Một nghệ sĩ nổi tiếng qua đời bất ngờ vì đột quỵ, khi tang lễ chưa diễn ra, đã có những người mang thiết bị đến bệnh viện rồi qua trung tâm pháp y nơi đặt thi hài để cố ghi lại cận cảnh hình ảnh người quá cố và live stream trên mạng xã hội.
Trước đó không lâu, những hình ảnh người dân vùng bão lũ miền Trung xếp hàng với vẻ mặt đau khổ, hốc hác, áo quần xộc xệch nhàu nhĩ chờ phát tiền, phát quà cứu trợ được đưa lên một vài tờ báo và rất nhiều trang mạng xã hội cá nhân, fanpage của tổ chức…
Đội ngũ YouTuber, Vlogger túc trực ở nhà quàn thi hài một nghệ sĩ để “canh me” những bạn bè (cũng là nghệ sĩ) của người quá cố đến để livestream
Tổn thương người trong cuộc
Tất cả những người đưa thông tin ấy đều nhân danh những mục đích “cao cả”. Nào là người hâm mộ yêu quý nghệ sĩ, rất muốn được xem những hình ảnh cuối cùng của ông để chia sẻ nỗi đau; Nào là người dân cả nước đang hướng về miền Trung họ cần được xem nỗi thống khổ của bà con để chung tay giúp sức…
Những lý lẽ to tát ấy không sai. Nhưng, người làm truyền thông chưa bao giờ đặt câu hỏi với những người trong cuộc: Đồng bào đi nhận cứu trợ có muốn gương mặt của mình bị tương lên báo, lên mạng với tình cảm thương hại như thế không? Gia đình, bạn bè của người nghệ sĩ quá cố có ai muốn hình ảnh cận cảnh của ông tại nhà xác được đưa lên truyền thông không? Nếu được hỏi, những người trong cuộc chắc chắn không đồng ý cho đăng, cho phát những video, ảnh chụp đó.
Hồi tháng 7 năm nay, ca mổ nổi tiếng tách 2 bé gái Trúc Nhi và Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cũng được tường thuật trên nhiều kênh truyền thông chính thống và mạng xã hội, trong đó, có không ít người đã đưa những hình ảnh cận cảnh và chi tiết về quá trình tách rời 2 bé song sinh này. Khi tường thuật ca mổ, có phóng viên báo chí chọn góc máy cảnh cha mẹ của hai bé che mặt khóc… Đó là những hình ảnh vi phạm quyền nhân thân về hình ảnh của nhân vật, vi phạm sự riêng tư của gia đình bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
Dẫu biết rằng những người làm truyền thông đều chạy theo mong muốn phục vụ công chúng tốt nhất, muốn đưa đến mọi người thông tin về ca mổ như một thành tựu của y học Việt Nam, nhưng có hàng trăm cách chọn lựa hình ảnh, và cũng còn nhiều thủ pháp của hình ảnh như che mặt, xóa mặt, làm mờ mặt… có thể sử dụng để tránh được sự tổn thương phẩm giá cho đối tượng được phản ánh, cho những người liên quan.
Hai bé Diệu Nhi và Trúc Nhi cùng cha mẹ hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc trong mùa Giáng sinh này sau ca mổ lịch sử (Ảnh: VNExpress)
Và người xem cũng bị tổn thương
Nhưng không chỉ có người trong cuộc, đôi lúc đôi chỗ, những hình ảnh nhạy cảm nếu không chọn lọc kỹ càng, công chúng truyền thông cũng sẽ bị sốc khi xem.
Còn nhớ cách đây không lâu, trong một chương trình trò chơi truyền hình thi tài nấu ăn, hình ảnh một thí sinh chặt đầu con ba ba cận cảnh đã làm “dậy sóng” dư luận. Những hình ảnh đẫm máu sau các lễ hội chém lợn, chọi trâu trên báo chí chính thống đối với đại đa số người xem là phản cảm.
Cách nay mấy năm, một tai nạn thương tâm đã xảy ra tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017: Con trâu chọi số 18 của ông Đ.X.H bất ngờ quay ra tấn công chủ. Ông H. bị thương nặng và sau đó tử vong. Khoảnh khắc con trâu điên húc văng ông chủ lên không trung và sau đó húc liên tục nhiều lần nữa đã được các ống kính chuyên nghiệp lẫn không chuyên ghi lại dưới dạng video và ảnh tĩnh. Cảnh tượng kinh hoàng và đau lòng ấy ban đầu xuất hiện trên mạng xã hội nhưng sau đó đi vào báo mạng, báo in và truyền hình ngay trong những tác phẩm báo chí lên tiếng về việc xóa bỏ những lễ hội còn yếu tố bạo lực. Trong những ngày tang gia bối rối của gia đình nạn nhân, đoạn video đó cũng được phát nhiều lần trên một số kênh truyền hình để minh họa cho các tin, bài liên quan trong những chương trình thời sự, chuyên đề... Những hình ảnh như thế với đại đa số khán giả là phản cảm.
Nguyên tắc nào cho chọn lựa?
Khai thác hình ảnh nhạy cảm như chết chóc, bạo lực, máu me, chuyện đau khổ và khoảnh khắc riêng tư... trên các phương tiện truyền thông là vấn đề cần hết sức cẩn trọng bởi ranh giới đạo đức đôi lúc hết sức mong manh.
Thử gõ vào ô tìm kiếm trong công cụ Google chuỗi “Tsunami in Japan” (sóng thần ở Nhật Bản) và chọn phần tìm kiếm hình ảnh, bạn sẽ bắt gặp hàng ngàn bức ảnh về sự kiện động đất sóng thần ở Nhật Bản năm 2011. Hầu hết các bức ảnh này đều diễn tả sự tàn phá kinh hoàng, sự mất mát lớn lao của người Nhật sau thiên tai như cảnh đường sá hư hỏng, nhà đổ, máy bay ô tô bị hư hại, những gương mặt thẫn thờ... tuyệt nhiên không có máu me, thi thể người (trận động đất này cướp đi sinh mạng của 15.893 người).
Năm 2018, ở Thái Lan, câu chuyện giải cứu đội bóng thiếu niên Lợn Hoang mắc kẹt 10 ngày trong một hang động được cả thế giới quan tâm. Người Thái dùng những thiết bị hiện đại như tàu ngầm mini, mời cả những chuyên gia lặn nổi tiếng khắp thế giới từ Úc, Canada, Mỹ tới tham gia giải cứu. Nhưng hàng trăm nhà báo khắp thế giới theo dõi đưa tin về sự kiện này không có được một tấm hình nào của những đứa trẻ. Chúng ta không hề thấy hình ảnh các em trên báo chí. Truyền thông thế giới trong thiên tai, thảm họa chú trọng mục tiêu cứu người nhưng không lấy đi của họ sự bình yên và tự do cá nhân.
Trận sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản năm 2011 hiện còn rất nhiều hình ảnh trên truyền thông nhưng tuyệt đối không có hình ảnh chết chóc
Khi rơi vào thảm họa như bị sạt lở đất, đối mặt với cái chết, với nỗi sợ, với cái đói dài ngày, người ta dễ có những hành động, ứng xử khác với bình thường. Tuy nhiên, khi mọi sự trở về bình thường, người ta không muốn nhắc lại những hành động đó bằng lời nói, huống chi là hình ảnh, video. Khi đưa tin về bão lụt, sạt lở đất, người làm truyền thông nào cũng muốn khắc họa cái hậu quả khốc liệt của nó. Nhưng mục tiêu ấy không đồng nghĩa với việc khai thác những hình ảnh nhạy cảm về cá nhân con người trong sự kiện.
Công chúng truyền thông cần được thỏa mãn nhu cầu thông tin và thông tin báo chí phải tác động mạnh đến cảm xúc của họ không chỉ qua văn bản, lời nói, mà còn có hình ảnh trực quan. Tuy nhiên, hình ảnh người chết đói, hình ảnh người bị tai nạn giao thông, hình ảnh nạn nhân thiên tai - hỏa hoạn, hình ảnh người chết trong chiến tranh... đăng hay không đăng; đăng như thế nào là hợp lý (cỡ cảnh nào, góc máy nào, có làm mờ không…) cần được cân nhắc trong từng tình huống cụ thể. Bởi đây là những câu hỏi không dễ trả lời. Giữa hiệu quả tác động của bức ảnh, video clip và sự chịu đựng của những cá nhân có liên quan, và sự chịu đựng của công chúng không phải lúc nào cũng đo lường rạch ròi.
Ranh giới giữa trách nhiệm thông tin và xâm phạm quyền riêng tư đôi lúc rất mong manh. Và ở đây, khía cạnh đạo đức báo chí sẽ được đặt ra. Chưa có một nguyên tắc chung nào cho sự chọn lựa nhưng người làm truyền thông phải biết đo lường được những tổn thương mà người khác đang trải qua khi tiếp nhận hình ảnh trên truyền thông. Và đó cần được xem là một nguyên tắc quan trọng. Một tác phẩm báo chí có tác động tốt nhưng xâm phạm vào nỗi đau cá nhân luôn trở thành vấn đề tranh cãi.
Phan Văn Tú