Chúng ta đều biết là để có thể làm nên một chương trình truyền hình trực tiếp phải cần đến một ê-kíp hàng chục có khi là hàng trăm người. Tuy nhiên khán giả sẽ chỉ thấy vai trò gần như là độc tôn của một vị trí, đó là người dẫn chương trình.
Dẫn chương trình trong các sự kiện trực tiếp ở hiện trường thường gặp nhiều rủi ro phát sinh ngoài kịch bản cần linh động xử lý. Trong ảnh: Biên tập viên Thái Ân đang dẫn chương trình tại Cúp Truyền hình TP. Hồ Chí Minh
Có thể nói người dẫn chương trình có tầm quan trọng đặc biệt vì họ là người đại diện mang sản phẩm tinh thần của cả một tập thể đến cho khán giả. Đặc biệt trong các chương trình trực tiếp thì vai trò của người dẫn chương trình thực sự có ý nghĩa sống còn. Thế nhưng nhìn người dẫn chương trình duyên dáng và tự tin trên sân khấu ít ai biết là có nhiều khi họ đang phải ghìm lòng để hoàn thành nhiệm vụ.
Xử lý tình huống, kỹ năng quan trọng hàng đầu
Các chương trình trực tiếp thường gây áp lực tâm lý rất lớn cho những người dẫn chương trình. Trước hết, lý do thường xảy ra nhất là diễn tiến của sự kiện không phải lúc nào cũng tuân theo kịch bản. Và người dẫn chương trình nhất thiết phải là người giỏi xử lý tình huống. Xử lý lỗi nhưng tuyệt đối không được nói dối.
Xin đưa ra một tình huống thực tế: Trong chương trình tường thuật trực tiếp, người dẫn chương trình phỏng vấn các em học sinh câm điếc của Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Cuộc phỏng vấn đang diễn ra thì người phiên dịch bỗng nhiên biến đi đâu mất và người dẫn chương trình không thể tiếp tục giao tiếp với các em bởi người dẫn chương trình không biết ngôn ngữ động tác. Có một bạn MC đã “quá nhanh trí” tự sáng tác ra nội dung trả lời của các cháu và ngay sau đó bị khán giả phản ứng rất nặng nề.
Trong trường hợp này, nếu là bạn, bạn sẽ xử lý như thế nào?
Một cách thật đơn giản và an tòan là chúng ta nói thật với khán giả rằng người phiên dịch đã bận công chuyện và không thể giúp chúng ta trò chuyện với các em khuyết tật. Nhưng chỉ một lát nữa thôi chúng ta sẽ quay trở lại câu chuyện với các em. Còn bây giờ thì mời các khán giả quay lại với sân khấu của lễ hội. Chỉ có điều là chúng ta phải diễn đạt nội dung này sao cho dễ chấp nhận nhất.
Nói thật như thế nào?
Ví dụ trong trường hợp mà chúng tôi kể trên, người dẫn chương trình có thể nói với các em khuyết tật như sau:
- Ôi chị xin lỗi em nhé, cô giáo của em không còn ở đây nữa rồi và chị cũng như khán giả không thể hiểu được những tâm sự của em nếu như thiếu cô ấy! (Quay ra khán giả: Và quý khán giả thân mến! Chúng tôi sẽ cố gắng để quý vị và các bạn có thể tiếp tục cuộc trò chuyện với các em sau ít phút nữa thôi. Còn bây giờ chúng ta sẽ trở lại sân khấu để đến với không khí lễ hội vẫn đang tiếp diễn…). Và sau khi tìm được người phiên dịch thì cuộc trò chuyện lại được tiếp tục.
Nói thật bao giờ cũng là cách dễ được khán giả chấp nhận nhất. Chúng ta hãy cho khán giả biết rằng, tất cả mọi việc đều không thể diễn ra đúng như chúng ta sắp đặt. Các chương trình truyền hình cũng thế. Người dẫn chương trình truyền hình khéo léo chính là người xử lý lỗi một cách nhẹ nhàng để khán giả thấy thú vị với cách xử lý ấy, chứ không phải là cố giấu khán giả lỗi trong chương trình. Ta cố giấu bằng cách nói dối khán giả thì càng không thể chấp nhận và cũng trái với nguyên tắc tác nghiệp.
