Ti vi, điện thoại thông minh, ipad, máy tính… trong thời đại ngày nay đã trở nên vô cùng phổ biến trong các gia đình trên toàn thế giới. Từ khi mới sinh ra, một em bé đã được tiếp cận với ít nhất là một trong các thiết bị này. Tuy nhiên, các chương trình truyền hình dành cho trẻ em không phải quốc gia nào, địa phương nào, gia đình nào cũng quan tâm đúng cách.
TRĂM HOA ĐUA NỞ
Ngày 1/10/2017, Thông tư số 09 của Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu “dán nhãn” cảnh báo những nội dung không phù hợp với trẻ em trên các phương tiện truyền thông được áp dụng. Mục đích của Thông tư này chính là việc bảo vệ trẻ em Việt Nam khỏi những chương trình không phù hợp với lứa tuổi.
Một cảnh quay trong chương trình Những hộp quà xinh (Ảnh: Thủy Tiên)
Thực tế những năm qua, các chương trình truyền hình dành cho trẻ em có tính giáo dục đang bị các chương trình giải trí, sử dụng nhiều chiêu trò lấn lướt, “chiếm sóng” giờ vàng. Thậm chí không hiếm chương trình thiếu nhi ở ngưỡng cảnh báo vì bắt chước người lớn, thi thố mang tính hơn thua, lạm dụng nước mắt, ăn mặc hở hang... Hàng loạt chương trình truyền hình dành cho trẻ em nối tiếp nhau lên sóng, thu hút lượng theo dõi lớn, nhất là các gameshow ca nhạc cuối tuần, tìm kiếm tài năng nhí trong lĩnh vực nghệ thuật. Thị trường gameshow dành cho trẻ em cũng được coi là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất, vì vậy, hầu như chương trình gameshow dành cho người lớn nào “ăn khách” thì kéo theo đó sẽ có phiên bản dành cho trẻ em. Không ít chương trình vi phạm vào những nguyên tắc bảo vệ trẻ em. Điều đó gây lo lắng cho khá nhiều phụ huynh.
Có thể chỉ ra nguyên nhân các chương trình gamshow hay chương trình thiếu nhi có tính thương mại là vì sản xuất ra các chương trình giải trí có tính giáo dục, hay liên quan đến các chủ đề kiến thức khoa học cho thiếu nhi ít người theo dõi, nên các nhà sản xuất tập trung vào mảng truyền hình thực tế, các cuộc thi ca hát để tạo nguồn thu. Ngoài ra, việc này cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của khán giả, có xu hướng thích xem trẻ em tranh tài, ca hát, nhảy múa. Gameshow nhí sẽ không thể bùng nổ nếu không có sự tiếp tay của cha mẹ các em. Cha mẹ cũng có nhu cầu mong con nổi tiếng, bằng việc cho con tham gia các sân chơi giải trí, hơn là cuộc thi về kiến thức. Không ít phụ huynh mong ước con mình nổi tiếng, nên đã đưa các em đi tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác để tìm cơ hội thành danh. Một thực tế nữa là khi các chương trình giải trí dành cho người lớn bão hòa thì sân chơi của trẻ em mới lạ, dễ thương, nên các nhà sản xuất nhanh chóng nắm bắt các cơ hội này.
Không chỉ tại Việt Nam, thí sinh nhí cũng được khai thác khá mạnh mẽ tại nhiều quốc gia khác. Trong đó, Mỹ là nước đứng đầu thế giới về ngành công nghiệp tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trẻ em. Dù có nhiều tranh cãi xung quanh các chương trình này, nhưng các bậc phụ huynh đều hứng thú vì cho rằng đây là cách họ đầu tư cho tương lai của con. Tương tự tại Pháp, 2 cuộc thi Mini Miss và Graines de Miss, được tổ chức hàng năm với số lượng thí sinh từ 6 đến 13 tuổi ở các thành phố khác nhau trong cả nước rất được phụ huynh ủng hộ và hưởng ứng.
