(HTV) - Khám phá nét độc đáo trong Tết cổ truyền của người Mông - Mù Cang Chải, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa Tây Bắc. Từ bánh dày cúng gia tiên, mổ lợn, đến lễ đón năm mới, tất cả tạo nên một bức tranh Tết đầy màu sắc.
Trong ánh nắng đầu Xuân ngọt ngào đã phần nào xua đi cái lạnh vùng cao, mọi người đang cùng nhau sửa soạn để chuẩn bị đón một cái Tết sum vầy.
Mọi người hăng say cùng nhau chăm chỉ làm việc, hy vọng tạo nên một cái Tết tràn đầy niềm vui và ấm áp. Những công việc chuẩn bị cho ngày Tết nơi đây không chỉ phong phú mà còn thể hiện đậm nét văn hóa miền Tây Bắc, pha trộn hài hòa với bản sắc "Tết cổ truyền" của dân tộc ta. Đây là những hoạt động độc đáo, tôn vinh và giữ gìn vẻ đẹp truyền thống đặc sắc của Việt Nam.
Tết cổ truyền của người Mông - Mâm cỗ Tết đặc biệt ở bản Mù Cang Chải
Họ khởi đầu chuỗi công việc chuẩn bị từ ngày 26 và kéo dài đến ngày 30 tháng Chạp. Từ việc mổ lợn, làm bánh dày, đến việc tổ chức các buổi lễ thờ cúng, hy vọng cho một năm mới tràn đầy những điều tốt lành. Đến ngày 30, bước ngoặt quan trọng, họ sẽ tổ chức lễ Tết để khép lại chuỗi ngày chuẩn bị và chào đón một tương lai an lành.
Người Mông - Mù Cang Chải làm việc và chuẩn bị cho ngày Tết
Trong ngày Tết, ngoài rượu, thịt, thì bánh dày là thứ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của gia đình người Mông. Người Mông quan niệm bánh dày tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời; là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài, là biểu tượng sức mạnh của dân tộc.
Trước khi mặt trời lặn của ngày cuối năm, chủ nhà sẽ thực hiện lễ đón năm mới.
Bữa ăn ngày Tết của gia đình người Mông
Trước kia, sau khi mùa vụ đã thu hoạch xong, người Mông ở Mù Cang Chải sẽ ăn Tết (thường sớm hơn Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng). Gần chục năm nay, người Mông ở Mù Cang Chải đã cùng "ăn chung một Tết" với nhân dân cả nước.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ về quá trình hỗ trợ người dân Huyện Mù Cang Chải duy trì bản sắc dân tộc ngày Tết
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chia sẻ: ''Chúng tôi thực hiện từ năm 2012, mất khoảng 2 năm đầu bà con còn tư tưởng dao động. Đến nay thì toàn bộ người dân trên địa bàn huyện rất phấn khởi trong việc này. Việc duy trì bản sắc văn hóa của bà con được chúng tôi làm hồ sơ đề nghị nâng tầm lên thành di sản cho nên bà con rất vui và phấn khởi''.
Đồng bào dân tộc Tây Bắc hòa mình vào không khí rộn ràng của Tết Nguyên đán
Người Mông nói riêng, đồng bào dân tộc Tây Bắc nói chung, hòa vào không khí rộn ràng của Tết Nguyên đán, thể hiện tình đoàn kết các dân tộc vô cùng ý nghĩa. Điều này thể hiện rõ sự sum vầy, chia sẻ, yêu thương trong Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9