Liên hoan Truyền hình Toàn quốc 2020

Phim tài liệu "Chuyện từ tấm ảnh"

"Chuyện từ tấm ảnh" là bộ phim tài liệu nhận được Bằng khen tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc năm 2020.

Phim tài liệu Chuyện từ tấm ảnh được TFS sản xuất năm 2020, do Lư Trọng Tín lên ý tưởng kịch bản và đạo diễn. Với thời lượng 20 phút, ê-kíp thực hiện đã cố gắng tái hiện lại câu chuyện mang đậm giá nhân văn xảy ra trong lịch sử. Nội dung phim kể về nguồn gốc tấm ảnh cô bé 10 tuổi, vinh dự được Bác Hồ ôm vào lòng chụp ảnh chung. Hơn 30 năm sau, kỷ vật thiêng liêng ấy được cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh - đồng đội của cha "cô bé năm ấy" -  trao lại cùng lời dặn dò đầy ắp yêu thương.

“Tôi quyết định phải đi tìm câu chuyện về gia đình mình, ròng rã trong nhiều năm, mặc dù đã có rất nhiều sách, phim ảnh nói về cha tôi. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh... Nhưng tôi vẫn tiếp tục đi tìm vì đó là niềm khát khao của một người con” - “cô bé” Đào Thị Minh Vân năm nào chia sẻ. Hiện nay, dù đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, bà vẫn tiếp tục hành trình tìm lại hơn 400 đồng đội của cha để được nghe kể về những câu chuyện của thế hệ trước. 

Bà Đào Thị Minh Vân (áo đậm) chia sẻ câu chuyện về gia đình mình

Trung tướng Hoàng Minh Đạo, tên thật Đào Phúc Lộc, (1923 – 1969) là cha của “cô bé” Minh Vân và là bạn chiến đấu của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Hải Phụng… nên "cô bé" được đồng đội của cha ưu ái, yêu thương, nhất là bác Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh. Mới một tháng tuổi, bà Hoàng Thị Phụng - mẹ của Minh Vân - đã cho cô vào đôi quang gánh theo đoàn người tản cư lên Việt Bắc. Và chưa đầy một tuổi, Minh Vân mồ côi mẹ vì bà bị sốt rét ác tính. Đúng thời điểm này, cha Minh Vân nhận lệnh đặc biệt từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, làm đặc phái viên của Trung ương vào Nam chiến đấu trên chiến trường B2 ác liệt.

Năm 1968, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đào Phúc Lộc được điều về làm Bí thư kiêm Chính ủy phân khu Sài Gòn Gia Định. Ông vội vã mang bức ảnh quý giá của con gái đưa cho đồng đội Mười Cúc kèm lời nhắn: "Anh Út ơi! Em có bức ảnh con gái em ngồi trong lòng ông nội. Bây giờ em ra vào vùng ác liệt, nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì em không thể giữ được bức ảnh. Nhờ anh cất giùm em, ngày chiến thắng em về xin lại”.

Trải qua bao bom đạn của chiến trường, biết bao lần phải thay đổi địa điểm hoạt động, có lúc đồng chí Mười Cúc tưởng chừng đã làm thất lạc kỷ vật mà đồng đội ủy thác. Ông chỉ mong đến ngày hòa bình để trao tận tay cho con gái người đồng chí, đồng đội của mình.

Không biết từ bao giờ, bức ảnh ấy lại mang trên mình sứ mệnh lớn lao, vừa lột tả được tấm lòng yêu thương vô bờ bến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thiếu niên nhi đồng Việt Nam. Vừa nói lên sự quan tâm, chăm sóc của Đảng và Nhà nước đối với lực lượng cán bộ, chiến sĩ ngày đêm chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Tấm ảnh cứ thế được truyền tay nhau xem, nhiều người đã không cầm được nước mắt, hy vọng về một ngày mai tươi sáng, đất nước sẽ được độc lập, hòa bình, thống nhất.

Thế nhưng, không chờ được đến ngày giải phóng, năm 1971, Đào Thị Minh Vân được thông báo cha mình trên đường đi công tác đụng độ với thám báo Mỹ và mất tích. Nhưng tình hình cụ thể như thế nào thì bà không nắm rõ...

Giờ đây, trải qua hơn 70 năm thăng trầm của đời người, “cô bé” Minh Vân vẫn nhớ như in khoảnh khắc nhận lại bức ảnh từ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và những lời nhắn nhủ chân thành từ ông. Vậy là, hơn 30 năm sau, đồng chí Mười Cúc cuối cùng đã hoàn thành sứ mệnh, trao tận tay cho "cô bé" Minh Vân kỷ vật vô giá của người đồng đội năm nào đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Đạo diễn Lư Trọng Tín (bên trái) và quay phim Lý Ngọc Lộc

“Với niềm đam mê lịch sử lẫn nghệ thuật dân tộc, nhóm làm phim “Chuyện từ tấm ảnh” đã cố gắng lần tìm và tái hiện lại một trong rất nhiều mảnh ghép của lịch sử nước nhà. Anh em trong ê-kíp nỗ lực phác họa về một giai đoạn lịch sử - giai đoạn mà các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi sẵn sàng dấn thân, chiến đấu để nhiều gia đình được đoàn viên, đất nước được thống nhất. Cũng như rất nhiều phim tài liệu lịch sử truyền thống do HTV thực hiện, “Chuyện từ tấm ảnh” mong muốn thế hệ trẻ quý trọng những gì cha ông đã trải qua và hun đúc thêm lòng yêu nước trong lòng mỗi con người Việt Nam”  - đạo diễn Lư Trọng Tín chia sẻ.

Đằng sau những thước phim tư liệu là cả câu chuyện của lịch sử. Đằng sau những tấm ảnh cũ là câu chuyện của một gia đình. Ở đó có những câu chuyện của một thời chiến tranh gian khổ, ác liệt nhưng thấm đẫm tình người, tình dân tộc…

Mỹ Hạnh