NSND Đinh Bằng Phi – một viên ngọc quý của nghệ thuật hát bội phương Nam.


NSND Đinh Bằng Phi và các học trò trong chương trình “Nghệ sĩ và sàn diễn”

Nói về dự án xây dựng Thư viện hát bội và không gian “Đinh Bằng Phi” tại tư gia của ông, NSND Đinh Bằng Phi tâm sự: “Trước hết đó là ý định của tôi từ nhiều năm, khi còn làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh. Thư viện này lưu trữ những sách vở, kịch bản, hình ảnh, tư liệu về nghệ thuật hát bội mà tôi đã gìn giữ hơn 60 năm qua. Thư viện sẽ là nơi con trai cả của tôi tiếp tục nối bước, giữ gìn những tư liệu quý này, để thế hệ trẻ có thể tìm đến trao đổi kiến thức về văn hóa, nghệ thuật dân tộc, trong đó có nghệ thuật hát bội. Tôi rất vui mừng khi HTV thực hiện cuộc trò chuyện với các nghệ sĩ hát bội, để tôi có cơ hội bộc bạch những suy nghĩ của mình về dự án mà tôi ôm ấp nhiều năm qua”.

Các nghệ nhân điêu khắc Công ty tượng sáp Việt sẽ đúc tặng ông thêm bức tượng để đặt trong không gian này, ngoài một bức tượng đang được trưng bày tại Khu du lịch Suối Tiên. “Tôi xúc động lắm, nhìn thấy bức tượng của mình với nhân vật Triệu Khuôn Dẫn. Rất giống tôi, từ nép nhăn trên da, trên trán và cả ánh mắt khi đang diễn xuất” - NSND Đinh Bằng Phi xúc động nói.

Đối với NSND Đinh Bằng Phi, việc có đến 2 bức tượng sáp là niềm vinh dự lớn. Vì ông không dám nghĩ mình sẽ được đúc tượng sáp, cả đời ông mải mê với niềm tin yêu được sống với nghề hát bội, vượt qua biết bao định kiến để có thể trọn vẹn với niềm đam mê.


NSND Đinh Bằng Phi hóa trang nhân vật Triệu Khuôn Dẫn

Ông cho biết: “Tôi đã dọn về sống chung với con trai ở quận Tân Bình. Bây giờ không còn dám đi xe gắn máy nữa, mà phải đi xe taxi hoặc có học trò đưa đón. Tuổi già đến nhanh, tôi còn nhiều dự án chưa làm được, nay thì quỹ thời gian không cho phép để tôi có thể làm cho xong những hoài bão đó, chỉ mong sớm thực hiện được Thư viện hát bội tại tư gia và mong rằng, Thư viện đó sẽ giúp ích cho những ai yêu thích bộ môn này”.

Vừa qua, HTV đã thực hiện chương trình giới thiệu về Bảo tàng sáp Việt, trong tiết mục dàn đồng ca của CLB sân khấu Lạc Long Quân có nhắc đến NSND Đinh Bằng Phi, ông bày tỏ niềm hạnh phúc và nói: “Tôi xúc động vô cùng khi CLB sân khấu Lạc Long Quân đã thể hiện bài đồng ca, trong đó có ghi nhận những đóng góp của tôi với hát bội: 

“Đinh Bằng Phi trải lòng cùng hát bội/ Góp nhặt tinh thông từ tuổi thanh xuân
Rời bục giảng ông chọn đời kép hát/ Chịu biết bao điều tiếng thị phi
Thế rồi dâu bể muôn trùng/ Đã không phụ lòng người con hiếu đạo
Để ngày nay ông là kho tàng quý/ Truyền lại mai sau kiến thức tổ tiên
Yêu hát bội một đời nghiên cứu/ Tô điểm non sông tấc dạ hiền nhân
Cùng nhau hát khúc tôn vinh/ Một đời nghệ sĩ thấm nhuần nghĩa nhân
Không chùn bước dù hiểm nguy khó nhọc/ Vẫn kiên trinh neo bước tiền nhân
Ai ơi nhớ lấy chữ Tâm/ Yêu nghề dẫu cực vẫn nguyền trọn ghi
Câu tích đức sáng ngời ngọc quý/ Vẹn một lòng tôn kính điều hay

Khuyến học cổ ca khắc dạ tâm đầu/ Ông là điểm tựa cho ngành hát bội”.

Ông cảm ơn những diễn viên trẻ của CLB Sân khấu Lạc Long Quân đã nhắc đến ông và thể hiện những suy nghĩ qua bài đồng ca này. Đó chính là niềm vui lớn trong đời một nghệ sĩ đã gắn bó với hát bội và sống chết cùng bộ môn nghệ thuật mà ông cha đã truyền lại.

NSƯT Nguyễn Hoàn cho biết: “Trong tháng 3/2019, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng 15 suất diễn tại các lễ cúng Kỳ Yên, hát chầu trong địa bàn thành phố. Điều đáng mừng là hầu hết các suất đều được yêu cầu biểu diễn những vở hát bội ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, và đó cũng là yếu tố thúc đẩy việc nhà hát dàn dựng nhiều kịch bản lịch sử. Trong đợt diễn này, Nhà hát sẽ diễn các vở: “Hoàng thúc Lý Long Tường”, “Dũng khí Đăng Đại Độ”, “Oan án trung thần”, “Trần Hưng Đạo”, “Nét bút đường gươm”, “Vụ án Lệ Chi Viên”, “Nước mắt quyền thần”, “Tử hình không án trạng”…”. 


NSND Đinh Bằng Phi và các bức tranh vẽ nhân vật hát bội mà ông sẽ trưng bày trong thư viện, không gian hát bội 

Để có được kết quả này, NSND Đinh Bằng Phi và các học trò của ông như: NSƯT Kim Thanh, Ngọc Dung, Ngọc Khanh, Nguyễn Hoàn, Hữu Nhi, Ngọc Nga, Hữu Danh… đã là điểm tựa vững vàng cho dàn diễn viên trẻ. Các đoàn hát bội xã hội hóa cũng nhận được sự vận động tích cực để bảo tồn nét đẹp tinh hoa của bộ môn hát bội, đánh thức lòng tự trọng của người nghệ sĩ, góp phần gìn giữ sân đình trong mùa hát chầu thông qua các vở diễn. 


NSND Đinh Bằng Phi và nhà báo, đạo diễn Thanh Hiệp 

NSND Đinh Bằng Phi nhấn mạnh: “Hát bội là loại hình văn hóa đặc sắc trong nghệ thuật trình diễn cổ truyền của Việt Nam. Để hát bội dần bị mai một, cần nhân rộng việc sáng tác, đạo diễn vở sử Việt để duy trì hoạt động, đưa đến khán giả trẻ và khách du lịch. Việc Sở VHTT TP.HCM đưa hát bội ra diễn tại phố đi bộ Bùi Viện – quận 1, nơi có đông du khách nước ngoài vào tối 16 hàng tháng là điều mà nghệ sĩ phấn khởi. Cũng như đưa hát bội mỗi tháng diễn một vở sử tại sân khấu Sen Hồng, phục vụ miễn phí du khách và khán giả đã là một nét sinh hoạt đẹp cần duy trì”.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp