Trong dòng chảy hơn 65 năm của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, nhiều thế hệ diễn viên đã góp phần làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng vừa mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật vừa để lại ấn tượng trong lòng công chúng.
Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang thời trẻ
NSND Trà Giang: Dành trọn thời thanh xuân
Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên của nền Ðiện ảnh Cách mạng Việt Nam. Tài năng và thời thanh xuân của bà được dành trọn vẹn cho nhiều bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng thuộc hàng kinh điển được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. Năm 1962, vừa tròn 20 tuổi, Trà Giang được đạo diễn Phạm Kỳ Nam (người đã làm Chung một dòng sông - bộ phim truyện đầu tiên của Ðiện ảnh Cách mạng Việt Nam) chọn vào vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên.
Năm sau, Chị Tư Hậu ra mắt, hình ảnh một người phụ nữ miền Nam thời kháng chiến chống Pháp sau những mất mát khổ đau đã kiên cường đứng lên chống áp bức, giành quyền sống qua diễn xuất của Trà Giang đã làm rung động triệu trái tim khán giả đương thời, và nhiều thế hệ khán giả sau này khi xem bộ phim chiếu lại vào các dịp lễ của đất nước. Thành công của vai diễn đã mang về cho Trà Giang giải Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Matxcơva 1963.
Poster phim “Chị Tư Hậu”
Ðến năm 1972, Trà Giang tiếp tục có vai diễn để đời là chị Dịu - người phụ nữ có chồng đi tập kết, vừa chăm sóc gia đình vừa công tác bí mật ở vùng tạm chiếm trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Bộ phim được giải thưởng của Hội đồng Hòa bình Thế giới tại Liên hoan phim Quốc tế Matxcơva 1973 và Trà Giang được giải Nữ diễn viên xuất sắc. NSND Trà Giang còn đóng các phim đề tài chiến tranh cách mạng nổi tiếng khác: Ngày lễ thánh, Huyền thoại về người mẹ, Dòng sông hoa trắng, Em bé Hà Nội…
NSƯT Thùy Liên: Sáu Linh của “Mùa gió chướng”
Năm 1977 đánh dấu cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của NSƯT Thùy Liên, khi được mời đóng vai chính (cán bộ, du kích) của ba bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng: Mùa gió chướng (đạo diễn Hồng Sến), Tình đất Củ Chi (đạo diễn Mai Lộc), Chiều sâu lòng đất (đạo diễn Khương Mễ). Hồi ấy thời gian quay kéo dài 6-8 tháng/phim, mà lại là phim truyện nhựa có bối cảnh chiến tranh nên điều kiện làm phim, đóng phim rất cực.
Nghệ sĩ ưu tú Thùy Liên thời trẻ
Khi quay Mùa gió chướng, đoàn làm phim kéo quân về vùng Ðồng Tháp Mười vào mùa nước nổi. Không sử dụng kỹ xảo nên trong Mùa gió chướng, những cảnh bom đạn, xe tăng, máy bay đều được dàn dựng đúng tinh thần của một thời khói lửa đầy ác liệt. Việc sử dụng vũ khí thật là một thách thức lớn đối với đoàn làm phim và diễn viên, trong khi yêu cầu chỉ được quay đúng một đoạn cảnh nên nguy hiểm luôn rình rập.
Thùy Liên vai Sáu Linh trong phim “Mùa gió chướng”
Thùy Liên đã được “đền bù” bằng giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc với vai Sáu Linh trong Mùa gió chướng và Bảy Hạnh trong Tình đất Củ Chi trong Liên hoan phim Việt Nam 1980. Dù sau này, Thùy Liên còn đóng nhiều bộ phim khác, nhưng khán giả nhiều thế hệ vẫn nhớ đến Sáu Linh, cứ nói đến “Sáu Linh” là nhớ ra NSƯT Thùy Liên.
NSƯT Thanh Loan: Dấu ấn của vai diễn để đời
Năm 1983, Thanh Loan được chọn vào vai Huyền Trang - một nữ biệt động phải khoác áo tu để hoạt động bí mật trong lòng địch - trong seri phim Biệt động Sài Gòn. Dù được nhận xét là có vẻ đẹp bề ngoài thánh thiện của người tu hành, mà nội tâm có sự cứng cỏi của một chiến sĩ biệt động thành, nhưng để đóng vai Huyền Trang, Thanh Loan đã vào chùa học cách tụng kinh, cách ăn mặc, cách đi khất thực của nhà sư. Chị còn “hy sinh” mái tóc dài của mình, và sau này đã tạo nên “mốt” tóc tém khi phim công chiếu.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan thời trẻ
Bên cạnh diễn xuất nội tâm rất nặng về tâm lý, Thanh Loan còn phải chịu không ít vất vả trong quá trình quay phim, như Huyền Trang đi khất thực bằng chân trần dưới cái nắng 38 độ trên mặt đường nhựa nóng rẫy, hay những lúc rảo bước dưới trời mưa xối xả được đoàn phim sử dụng đến 4 chiếc xe cứu hỏa phun nước. Biệt động Sài Gòn (1983-1986) khi công chiếu đã tạo nên “cơn sốt” khán giả trên toàn quốc. Hình ảnh ni cô Huyền Trang đã in dấu trong hàng triệu trái tim người xem, như một biểu tượng vĩnh cửu, đại diện cái đẹp thánh thiện, kiên cường của thời chiến.
Poster phim “Biệt động Sài Gòn”
Từ đó đến tận bây giờ, mọi người vẫn quen gọi Thanh Loan bằng tên “ni cô Huyền Trang”. Rất nhiều năm sau đó, mỗi dịp 30/4, Biệt động Sài Gòn được chiếu lại trên nhiều kênh truyền hình và khán giả vẫn dành trọn tình cảm yêu mến cho Huyền Trang.
Đan Khanh