Là gương mặt quen thuộc với khán giả trong vai trò người dẫn chương trình cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ 2017”, NSƯT Hữu Quốc trở lại với mùa Chuông vàng 2018 với một vai trò mới: Thành viên Hội đồng Tuyển chọn, kiêm Huấn luyện viên vòng Chung kết.
NSƯT Hữu Quốc (ngồi giữa) cùng các đồng nghiệp tại cuộc thi Chuông vàng vọng cổ. Ảnh: Thành Nguyên
Thanh xuân của tôi là sân khấu
Hữu Quốc tốt nghiệp Trung học Văn hóa nghệ thuật năm 17 tuổi - xuất phát điểm chính thức đưa chàng trai trẻ bước vào con đường sân khấu chuyên nghiệp. Bằng tất cả đam mê và kiến thức tích lũy được từ những năm ngồi trên ghế nhà trường, Hữu Quốc đã sớm gặt hái được nhiều thành tích đáng kể từ khi còn rất trẻ.
Với vai diễn để đời "giáo sư Vinh" trong vở Bản tình ca quê mẹ, Hữu Quốc đã mang về Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1995. Hình ảnh vị giáo sư hơn 70 tuổi đã tạo được ấn tượng khó quên cho khán giả mộ điệu, nhất là khi người thủ vai là một chàng thanh niên mới vỏn vẹn... 21 tuổi.
Cũng từ đó, Hữu Quốc ngày càng ghi được dấu ấn tài năng của mình qua những "vai lão" trên sân khấu cải lương. Năm 1999, lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng Trần Hữu Trang chỉ có nghệ sĩ được vinh danh, đó là Hữu Quốc và Quế Trân, tiếp sau đó, anh là nghệ sĩ trẻ nhất được vinh danh NSƯT năm 2006.
Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục cống hiến tài sức cho bộ môn cải lương qua những vở diễn đậm chất nghệ thuật, nhân văn: Bến nước Ngũ Bồ (tác giả Lê Nguyên Đạt - HCV Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 2009); Cơn hồng thủy (tác giả Lê Nguyên Đạt - HCV Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 2012) và gần đây nhất là vở Cõi thiêng (tác giả Vương Huyền Cơ - HCV Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 2016)...
NSƯT Hữu Quốc gặt hái được nhiều thành công trong nghề
Bên cạnh NSƯT Phượng Loan và NSƯT Quế Trân - những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, nam huấn luyện viên duy nhất của vòng Chung kết Chuông vàng vọng cổ 2018 đã có những chia sẻ về vai trò mới của mình và những mục tiêu của anh khi đồng hành cùng các thí sinh.
Tôi cần có trách nhiệm đưa thời sự vào cuộc thi
Khi nhận lời ngồi ghế giám khảo, tôi tin rằng mình cần có trách nhiệm đưa những cái mới, những vấn đề thời sự về cuộc sống xung quanh mình vào các tiết mục để chúng ta thấy rằng, có những số phận ngoài đời thật được thể hiện đầy xúc động trong một cuộc thi hát cải lương.
Chúng tôi cũng không đặt áp lực là các thí sinh Chuông vàng vọng cổ phải diễn xuất sắc các vai diễn, nhưng Ban huấn luyện chúng tôi sẽ nhận thấy được sở trường, từ đó, đưa các tiết mục gần gũi với cuộc đời của riêng từng bạn để các bạn có thể cảm được bằng chính cảm xúc của mình, bằng con người thật hồn nhiên thì vai diễn mới có hồn thật sự. Chúng ta phải đưa các bạn đi từng bước, từng bước, khi nào các bạn tiếp nhận và làm quen được rồi thì mới đưa các bạn vào những vai diễn có giá trị mẫu mực, kinh điển.
Ở vòng Tuyển chọn, từ 36 thí sinh, Hội đồng Tuyển chọn chỉ quyết định giữ lại 9 thí sinh. Việc đưa ra quyết định này không đơn giản nên lần đầu tiên đảm nhận vai trò một trong ba người "cầm cân nảy mực", NSƯT Hữu Quốc không tránh khỏi nhiều áp lực.
Tuy nhiên, áp lực không đến từ việc "chọn hay không chọn" mà là sau khi đưa ra quyết định, mình sẽ làm gì để đánh thức tiềm năng trong mỗi "hạt mầm" đang tràn đầy triển vọng trước thềm Chung kết. Đó mới là điều mà "ông Năm" trăn trở khi ngồi ghế nóng cuộc thi lần này, vì "nhiệm vụ của tôi là mang những vấn đề thời sự gần gũi vời đời sống vào Chuông vàng vọng cổ" - NSƯT Hữu Quốc chia sẻ.
Vui đến tận cùng, bi đến cực điểm!
Bản thân Hữu Quốc được những “cây đa, cây đề” trong bộ môn nghệ thuật sân khấu: NSND Phùng Há, NSND Dương Ngọc Cầm, thầy Hoàng Ba, NSƯT Kim Cúc... dạy về ý thức ca trong diễn, càng về sau, khi xã hội tiến bộ thì ý thức này càng được đặt lên vị trí hàng đầu khi đứng trên sân khấu.
Ai cũng ca được, nhưng không phải ai cũng có thể ca để người khác xúc động. Nếu không lấy được cảm xúc của người nghe, người xem thì không thể gọi là thể hiện "tròn bài" được. Với NSƯT Hữu Quốc, vui là phải vui đến tận cùng, bi cũng phải bi đến cực điểm!
Cái khó khăn mà NSƯT nghĩ đến đầu tiên là các thí sinh Chuông vàng vọng cổ có xuất phát điểm và quá trình tiếp cận nghệ thuật khác nhau. Theo anh, khi những người cũ trở lại với cuộc thi thì cần phải làm mới mình, phải tự biến mình thành "trang giấy trắng" thì mới tiếp thu được cái mới và "lột xác" khỏi hình ảnh của chính mình trong thời gian trước. Có như vậy mới đủ kỳ vọng để đi đến gần với ngôi vị Chuông vàng. Ngọn lửa đã và và đang cháy âm ỉ thì phải cháy bùng lên mới có thể làm nên kỳ tích!
Bốn đêm chung kết Chuông vàng vọng cổ 2018 diễn ra vào lúc 20g30 các ngày chủ nhật: 9/9, 16/9, 23/9 và 30/9 tại Nhà hát HTV, được truyền sóng trên kênh HTV9. Các thông tin liên quan đến cuộc thi cũng được cập nhật thường xuyên tại website htv.com.vn và trang Facebook Chuông vàng vọng cổ.
Bảo Châu