NSƯT Thanh Bạch và những câu chuyện bây giờ mới kể

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, NSƯT Thanh Bạch có rất nhiều hồi ức đáng nhớ. Anh nói để kể về những kỷ niệm này, bản thân không biết bắt đầu từ đâu…


NSƯT Thanh Bạch có biệt danh là “Vua mồ hôi” mà ít người biết đến

Những bí mật chưa bật mí

Bí mật đầu tiên mà NSƯT Thanh Bạch muốn bật mí với khán giả là biệt danh “Vua mồ hôi” - cái tên mà không có nhiều người biết đến. Mỗi lần đi thu hình, nghệ sĩ đều phải đem theo quạt lớn nhỏ. Điều này hơi bất tiện nhưng anh không buồn phiền, bởi trong giới nghệ sĩ có một vài đồng nghiệp lúc nào cũng đổ mồ hôi y như vậy. 

Ngoài ra, kịch câm là bí mật thứ hai mà anh muốn chia sẻ đến với mọi người. Đây được xem là niềm đam lớn nhất của thời thanh xuân. Và bật mí cuối cùng chính là lời giải đáp cho việc NSƯT Thanh Bạch có thể ghi hình từ sáng đến tối mà không biết mệt. Anh nói: “Tôi xem đi làm như là đi chơi, và tôi cảm thấy vui với những công việc của mình. Từ đó tạo nên nguồn năng lượng tích cực khiến bản thân không biết mệt mỏi”. 

Từng mở “đài phát thanh” từ nhỏ

Từ năm lớp 10, nghệ sĩ Thanh Bạch đã mê bộ môn nghệ thuật tạp kỹ, trong đó có nhiều người giới thiệu chương trình mà anh thần tượng. Điển hình như nghệ sĩ Trần Văn Trạch - một quái kiệt thời trước 1975, người có thể làm tất cả mọi thứ trên sân khấu từ hát hay, đàn giỏi, tự sáng tác, làm tiếng động… Ông được xem là vua hoạt náo, vua dẫn chương trình.


Anh nói từ nhỏ đã rất mê bộ môn nghệ thuật tạp kỹ

Anh chia sẻ: “Tôi sống ở Vĩnh Long từ nhỏ, nhưng lại sống với không khí ở Sài Gòn nên luôn cập nhật những thông tin mới nhất, sưu tập tất cả băng đĩa, cát-sét mới nhất. Ngày đó, tôi sẵn sàng làm hết tất cả công việc của ba giao chỉ với một điều kiện duy nhất: ba mua cho con cái đĩa mới phát hành”.

Với NSƯT Thanh Bạch, mỗi lần nhận được băng đĩa từ ba của mình, anh đều xem là điều kỳ diệu. Khi có quá nhiều băng đĩa, cát-sét, anh gần như mở được “đài phát thanh” tại nhà. 

Anh kể: “Lần đầu tiên cầm micro, tôi đã thấy được quyền năng của giọng nói. Sau đó, tôi tự thu âm, giới thiệu bài hát rồi chọn ca khúc, mở nhạc... mọi người xung quanh nghe thấy cũng rất thích. Và từ đó tôi trở thành MC, một biên tập, một kỹ thuật viên lúc nào không hay”. 


Để theo đuổi niềm đam mê, Thanh Bạch đã thuyết phục gia đình rất nhiều

Nghệ sĩ Thanh Bạch đam mê nghệ thuật mãnh liệt như thế, nhưng anh lại không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Ba anh muốn con trai đi theo nghề kỹ sư điện của mình, nên bắt Thanh Bạch học ban toán trong khi bản thân lại rất mê môn văn. Sau nhiều lần thuyết phục, ba anh cũng đã đồng ý để con trai làm điều mình muốn. Thế là anh tập trung học ba môn Văn Sử Địa để thi vào trường Sân khấu.

Sau khi học được một năm cửa trường Sân Khấu, Thanh Bạch nói mình “bị tống” sang Liên Xô học tập. Tại đây, anh đang theo học đạo diễn kịch nói thì bị chuyển sang đạo diễn tạp kỹ. Có lẽ nhờ vậy mà sau gần 40 năm, nghệ sĩ này nói mình vẫn chưa sử dụng hết vốn nghề.

Tạo tên tuổi từ những điều bình dị

Ngày trước, Thanh Bạch có tiết mục Dòng suối tiên được mọi người yêu thích nên bầu show thường gọi anh đi diễn. Nhưng đến khi Thanh Bạch đề nghị làm MC chương trình thì không ai đồng ý dù đây là nghề chính thức của anh. Thực tế, ngày đó, MC chỉ cần ngồi hậu đài, giới thiệu tên ca khúc, tên ca sĩ và tên tác giả là đủ nên không ai cần MC đứng trên sân khấu.


Mỗi chương trình, anh đều sáng tạo để không khí sôi động và hấp dẫn khán giả

Sau này đạo diễn Tất My Loan của đoàn Ca nhạc nhẹ tháng 8 đã mời Thanh Bạch dẫn chương trình. Theo cách riêng của mình, anh đã mang đến chương trình bầu không khí sôi động, hoạt náo. 

Anh kể: “Lần đó, tôi làm MC hội thi được tổ chức ở cạnh Nhà hát Hòa Bình nên đã được người ta mời dẫn chương trình tại đây. Lần đó, vừa bước ra sân khấu, tôi thấy khán giả sao đông quá. Mỗi tiết mục giới thiệu, tôi phải cứ chạy ra chạy vào hoài cũng phát mệt nên đã tìm cách làm cho khác với người ta. Vì vậy, có lúc anh diễn kịch câm từ hậu đài ra sân khấu, có lúc đọc thơ giới thiệu bài hát… Sau mỗi tiết mục kết thúc, khán giả lại ngóng chờ “ông MC” sẽ làm trò gì cho tiết mục sau. Khi hoàn thành xong vai trò người dẫn, quản lý nhà hát nói: “Tối nay em ở lại làm MC cho chương trình luôn nhé”. Thế là tôi là luôn đến bây giờ”.

Những kỷ niệm khó quên

Trong suốt quãng đường làm nghệ thuật, NSƯT Thanh Bạch có rất nhiều kỷ niệm khó quên. Có lần, để tạo sự mới mẻ, anh đề nghị được treo lơ lửng trên nóc nhà hát. Khi sân khấu mở màn, nhạc vang lên sẽ thả dây để anh từ từ đi xuống. Trong lúc khán giả vỗ tay thì nhà hát bị cúp điện, thế là Thanh Bạch bị treo lơ lửng giữa chừng.

Anh hào hứng kể: “Lúc đó, tôi xuống không được, lên cũng không xong, khán giả thì cười quá trời. Sân khấu cúp điện, tôi cũng không biết tiết mục tiếp theo là gì vì đang bị treo lơ lửng. Tôi liền nhìn vô hậu đài, thấy cô ca sĩ đang làm động tác chèo thuyền bơi ra trong bóng tối nên dựa vào đó mà giới thiệu ca khúc tiếp theo. Thật ra, tuần trước cô ấy đã hát ca khúc này rồi nên tôi đoán là bài hát này”. 


“Đi tìm ẩn số” là một trong những chương trình kéo dài 12 năm mà MC Thanh Bạch nhớ nhất

Một sự cố khác mà NSƯT Thanh Bạch luôn nhớ đến là khi anh dẫn chương trình tại cuộc thi Hoa hậu. Trong lúc đang giới thiệu, một con kiến cánh bỗng dưng bay thẳng vào mắt khiến anh không thấy đường mà đọc. 

“Mắt tôi cay xé, đau không tả được, và cũng chẳng còn thấy đường để đọc. Cho nên tôi đã đọc sai tên thí sinh đó khiến cả khán phòng ôm bụng cười, còn ban tổ chức thì xanh mặt. Cuối cùng cô này chỉ đoạt giải Á hậu chứ không được Hoa hậu như dự đoán. Cô ấy đã khóc nức nở, còn người nhà thì đổ thừa tại “ông MC” đọc ẩu, làm mất vương miệng Hoa hậu. Tôi chỉ biết nói lời xin lỗi vì sự cố không mong muốn”. 

Ngoài ra, nhắc đến MC Thanh Bạch hẳn mọi người sẽ nhớ ngay đến những chương trình từng rất được yêu thích như: Trúc xanh, Nốt nhạc vui, Chuyện nhỏ, Đi tìm ẩn số… Anh nói rất cảm ơn Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho mình dẫn các chương trình này, khiến bản thân nhận được nhiều tình cảm của khán giả.

Mời quý vị đón xem chương trình “Ký ức Sài Gòn” được phát sóng lúc 10g Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Thanh An