Tháng 10 – tháng của những yêu thương dành cho một nửa thế giới – những người phụ nữ xinh xắn, duyên dáng và giỏi giang. Đó cũng là một trong những chủ đề mang đến nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho giới văn nghệ sĩ.
Ca sĩ Thùy Trinh nồng nàn trong ca khúc “Em gái Làng Châu”
Với chủ đề “Người phụ nữ tôi thương” chương trình Sắc màu âm nhạc phát sóng lúc 15g20 ngày 26/10 trên HTV9 sẽ mang đến những ca khúc mới nhằm tôn vinh bóng hồng thân yêu trong tâm trí của người sáng tác. Trong đó ca khúc Em gái Làng Châu thể hiện hình ảnh của chính nhà thơ Đồng Thị Chúc và quê hương làng Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, được thổi hồn bằng giai điệu của nhạc sĩ Đoàn Bổng. Còn ca khúc Mãi mãi tình không xa là một bài thơ nói lên nỗi lòng của cá nhân mình là thầy giáo dạy tiếng Nhật Vũ Quang Luân được nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng đồng cảm phổ nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng: Ở đâu có tình yêu thì ở đó có hạnh phúc
Xin chào nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng. Xin nhạc sĩ cho biết, điều gì đồng cảm với ý thơ của thầy giáo Vũ Quang Luân để phổ nhạc cho ca khúc Mãi mãi tình không xa?
Tôi rất vui khi được tham gia chương trình Sắc màu âm nhạc chuyên giới thiệu ca khúc mới. Đây là một chương trình rất có ý nghĩa về nội dung cũng như hình thức để cho những người nhạc sĩ chúng tôi có cơ hội gửi tới khán giả những ca khúc mới qua sóng truyền hình.
Vũ Quang Luân là tác giả của bài thơ Nhớ em cũng lại là bạn của tôi. Ngoài đời cũng như trong thơ anh đã dành cho người vợ quá cố của mình một tình yêu vô cùng sâu nặng vì vậy, tôi đồng cảm với anh và đồng cảm với bài thơ nên đã phổ thành ca khúc Mãi mãi tình không xa.
Qua ca khúc Mãi mãi tình không xa, tôi mong muốn gửi đến người nghe cảm nhận được tình yêu thủy chung của người đàn ông đã dành cho người phụ nữ của mình, đồng thời muốn gửi thông điệp đến khán giả rằng: Ở đâu có hạnh phúc là ở đó có tình yêu, ở đâu có tình yêu thì ở đó có hạnh phúc.
Nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng rất có hứng thú phổ thơ của những người bạn hữu
Phạm Anh Tuấn được nhạc sĩ “chọn mặt gửi vàng” cho ca khúc mới của mình. Phải chăng là nhạc sĩ đã khám phá ra được sự độc đáo ở chàng ca sĩ bán chuyên này?
Phạm Anh Tuấn có một chất giọng sáng, đẹp và truyền cảm. Mãi mãi tình không xa được anh thể hiện ấm áp và xúc động. Tuy nhiên, nếu như có nhiều thời gian hơn nữa cho việc tập luyện, Phạm Tuấn Anh sẽ thể hiện được hết được sự mãnh liệt ca khúc này.
Thưa nhạc sĩ, ngoài “Mãi mãi tình không xa” thời gian này nhạc sĩ còn có những ca khúc mới nào cho ra mắt?
Ngoài Mãi mãi tình không xa, những năm vừa qua tôi tham gia viết khá nhiều ca khúc nhạc phim truyền hình, trong đó có thể kể các bộ phim, như: Ám ảnh xanh, Đại gia không chồng , Truy tìm kho báu, Tình người như dòng sông, Tình người xứ hoa, Đôi mắt âm dương... và 3 ca khúc phổ thơ chưa phát hành đó là Lạnh cõi hư vô (Thơ: Hồ Đắc Thu Thanh), Chiều muộn (Thơ: Bùi Phần Thảo), Mai em về trường sa (Thơ: Vũ Quỳnh). Hiện tôi đang chọn các giọng ca đẹp và phù hợp để thể hiện 3 ca khúc này và sẽ giới thiệu sớm đến với người yêu nhạc.
Ca sĩ Phạm Anh Tuấn ấm áp trong “Mãi mãi tình không xa”
Thưa nhạc sĩ, hiện nay làng nhạc Việt xuất hiện rất nhiều nhạc sĩ trẻ, điều này có gây khó khăn cho những nhạc sĩ cao niên như ông?
Âm nhạc là món ăn tinh thần phong phú và đa dạng. Trong đó nhạc thị trường là nhạc của giới trẻ, và niềm yêu thích được thay đổi theo cảm hứng từng ngày của các bạn. Khán giả trung và cao niên phần lớn yêu thích nhạc quê hương, trữ tình... Mỗi loại hình âm nhạc đều có khán giả riêng vì vậy điều này cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động hay nguồn cảm hứng của những người nhạc sĩ cao niên như chúng tôi.
Lối sáng tác của tôi là thiên về dòng nhạc quê hương và trữ tình, đó là phong cách riêng của mỗi nhạc sĩ. Trên thực tế hiện nay rất nhiều bạn trẻ yêu nhạc quê hương và dòng nhạc chính thống cho nên không cần điều chỉnh vì dòng nhạc nào cũng đều có khán giả riêng.
Nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng giao lưu trong chương trình “Sắc màu âm nhạc”
Sáng tác âm nhạc là sự cảm hứng và là phong cách của mỗi nhạc sĩ. Do đó mình cứ viết theo sở trường của mình. Thể loại nào mình viết hay thì đầu tư nhiều, thể loại nào đều cũng có công chúng yêu thích hơn nữa cảm xúc của nhạc sĩ trẻ khác với cảm xúc của nhạc sĩ có thâm niên tuổi nghề. Theo tôi nghĩ, mình không cần phải điều chỉnh phong cách sáng tác mà chỉ cần tác phẩm của mình có chất lượng thì sẽ đến đến được với trái tim người nghe.
Nhạc sĩ có những chia sẻ gì để đóng góp cho âm nhạc hiện đại ngày nay của nước nhà mang đậm bản sắc dân tộc và được sống bền bỉ với thời gian?
Nói đến ca khúc là nói đến giai điệu nói đến ca từ. Nếu như ca khúc có giai điệu hay, truyền cảm, ca từ đẹp xúc tích ý nghĩa thì ca khúc đó sẽ đi theo cùng năm tháng. Còn viết theo thị hiếu hay còn gọi là nhạc thị trường, thì thời gian sống cũng sẽ đi theo tỷ lệ thuận với việc viết nhanh.
Nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng bên cây đàn guitar
Mong muốn lớn nhất của nhạc sĩ hiện nay là gì?
Với tư cách là nhạc sĩ cao niên trong làng nghệ thuật âm nhạc nước nhà, mong muốn của tôi là phải có sự quan tâm nhiều hơn của các nhà quản lý về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc phát sóng trên các kênh truyền hình từ địa phương đến Trung ương đều cần phải chọn lọc và ưu tiên đến những chương trình hát ngợi ca quê hương đất nước để bảo tồn và phát triển nền văn hoá Việt Nam ngày càng hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc!
Xin cám ơn nhạc sĩ về những chia sẻ thú vị này. Chúc nhạc sĩ luôn dồi dào sức khỏe và ngày càng có nhiều nhạc phẩm hay để đời!
Á Quân