Quy hoạch TP.HCM: Hướng sông, bám biển, đánh thức tiềm năng đô thị hiện đại

TRẦN HÙNG - NGUYỄN QUỐC - MINH KHÔI - HOÀNG LINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 11/4/2025, 08:54

(HTV) - ​Qua 50 năm thống nhất non sông, diện mạo TP.HCM đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Việc kế thừa quá khứ, định hình tương lai của Thành phố tiếp tục được thực hiện qua 2 đồ án quy hoạch lớn. Đó là Quy hoạch phát triển TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cuối năm 2024, và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 của Thành phố. Mục tiêu đặt ra không chỉ phát triển bền vững, mà còn tạo ra một đô thị thông minh, năng động và đáng sống.

Hai bờ sông Sài Gòn tại khu vực trung tâm TP.HCM sẽ được xây dựng thành trung tâm tài chính quốc tế

Hướng sông, bám biển là điểm nhấn của quy hoạch TP.HCM. Trong đó, sông Sài Gòn là hồn cốt của Thành phố có lịch sử hơn 300 năm, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay đã có nhiều thuận lợi để chuyển mình. Đặc biệt là đoạn chảy qua khu vực trung tâm Thành phố, những bến đò, bến phà đã được thay thế bằng những bến tàu khang trang, những chiếc buýt đường sông hiện đại.

 Hướng sông, bám biển là điểm nhấn của quy hoạch TP.HCM

Hướng sông, bám biển là điểm nhấn của quy hoạch TP.HCM. Trong đó, sông Sài Gòn là hồn cốt của Thành phố có lịch sử hơn 300 năm, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay đã có nhiều thuận lợi để chuyển mình. Đặc biệt là đoạn chảy qua khu vực trung tâm Thành phố, những bến đò, bến phà đã được thay thế bằng những bến tàu khang trang, những chiếc buýt đường sông hiện đại.

Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty Thường Nhật chia sẻ, chúng ta làm lại những giá trị, thực hiện lại những giá trị mà tổ tiên chúng ta đã từng thực hiện với một cách làm bài bản hơn, hiện đại hơn. Và đó là mấu chốt để phát triển chương trình buýt đường sông, tạo ra một chuỗi hạ tầng cảng bến trải dài trải rộng.

Sông Sài Gòn đã có sự chuyển biến rõ nét với các bến tàu khang trang, hiện đại

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương - Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, chúng ta đã có định hướng quy hoạch, đã có ước muốn chuyển sông Sài Gòn thành con sông cảnh quan của Thành phố, làm sao phát triển đô thị hai bên sông Sài Gòn. Chúng ta hy vọng rằng trong thời gian tới nếu Thủ Thiêm lên thì có thể thay đổi một cách căn bản diện mạo của sông Sài Gòn.

Sông Sài Gòn được định hướng sẽ trở thành một trục “xương sống” trong Quy hoạch của TP.HCM, giúp Thành phố phát triển theo mô hình "hướng sông, bám biển". Và tại khu vực trung tâm Thành phố, hai bờ sông Sài Gòn không chỉ là nơi kết nối các tuyến giao thông đường thủy hiện đại, mà khu vực này bao gồm cả Quận 1 và TP. Thủ Đức sẽ là một trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai.

Đẩy mạnh giải quyết các điểm nghẽn để phát triển kinh tế TP.HCM

Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ, chúng ta phải giải quyết các nút thắt về quy hoạch, về hạ tầng đô thị, về giao thông, các điểm nghẽn phát triển TP.HCM, chúng ta phải giải quyết được các điểm nghẽn đó. Vì các điểm nghẽn đó suy cho cùng là các doanh nghiệp đang phải đối diện. Chúng ta giải quyết được các điểm nghẽn đó có nghĩa là giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp chúng ta.

Ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định: “Với hoạt động bình thường như chúng ta đã làm trong 20-30 năm vừa rồi thì rõ ràng rất khó để tạo sự đột phá. Chúng ta tin tưởng rằng các chính sách rất đột phá từ trung ương và TP.HCM cho trung tâm tài chính, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực tài chính, phi tài chính, đặc biệt là các công ty hàng đầu thế giới, thì sẽ tạo ra rất nhiều động lực cho TP.HCM phát triển trong tương lai.”

TP.HCM sẽ ưu tiên các dự án đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững

"Nếu ranh giới hành chính mở rộng thì sẽ tạo điều kiện cho quy hoạch tốt hơn. Phải thay đổi các quan điểm phát triển, quan điểm quản lý, làm sao tạo điều kiện phát huy được nguồn lực từ người dân tốt hơn, lúc đó mình mới hy vọng thực hiện được ý đồ mà quy hoạch đã đề ra.” - Tiến sĩ Võ Kim Cương - Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM chia sẻ.

Tầm nhìn đến năm 2050 của TP.HCM hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế năng động của khu vực Đông Nam Á. Các dự án về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ được ưu tiên phát triển, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Thành phố. Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng được nhấn mạnh. Thành phố sẽ tập trung vào việc xây dựng các khu vực đô thị xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và thúc đẩy các công nghệ sạch, tạo ra môi trường sống trong lành cho người dân.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: