(HTV) - Với vai trò là thành phố lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM là địa phương đầu tiên công bố chương trình chuyển đổi số, hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Thế "kiềng 3 chân" gồm chính quyền số - kinh tế số - xã hội số đã được TP.HCM xây dựng và củng cố với từng đầu việc cụ thể.
Kết quả từ chuyển đổi số cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu của chủ đề năm 2023 là: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”.
Nhiều giải pháp phục vụ cho người dân tốt hơn
Hướng dẫn đường đi trong bệnh viện, lấy số thứ tự tự động, tích hợp CCCD tra cứu thẻ BHYT, sắp xếp thời gian khám, chờ đợi tại các phòng đang là những ứng dụng được triển khai rộng rãi tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tạo sự thuận tiện cho người dân.
“Lúc trước đến bệnh viện mình phải photo CMND, bảo hiểm, kiếm chỗ photo rất khó. Nhờ công nghệ vậy, thì rất tiện lợi cho người đến khám bệnh thuận tiện hơn, nhanh chóng, không mất thời gian chờ đợi", Chị Châu Thị Hữu, người dân huyện Củ Chi, TP.HCM đánh giá.
"Lúc mà lấy mẫu, xét nghiệm thì bác sĩ quét mã vạch, bác sĩ không có cần nhập bằng tay nữa. Việc này rất là nhanh, không có sai sót, tránh nhầm lẫn với bệnh nhân khác", chị Ngô Thanh Uyên, người dân TP. Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ.
Đặc biệt, bệnh án điện tử là bước tiến nổi bật của ngành y tế thành phố với 26/28 bệnh viện hạng 1 đã xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử.
Ví dụ như tại Bệnh viện Bình Dân, trước đây, mỗi bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện đều có 1 hồ sơ bệnh án giấy. Phòng bệnh có 4-8 bệnh nhân, điều dưỡng phải cầm 4-8 hồ sơ. Tuy nhiên, từ khi áp dụng bệnh án điện tử, tình hình sức khỏe của bệnh nhân, các chỉ định điều trị điều được cập nhật trên 1 máy tính.
“1 phiếu thực hiện y lệnh, 1 phiếu chăm sóc, 1 phiếu thực hiện chức năng sống, 1 phiếu công khai, 1 sổ y lệnh thì bây giờ chỉ gom lại thành 1 phiếu . Trước kia, điều dưỡng viết tay, 1 bệnh nhân mất khoảng 15 phút, giờ chỉ khoảng 5 phút. Thứ hai, chúng tôi tránh được sự nhầm lẫn, trước viết tay khi bác sĩ cho y lệnh trong hồ sơ thì điều dưỡng phải sao chép ra sổ, còn bây giờ qua điện tử khi bác sĩ cho qua phiếu điều trị, điều dưỡng không phải ghi chép lại nữa, tránh sai sót”, Thạc sĩ Võ Thuận Anh, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Bình Dân cho biết.
Bác sĩ CKII. Trần Minh Hiếu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bình Dân cho biết, có thể theo dõi sức khỏe của bệnh nhân dù bất kỳ đâu, chỉ cần có thiết bị thông minh. "Chúng tôi có thể đi xuống giường bệnh, lên phòng làm việc, về nhà chúng tôi cũng có thể theo dõi diễn tiến bệnh của bệnh nhân, chỉ định cho được điều dưỡng và bác sĩ thường trực cấp cứu. Từ bệnh án điện tử này chúng tôi có thể xem hàng loạt hình ảnh cận lâm sàng, xét nghiệm. Thậm chí là có thể xem ở các bệnh viện khác, giúp bác sĩ, điều dưỡng sát sao với tình hình bệnh của bệnh nhân đem lại lợi ích cho bệnh nhân rất là nhiều", bác sĩ Trần Minh Hiếu chia sẻ.
Còn tại Khu công viên phần mềm Quang trung - QTSC, 40 giải pháp trong quản trị điều hành, cung cấp dịch vụ cho khách hàng đã được áp dụng và tích hợp trên cùng 1 nền tảng. Thực hiện chuyển đổi số giúp QTSC giảm 35% chi phí tiêu thụ điện năng, 10-15% nhân sự vận hành, 30% chi phí lưu trữ, tinh dọn quy trình, hoàn thiện chất lượng dịch vụ.
Ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ TMA đánh giá: “Những khu phần mềm tập trung như Khu công viên phần mềm Quang Trung đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, vượt qua khó khăn, từ doanh nghiệp phần mềm chỉ có 6 kỹ sư đến nay đã có trên 4000 kỹ sư, chi nhánh ở 7 nước và khách hàng ở 30 nước".
