NSƯT Hữu Châu đã gắn bó với sân khấu truyền hình HTV từ nhiều năm, từ chương trình kịch “Trong nhà ngoài phố”, đến “Siêu thị cười”, “Chuyện bốn mùa”…, chương trình nào, anh cũng tạo được dấu ấn đối với khán giả.
Ngoài vai trò diễn viên, đạo diễn, NSƯT Hữu Châu còn giảng dạy môn tiếng nói sân khấu tại Sân khấu kịch Minh Nhí
Với mong muốn truyền đạt kinh nghiệm đến học trò làm nghề diễn viên, anh đã tận tâm gầy dựng một thế hệ diễn viên trẻ yêu nghề, hăng hái lao động nghệ thuật. Hầu như khóa nào anh dạy, cũng có vài học sinh giỏi, trở thành những gương mặt trẻ của sân khấu và truyền hình, được khán giả yêu thích như: Đinh Mạnh Phúc, Xuân Nghị, Tuấn Dũng, Huỳnh Quý, Lê Lộc, Lê Mạnh Phương, Duy Dương…
Vở hài kịch anh dàn dựng trên sân khấu IDECAF mang tên Tình yêu chạy trốn (tác giả Mỹ Dung) cách đây không lâu đã thu hút đông đảo khán giả. Đối với giới chuyên môn, NSƯT Hữu Châu đã chứng tỏ khả năng dàn dựng những kịch bản mang tính văn học sâu sắc, đồng thời mang lại tiếng cười dễ thương, nhân hậu cho khán giả.
Tính đến thời điểm này, NSƯT Hữu Châu đã dàn dựng nhiều vở diễn. Mỗi kịch bản đến với anh đều là sự bất ngờ, thú vị. Trước hết vì sự đồng cảm sâu sắc với tác giả, kế đến là tâm nguyện hướng đến một công việc anh yêu thích từ những năm còn trẻ.
NSƯT Hữu Châu chia sẻ: “Tôi học diễn viên nhưng lúc nào cũng đặt mình vào tư duy của đạo diễn để có thể giải đáp những câu hỏi cho vai diễn của mình. Bất kể một kịch bản nào, sự liên hệ của các nhân vật giống như vệ tinh, mà nếu bản thân mình xa lạ với nó tức là làm hỏng vai diễn và làm hư cả tuyến kịch. Tôi làm công tác đạo diễn là cũng làm quen với công tác biên kịch, sửa chữa kịch bản, đồng thời học từ các diễn viên trẻ sự thanh xuân trong diễn xuất. Ngay cả với việc chọn nhạc, làm việc với cảnh trí cũng phải rất khoa học. Khi mình phê bình một số đạo diễn, diễn viên làm việc không nghiêm túc, thì tôi cũng phải nghiêm túc, khắt khe với chính mình”.
Nếu hai vở: Quan huyện về làng (tác giả Nguyễn Quốc) và Vùng đất cấm (tác giả Mỹ Dung) nghiêng hẳn về hài kịch dân gian, đặc tả những con người dưới thời phong kiến còn nhiều hủ tục, thì câu chuyện Tình yêu chạy trốn mà anh dựng đã kể về hai mối tình: ông Chiêu (Đại Nghĩa) yêu bà Hạnh (Phi Phụng) và anh Nhiên (Quang Tuấn) yêu Hạ Vy (Mỹ Duyên) trong cuộc sống đương đại.
Hai thế hệ yêu nhau có xuất phát điểm khác nhau nhưng họ có chung hoàn cảnh, đó là cứ như đuổi nhau chỉ vì họ không có cơ hội giãi bày về thân phận. Cả hai người phụ nữ đều mặc cảm họ nghèo nên chọn thời gian để đo tình cảm của chính mình. Nhưng ông Chiêu và Nhiên đã không bỏ cuộc, cả hai cứ đi tìm dù có lúc tuyệt vọng nhưng trái tim vẫn nóng hổi cảm xúc. Cái hay của kịch bản là khán giả dẫu biết tỏng tòng tong câu chuyện kịch nhưng vẫn nôn nao chờ đợi, pha lẫn bực tức chỉ vì các nhân vật cứ mãi lạc nhau.
Ưu điểm của NSƯT Hữu Châu trong việc dàn dựng các vở kịch là chọn cách xử lý không gian đa chiều, không rườm rà mà vẫn giữ được tiết tấu sinh động. Những xung đột kịch vì vậy tạo được sự hấp dẫn. Anh nói, mình học được từ các đạo diễn đi trước, nhất là của thầy Lê Văn Tĩnh và Đoàn Bá. Từ những bài học quý này, anh đã dàn dựng và truyền đạt cho diễn viên trẻ. Các học trò của anh nhờ vậy mà thừa hưởng nhiều kinh nghiệm quý, kể cả với việc đứng trước ống kính truyền hình.
NSƯT Hữu Châu tài tình trong diễn xuất, lôi cuốn trong dàn dựng
Anh chia sẻ: “Nối nghiệp theo gia tộc nhiều năm, tôi cảm nhận rõ trách nhiệm của mình đối với nghề. Những tràng pháo tay của khán giả là phần thưởng nhắc nhở tôi phải bản lĩnh, để không phụ lòng công chúng. Tôi rất yêu thích sự nghiệp của mình, và những vở diễn kinh điển đã thôi thúc tôi nung nấu thực hiện những vở diễn mới được đầu tư mang tính chuyên nghiệp cao, nâng giá trị của người nghệ sĩ trên sân khấu”.
Hiện nay, NSƯT Hữu Châu đang dạy lớp diễn viên nâng cao tại Sân khấu kịch Minh Nhí. Tại đây, có nhiều diễn viên đã được khán giả biết đến qua các game show và phim ảnh như: Minh Dự, Thái Duy, Thạch Thảo, Thanh Vàng, Ngọc Tiến, Hữu Đằng… “Đây là lớp học nâng cao khi hầu hết các em đều đã có sô diễn bên ngoài. Họ chọn sân khấu Minh Nhí để theo học và chúng tôi muốn trao truyền những hiểu biết, kinh nghiệm của mình để họ rút ra những bài học từ những tác phẩm sân khấu kinh điển. Phải trang bị thật tốt bộ môn tiếng nói sân khấu, để từ đó áp dụng cho việc làm nghề một cách nghiêm túc” – NSƯT Hữu Châu tâm sự.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp