(HTV) - Ngày 20/11 là dịp để tri ân các thầy cô giáo, những người làm trong nghề giáo dục. Tuy nhiên, vẫn có một đội ngũ giáo viên đặc biệt.
Đó chính là những người đào tạo trong doanh nghiệp đang truyền tải những kỹ năng nghề cho các lớp học sinh, sinh viên với phương châm "thực học gắn với thực hành" và lập nghiệp.
Một lớp học kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên
Mỗi giờ lên lớp với chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Quốc Cường là một trải nghiệm vô cùng sôi nổi, hứng thú. Không chỉ truyền tải những kiến thức, kỹ năng nghề giúp sinh viên có cơ hội có việc làm tốt khi ra trường, qua đó anh Cường còn mong muốn truyền lửa yêu nghề đến các bạn trẻ.
Anh Nguyễn Quốc Cường - kỹ sư tại công ty TNHH Công nghệ Cowain Việt Nam chia sẻ: “Khi đứng trên bục giảng, mong muốn của mình là được truyền đạt ngọn lửa yêu nghề để các bạn có thể hứng thú, tiếp tục làm tốt với công việc của mình sau này.”
Anh Nguyễn Quốc Cường - kỹ sư tại công ty TNHH Công nghệ Cowain Việt Nam
Nghề giáo là một nghề cao quý. Ở mỗi lĩnh vực, những người thầy, người cô đã và đang góp phần truyền đạt tri thức, lòng nhiệt huyết giúp các học sinh hiện thực hóa ước mơ của mình. Đặc biệt với những người đào tạo nghề trong doanh nghiệp, việc đào tạo không chỉ là đứng trên bục giảng mà còn ngay trong từng nhà xưởng với những bài thực hành cụ thể.
Để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển đội ngũ nhà giáo, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp có kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, đồng thời cũng đẩy mạnh việc thu hút người dạy nghề trong doanh nghiệp tham gia đào tạo trong Giáo dục Nghề nghiệp với chủ trương coi doanh nghiệp như một "nhà trường thứ hai".
Đẩy mạnh việc thu hút người dạy nghề trong doanh nghiệp tham gia đào tạo trong Giáo dục Nghề nghiệp
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, việc tham gia của người dạy nghề trong doanh nghiệp vào quá trình đào tạo đã đem lại lợi ích cho nhiều bên. “Người học được nâng cao kỹ năng nghề. Cơ sở Giáo dục Nghề nghiệp được nâng cao chất lượng đào tạo, còn doanh nghiệp thì có thêm nguồn nhân lực lành nghề để phát triển”, ông chia sẻ thêm.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp
Sau những giờ đứng trên bục giảng, anh Cường lại trở lại với công việc thường ngày của mình. Không phải hoa hay lời chúc, điều mà chàng kỹ sư trẻ này mong muốn đó chính là tiếp tục được phát huy, đóng góp sức trẻ của mình, với phương châm thực học, thực hành và lập nghiệp.