QTSC đã cung cấp cho thành phố hệ trống vận hành đầu số 1022 , cung cấp máy chủ phục vụ 78 sở, ban, ngành, 22 quận/huyện và TP. Thủ Đức để triển khai các hệ thống ứng dụng. Với hệ sinh thái doanh nghiệp ICT, nền tảng về giải pháp, hạ tầng, cơ sở dữ liệu, đây cũng là nơi được thành phố lựa chọn để thành lập Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số thành phố (DXCenter).
“DXCenter tập hợp tất cả chuyên gia, giải pháp, bài toán để giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho người dân, chính quyền, doanh nghiệp. DXCenter được ví như hạt nhân, chất xúc tác cho hệ sinh thái chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn", Ông Phan Phương Tùng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) cho biết.
Tháo gỡ khó khăn để chuyển đổi số lan tỏa sâu rộng, hiệu quả
Dù đã có những kết quả bước đầu, song hoạt động chuyển đổi số hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế đối với kinh phí đầu tư cho cả phần cứng lẫn phần mềm, kho dữ liệu dùng chung, nhận thức số cho người dân, doanh nghiệp, năng lực số của cán bộ, nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin….
Sau đây là những đề xuất của các đơn vị đang triển khai chuyển đổi số ở các lĩnh vực:
"Đến thời điểm này, công tác khám bệnh từ xa qua hệ thống chưa được BHYT thanh toán chi phí cho người bệnh. Đề xuất Sở Y tế và Thành phố can thiệp để bảo hiểm chi trả cho bệnh nhân. Đồng thời, đề xuất nhân rộng mô hình khám qua các phường trên địa bàn quận và thành phố. Hiện nay, Trung tâm y tế Quận Gò Vấp làm 5 điểm thì được miễn phí nhưng trên 10 điểm thì phải trả phí. Chúng tôi đề xuất Thành phố hỗ trợ phần phí này".
"Trước nay, bệnh viện đầu tư mà không đồng bộ, xài đến đâu đầu tư đến đó. Những đầu tư dựa vào quỹ của bệnh viện. Bệnh viện mong muốn có sự đầu tư lớn hơn, đồng bộ hơn để xây dựng hệ thống chuẩn mực, rộng mở hơn. Nếu các bệnh viện có nguồn quỹ vận động phát triển hoạt động sự nghiệp thì xin cơ chế để cho đầu tư, còn những bệnh viện không có thì xin từ ngân sách Thành phố để tất cả các bệnh viện đầu tư, phát triển và kết nối".
“Hiện nay có nhiều ứng dụng, nhiều phần mềm, nếu các trường tự triển khai thì không đồng bộ, nhiều khi như vầy thành ra lãng phí. Nếu mà đầu tư tập trung vào phần mềm chung thì giảm lãng phí. Bên cạnh đó, các trường cũng gặp khó về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất. Hiện trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu đầu tư bằng xã hội hóa, kinh phí cũng giới hạn. Do đó, đề xuất có ngân sách cấp cho các cơ sở để trang bị hạ tầng, hoặc chính sách, chế độ miễn giảm, ưu tiên để các cơ sở giáo dục thuận tiện trong chuyển đổi số".
“Các Doanh nghiệp mong muốn Thành phố có thêm nhiều khu phần mềm tập trung, khu công nghệ cao để giúp thu hút đầu tư, giảm chi phí để mở rộng sản xuất kinh doanh”.
“Nguồn lực của các doanh nghiệp CNTT rất hạn hẹp, đa phần sử dụng nguồn tài chính của bản thân vì không có tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp mong muốn làm sao Thành phố có cơ chế giúp doanh nghiệp CNTT tiếp cận được các hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, thông thường các dự án của chính quyền như chính quyền số hầu hết nhắm vào doanh nghiệp lớn, điều đó phần nào làm cho mất ý chí phát triển, ý chí đầu tư của doanh nghiệp cổ phần, vốn tư nhân, do đó chúng tôi mong sao có giải pháp giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận một cách công bằng hơn các dự án của chính quyền”.
“Cần có chính sách, cơ chế làm sao hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp CNTT, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, cần có cơ chế để kết nối nhu cầu các sở ngành, quận huyện với các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn TP, để làm sao các sở ngành, quận huyện có được những giải pháp tốt nhất từ chính các doanh nghiệp của TP để thực hiện chuyển đổi số".