TP.HCM: Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98 của Quốc hội

UBND TPHCM đã ban hành Quyết định về mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình công tác năm 2024.

Theo đó, chủ đề công tác năm 2024: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.

Mục tiêu tổng quát: Tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Cải cách hành chính, chuyển đổi số, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số; nâng cao chất lượng, công tác quản lý và triển khai quy hoạch; đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn lực xã hội; phát triển công nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; tăng cường đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

1. Chỉ tiêu về kinh tế:

(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP): từ 7,5 - 8%.

(2) Hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước.

(3) Phấn đấu tổng thu du lịch đạt trên 190 nghìn tỷ đồng; khách quốc tế đến Thành phố đạt khoảng 6 triệu lượt.

(4) 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ Thành phố đến cấp huyện và phường, xã, thị trấn.

(5) Trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.

2. Chỉ tiêu về xã hội:

(6) Mỗi người dân TPHCM được hỗ trợ hướng dẫn tập luyện miễn phí chương trình cơ bản ít nhất 1 môn thể dục thể thao, 1 loại hình nghệ thuật; được miễn phí vào tham quan các bảo tàng công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, được miễn phí xem các chương trình nghệ thuật do các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức nhân các ngày kỷ niệm, sự kiện của Thành phố và đất nước.

(7) Phấn đấu đạt 296 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học từ 3 đến 18 tuổi. Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường.

(8) Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt từ 87% trong tổng số lao động đang làm việc; tạo việc làm mới là 140.000 chỗ.

(9) Phấn đấu đưa vào hoạt động 3 bệnh viện cửa ngõ (Bệnh viện đa khoa: khu vực Thủ Đức, khu vực Hóc Môn và khu vực Củ Chi).

3. Chỉ tiêu về đô thị:

(10) Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,44%.

(11) Mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn Thành phố đạt 2,44 km/km2.

(12) Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới 8 triệu m2.

(13) Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 22,06 m2/người.

4. Chỉ tiêu về cải cách hành chính:

(14) Phấn đấu 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố.

(15) Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt trên 95%.

5. Chỉ tiêu về quốc phòng, an ninh:

(16) Hoàn thành 100% Chỉ tiêu giao quân năm 2024 (3.950 thanh niên).

(17) Kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông so với năm 2023.

(18) Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và kéo giảm số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng so với năm 2023.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu


Để có thể hoàn thành các chỉ tiêu nêu trên, UBND TP đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

(1) Quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ; sự lãnh đạo của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND TP. Tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 4 Chương trình phát triển TP và các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. Xác định một số chương trình, đề án quan trọng, cần tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả. Nghiên cứu, cập nhật, điều chỉnh nội dung một số đề án, chương trình đã ban hành phù hợp với các Nghị quyết mới của Trung ương liên quan đến Thành phố; định kỳ đánh giá, sơ kết, tăng cường theo dõi, rà soát tiến độ, hiệu quả từng đề án, chương trình.

(2) Giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, gắn với thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng hoàn thiện các quy định triển khai cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị quyết trình HĐND TP đảm bảo tiến độ, chất lượng; tăng cường công tác theo dõi, thi hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị quyết của HĐND TP theo Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 14/2/2023 của Chủ tịch UBND TP về tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(3) Phát huy hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP trong tổ chức thực hiện Chính quyền đô thị, thu hút đầu tư, công tác lập quy hoạch, liên kết vùng, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Phối hợp chặt chẽ giữa các Ban chỉ đạo 850 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 1519 của Ban Thường vụ Thành ủy, các tổ công tác, Hội đồng tư vấn. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược của TP. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng Nghị định của Chính phủ về phân cấp, ủy quyền cho TP. Chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn TP, gắn với liên kết phát triển vùng. Thực hiện đảm bảo tiến độ việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng Đề án vị trí việc làm trên địa bàn TP theo quy định.

(4) Tập trung thực hiện đồng bộ nhất quán công tác chuyển đổi số trên 3 trụ cột: chính quyền số, xã hội số và công dân số, trong đó xác định chính quyền số là nền tảng, trọng tâm. Xây dựng chính quyền số một cách đồng bộ thống nhất. Đẩy mạnh công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu theo chiến lược quản trị dữ liệu của TP. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin từ TP đến phường, xã, thị trấn. Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Phấn đấu đóng góp của kinh tế số trong GRDP TP đạt 22%, hướng đến xây dựng Thành phố thông minh.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Xây dựng Chương trình về cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Thực hiện các giải pháp đột phá phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, chuyển đổi số quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ, sàn giao dịch công nghệ TP. Phấn đấu nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%; Đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân 1%/GRDP.

(5) Thúc đẩy các động lực tăng trưởng: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, trong đó xác định trọng tâm là kích cầu tiêu dùng, thu hút khách du lịch; phát huy nguồn lực đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao; phát triển xuất nhập khẩu gắn với quy hoạch các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp chủ lực của TP. Thu hút vốn FDI gắn với phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, các dự án đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đột phá về thu hút đầu tư nước ngoài. Phấn đấu tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP. Chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn…; các ngành, sản phẩm công nghiệp trọng điểm. Phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.

(6) Phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Hoàn thành, triển khai Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060. Tiến hành các thủ tục về chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu trên địa bàn TP. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện giảm phát thải ròng bằng không. Phấn đấu diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,56 m2/người; duy trì tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 100%. Tiếp tục duy trì tỷ lệ xử lý chất thải y tế đạt 100% và xử lý nước thải công nghiệp đạt 100%.

(7) Chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội. Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật tạo điểm nhấn đặc trưng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đời sống người dân Thành phố. Ưu tiên đầu tư xây dựng và cải tạo trường học, đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng 4.500 phòng học. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, gia tăng thu nhập cho người lao động.

Củng cố năng lực hệ thống y tế hướng đến nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe; giải quyết triệt để vướng mắc trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế; thực hiện hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng; tiếp tục triển khai, mở rộng Chương trình chăm sóc sức khỏe người dân. Phấn đấu đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân; tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,43 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

(8) Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đối ngoại. Tiếp tục triển khai tổ chức Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 theo hướng vừa phát triển theo tiêu chuẩn Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Tổ chức Đối thoại Hữu nghị TPHCM (FD) lần thứ 2 năm 2024. Tăng cường hợp tác, đưa quan hệ với các thành phố hữu nghị, các địa phương thuộc các nước đối tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, thực chất. Đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài; thu hút phát huy nguồn lực kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước và Thành phố. Kết hợp hiệu quả nguồn lực bên ngoài, nguồn lực kiều bào với nguồn lực bên trong, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển TP.

(9) Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Phát huy vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 138 Thành phố. Triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm; cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp phòng cháy chữa cháy, trong đó tập trung đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại, chung cư, nhà cao tầng. Kéo giảm phạm pháp hình sự so với năm 2023.

Sỹ Thành ( Theo VP UBND TP.HCM)