NSND Thanh Tuấn là một trong những cái tên đình đám của làng nghệ thuật cải lương. Để có ánh hào quang rực rỡ như ngày hôm nay, NSND Thanh Tuấn đã trải qua không ít thăng trầm và thử thách.
Niềm đam mê ca hát của NSND Thanh Tuấn được nuôi dưỡng, lớn lên từng ngày từ những ngày thơ ấu. Những giai điệu được phát từ chiếc radio cũ như bài học vỡ lòng về cải lương đã giúp Thanh Tuấn đến gần hơn với dòng nhạc này qua những vở diễn của những thế hệ nghệ sĩ đi trước như: Út Trà Ôn, Thành Được, Út Bạch Lan… NSND Thanh Tuấn chia sẻ: "Mỗi khi phát những kịch bản, vở tuồng trên đài, tôi cứ nghe và học trên đó luôn. Học cách đó rồi mới đến lớp, trường".

Con đường đến với đam mê của NSND Thanh Tuấn được nuôi lớn cho đến khi gặp những người thầy đầu tiên: Thầy Út Trọn dạy hát, thầy Bảy Trạch dạy diễn. Với năng khiếu thẩm thấu giai điệu âm nhạc tốt, lại thêm sự kiên trì học hỏi, Thanh Tuấn bắt đầu có những vai diễn đầu tiên. NSND Thanh Tuấn tâm tình: "Cải lương là của người miền Nam. Tôi là người miền Trung, cái thổ âm miền Trung nó cứng lắm. Nhưng khi bước vào TP.Hồ Chí Minh, tôi thay đổi theo thổ âm của những bài ca mà các cô chú ca. Tôi tập đổi hằng ngày để rồi theo thời gian, tôi hoàn toàn nói tiếng Nam".

Từ những khổ luyện ấy mà NSND Thanh Tuấn bắt đầu có cho mình vai kép chánh đầu tiên trong vở Tướng cướp Bạch Hải Đường trên sân khấu Bạch Liên Hoa. Để rồi từ đó, ông liên tục nhận được vai kép chính và cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của NSND Thanh Tuấn là khi về đoàn Kim Chung hát cùng nghệ sĩ Minh Phụng, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Vương... Từ đó, tên ông được khán thính giả biết đến và yêu thích.

Đến năm 1973, ông cùng nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đóng cặp trong vở Đường gươm Nguyên Bá - vở diễn đã tạo nên cơn sốt khắp mọi nơi, đưa Thanh Tuấn trở thành một hiện tượng. Cột mốc năm đó cũng đã đưa tên tuổi của ông lên hàng danh ca và đây cũng là thời kỳ hoàng kim của NSND Thanh Tuấn khi hàng loạt các nhà sản xuất tìm đến ông, có thời điểm số bài thu âm lên đến ngưỡng 500 - 600 bài.

Sở hữu chất giọng dày, vang đặc trưng cùng cách rung, ngân, nhấn chữ độc đáo, khi lên cao hay xuống trầm đều rõ nét nên giọng ca của Thanh Tuấn rất đặc biệt và khó có thể lẫn đi đâu được khi nghe. Cũng chính sự đặc biệt biệt ấy đã tạo nên một "trường phái Thanh Tuấn" làm say đắm, thổn thức biết bao tâm hồn của những người yêu nghệ thuật cải lương.

Hiện nay, NSND Thanh Tuấn vẫn ngày ngày đứng lớp để đào tạo những giọng ca vọng cổ tiềm năng, truyền nghề theo đúng phương pháp ca vọng cổ mà ông đã nghiên cứu, đúc kết được từ nhiều thập niên theo nghề. Chặng đường 60 năm hoạt động dù gom đủ thăng trầm, buồn tủi nhưng chính nhờ những giai điệu và vai diễn khác nhau trong các vở tuồng đã giúp NSND Thanh Tuấn trưởng thành từng ngày và có một chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả như hôm nay. Một người nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật bằng tất cả tâm can dù ở bất kì độ tuổi nào vẫn luôn cống hiến hết mình.
Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật trên kênh HTV7.