Tập luyện cho Vườn âm nhạc tháng 12 (Ảnh: Thủy Tiên)
CHƯƠNG TRÌNH DÀNH CHO THIẾU NHI - PHẢI AN TOÀN
Trong thời đại văn hóa thính thị này, muốn hay không thì các phương tiện thông tin truyền thông (truyền hình, Internet…) đều tham gia tích cực vào việc hình thành nhân cách, phát triển trí tuệ, hình thành bộ giá trị tinh thần cho mỗi đứa trẻ. Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng: “Thông qua các chương trình truyền hình, trò chơi, các kênh xã hội, youtube, đưa trẻ tiếp cận với thế giới, dần trở thành một công dân của xã hội bản địa và xã hội toàn cầu. Dù phụ huynh muốn hay không muốn thì ở thời đại này, các thông tin qua truyền hình, intertnet cho trẻ những trải nghiệm đầu tiên về xã hội, có thể hình thành những thay đổi về hành vi. Điều này, các nhà làm phim, sản xuất chương trình truyền hình cần phải nhận thức được như một chức năng của truyền hình để có sự cẩn trọng cần thiết khi thiết kế nội dung và hình thức chuyển tải nội dung đó. Trách nhiệm của họ không phải chỉ làm ra các chương trình phù hợp lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của các em, lôi cuốn người xem để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thương mại. Trách nhiệm của họ lớn hơn nhiều, đó là tham gia vào quá trình hình thành sở thích, nhu cầu món ăn tinh thần, gu thẩm mỹ, bộ kỹ năng ứng xử xã hội của thế hệ trẻ”.
Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: việc cho trẻ em xem ti vi, video sớm là không tốt cho sự phát triển trí não và vận động. Một số quốc gia như Pháp cấm trẻ em dưới 3 tuổi xem ti vi. Tuy nhiên, trong thời đại đa màn hình, đa phương tiện như ngày nay, việc xem ti vi, video của trẻ là một nhu cầu không thể chối từ đối với các ông bố bà mẹ. Một thực tế nữa khiến các bậc phụ huynh lo lắng là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, nhu cầu xem tivi, sử dụng internet ở trẻ đang bị/được cạnh tranh với nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ để tiếp cận với thông tin. Iphone, Ipad giúp trẻ xem phim, xem gamshow, chơi các trò chơi tương tác trong khi các chương trình truyền hình chỉ có thể cho trẻ tiếp cận một chiều.
Vườn sao mai - Chương trình dành cho lứa tuổi thanh thiếu nhi (Ảnh: Kim Mai)
Tuy vậy, các chương trình trên truyền hình dành cho trẻ em vẫn có những ưu thế nhất định khiến phụ huynh ưu tiên lựa chọn cho con em mình, như: dễ sử dụng, ít gây hại cho mắt; người làm chương trình chủ động kiểm soát thời lượng và nội dung cho con - cháu mình; bố mẹ, ông bà có thể cùng tham gia; có thể điều chỉnh khoảng cách mắt và tivi, cường độ am thanh điều chỉnh được; cảm giác được tham gia cùng cộng đồng khi chương trình truyền hình có nhiều người tiếp cận.
Đầu năm 2017, HTV ra mắt chương trình dành cho thiếu nhi Những hộp quà xinh (ca nhạc), phát sóng lúc 13g50 thứ Bảy hằng tuần. Một số chương trình mang tính truyền cảm hứng và dạy kỹ năng được thực hiện theo mô hình gameshow truyền hình phát sóng trên HTV cũng được đánh giá cao về tính giáo dục như Mỗi ngày một điều hay; A, bạn đây rồi (thiếu nhi); Nào ta cùng vui (mẫu giáo). Trên một số Đài Truyền hình khác cũng có nhiều chương trình bổ ích dành cho thiếu nhi. Một số chương trình thiếu nhi có sự tham gia của cả ông bà, cha mẹ... để mở rộng đối tượng khán giả theo dõi.
Những chương trình này giúp các em thể thiện sự khéo léo, rèn luyện sự tự tin và đặc biệt là giáo dục về những kỹ năng sống cần thiết, giúp các em tự lập và vững vàng hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Nơi ta trưởng thành của HTV Kids
TS Nguyễn Thụy Anh cũng đưa ra lời khuyên rằng: phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của trẻ trong thời đại mới, cần có sự quan sát, ghi chép, miêu tả, phân tích, đánh giá những phản ứng của trẻ với các chương trình đang phát sóng, đồng thời tiến hành điều tra, thăm dò ý kiến của người lớn và trẻ em trên diện rộng. Mỗi chương trình cần được dán nhãn lứa tuổi để bố mẹ quyết định cho các con tiếp cận hay không. Quy trình sản xuất các chương trình truyền hình, bắt đầu từ việc xây dựng format phải luôn xác định đối tượng khán giả mình là ai và cần thiết phải có sự tham gia tư vấn của các cố vấn về tâm lý và giáo dục để bảo đảm các nội dung phù hợp với các đối tượng khán giả nhí. Sự cẩn trọng trong khi xây dựng chương trình, làm phim cho trẻ thể hiện trách nhiệm của người làm truyền hình đối với sự an toàn về tinh thần lẫn thể chất của trẻ, và thông qua chương trình truyền hình nâng cao kiến thức, kỹ năng, chất lượng sống của trẻ em Việt Nam.
Minh Diệu