HTV là cơ quan báo chí thường xuyên tổ chức các hình thức tìm kiếm gương mặt người dẫn chương trình truyền hình. Trong ảnh Lan Nhi (giữa) giành ngôi vị Quán quân “Gương mặt truyền hình”, Ninh Hoàng Ngân (trái) là Á quân 1 và Phạm Thanh là Áquân 2 - năm 2018
Lary King, người dẫn chương trình nổi tiếng nhất của Mỹ cũng từng nhắc đến nguyên tắc này trong cuốn sách viết về những kinh nghiệm dẫn chương trình trong cuộc đời ông. Tất nhiên nói thật như thế nào lại phụ thuộc vào văn hóa nền của từng người dẫn chương trình. Và người dẫn chương trình có “thương hiệu” chính là người có “phông văn hóa” vững để biết nói thật một cách khéo léo với khán giả trong những pha gay cấn.
Ngẫu hứng - hiệu quả tuyệt vời!
Bạn là khán giả truyền hình hay là người làm truyền hình? Có bao giờ bạn hình dung là người dẫn có thể dẫn tốt mà không cần cầm trên tay bất cứ một văn bản nào. Có đấy! Và trong nhiều trường hợp sự ngẫu hứng chính là yếu tố làm nên thành công của chương trình.
Một chương trình trực tiếp hay không phải là một chương trình không có lỗi. Trong chương trình trực tiếp, quay phim có thể bị chao máy, sai nét (out focus) do phản xạ chậm, khung hình không chuẩn, đạo diễn hình có thể nhầm hoặc vấp… nhưng điều quan trọng là chúng ta mang đến cho khán giả những gì thật nhất, gần gũi nhất, sinh động nhất của sự kiện hay cuộc sống. Mà muốn thế người dẫn chương trình phải là người thể hiện thật cảm xúc, suy nghĩ của mình, thể hiện thật bản thân mình. Mà cảm xúc thật nhất phải là cảm xúc đến với người dẫn chương trình trong lúc sự kiện đang diễn ra.
MC các chương trình trực tiếp có khi không phải là người “nhà đài” mà là các nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn ở các lĩnh vực khác. Trong ảnh là nhà báo quân đội Phan Tùng Sơn, anh là một người làm nghề dẫn chương trình như hoạt động tay trái.
Cảm xúc của người dẫn chương trình không thể - và chắc chắn là không thể là cảm xúc được ta tưởng tuợng ra và viết sẵn ra giấy dù trình độ… kịch của người dẫn cao đến mấy. Chắc quý vị và các bạn cũn đồng ý với chúng tôi ở điểm này. Thế nên, dễ nhận thấy một điều là tất cả những người dẫn chương trình đều nói dễ nghe nhất, khi họ nhìn thẳng vào máy quay, nhìn thẳng vào khán giả chứ không phải lúc họ chăm chăm nhìn vào mảnh giấy cầm trên tay hay đặt trên bàn. Và vì thế người dẫn chương trình thành công chính là người thoát được ra khỏi kịch bản viết sẵn.
Cũng cần nói thêm là, điều này chỉ có thể thực hiện được khi người dẫn chương trình chính là biên tập kịch bản hoặc người dẫn đã có thời gian đọc và tìm hiểu kỹ càng về vấn đề mà mình sẽ đề cập trong chương trình.
Những thông tin không thể nhầm lẫn, ví dụ như tên khách mời và số điện thoại để giao lưu, chúng ta cần phải ghi ra giấy. Nhưng kịch bản được viết sẵn và hệ thống câu hỏi, chúng ta nên “để sang một bên”. Khi không phụ thuộc vào kịch bản, người dẫn phải chú ý lắng nghe và tập trung cao độ để làm chủ chương trình, thế nên chương trình nói chung cũng như lời dẫn nói riêng chặt chẽ hợp lý và có hồn hơn.
Có rất nhiều điều để bàn về họat động dẫn chương trình, nhất là dẫn trong chương trình trực tiếp. Nhưng mọi kinh nghiệm đều không có giá trị khi người làm truyền hình không thực hành nhiều. Dẫn chương trình trực tiếp - nhất là những chương trình chính luận - bao giờ cũng có rủi ro tiềm ẩn, nhưng các MC tập trung nắm vững kịch bản và tình huống, sẽ xử lý được các tình huống.
Cù Thị Thanh Huyền