Câu chuyện truyền thông

Ảnh tự sướng và chuyện thể hiện bản thân

Ngày 25/10/2018, thi thể đôi tình nhân Ấn Độ Vishnu Viswanath và Meenakshi Moorthy được các nhân viên Vườn quốc gia Yosemite, một điểm du lịch nổi tiếng ở Mỹ, tìm thấy. Họ đã ngã từ độ cao 245m tại Taft Point khi đang cùng nhau chụp một bức ảnh tự sướng.

Đây không phải là lần đầu tiên, những tai nạn đau lòng xảy ra mà nguyên nhân là do chụp ảnh tự sướng mạo hiểm. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí “Thuốc gia đình và chăm sóc sức khỏe”, trong vòng 6 năm qua, trên toàn thế giới, có đến 278 trường hợp tử vong vì chụp ảnh tự sướng.


Đôi tình nhân đam mê du lịch mạo hiểm Viswanath và Moorthy trước khi xảy ra tai nạn (ảnh Skynews)

Nhu cầu thể hiện bản thân 

Không biết ai là người đầu tiên chuyển nghĩa từ tiếng Anh “selfie” ra tiếng Việt là “tự sướng” nhưng quả thật, đó là cách dịch khá phù hợp. Selfie vừa mang nét nghĩa danh từ, vừa mang nét nghĩa động từ. Với danh từ, đó là “ảnh tự sướng” hay “ảnh tự chụp”. Với động từ, đó là “chụp ảnh tự sướng” hay “tự chụp ảnh cho mình”. Hiện nay, khái niệm này còn có nhiều nghĩa phát sinh. Nhưng về cơ bản, “tự sướng” hoặc “chụp ảnh tự sướng” thường được dùng để diễn tả hành vi tự chụp ảnh cho bản thân mình (thường được thực hiện bằng điện thoại thông minh hoặc webcam của các thiết bị điện tử), sau đó được xuất bản lên mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram…

Truyền thông xã hội ra đời giúp cá nhân có một kênh thể hiện mình dưới các hình thức thông điệp đa phương tiện. Đầu tiên, các dạng webblog như những nhật ký điện tử, nhưng về sau, khi mạng xã hội ra đời, các thành viên dùng nó như một nơi để… làm báo. Thậm chí có người còn gọi đó là “báo chí công dân”. 

Mạng xã hội là kênh truyền thông dễ dàng các nhu cầu thông tin cá nhân: chia sẻ, bàn luận mọi chuyện và thể hiện bản thân mình. Thực ra, ai trong chúng ta cũng có nhu cầu thể hiện cá nhân mình tùy mức độ: khoe chồng, khoe con, khoe ăn ngon mặc đẹp, khoe đi du lịch, khoe thành đạt v.v… cũng là chuyện hết sức bình thường. Người ta có thể “khoe” bằng những bài viết, những câu thơ và những tấm ảnh, video clip, nhất là khi các dạng smartphone cho ra đời các loại ống kính selfie kèm gậy tự sướng. Ảnh tự sướng là nhu cầu bình thường, nhưng, sẽ rất bất thường nếu người dùng nó để thỏa mãn một thứ tâm lý tái tạo hình ảnh bản thân quá đà!


Chụp ảnh tự sướng trước tượng tự sướng

Hội chứng nghiện ảnh tự sướng

Có không ít người dùng mạng xã hội để ngắm vuốt, trình diễn bản thân và do chưa đủ bản lĩnh, họ bị ngộ nhận trước những tiếng vỗ tay bầy đàn trên mạng dẫn đến nhiều biểu hiện không tốt.

Biểu hiện phổ biến cần uốn nắn là quá mê ảnh tự sướng đến mức dành nhiều thời gian để tự chụp cho đạt một bức ảnh đẹp nhất nhằm kiếm nhiều… like, nhiều lời tán dương, khen ngợi trên mạng! Nghiện tự sướng nên họ có thể “selfie” bất cứ đâu: trong cơ quan, phòng học, ở nhà hàng, giữa bữa ăn, thậm chí là ở trong nhà thờ, trong chùa, trước một linh cửa, một tai nạn, một vụ cháy... 

Đã có nhiều bức ảnh tự sướng thành vô cảm bị cộng đồng mạng lên án. Ví dụ: vô tâm selfie trước bối cảnh người bị nạn cần cấp cứu, selfie tươi tỉnh trước cảnh thân nhân người quá cố đang khóc trong đám tang…

Xuất phát từ nhu cầu PR cá nhân, ảnh tự sướng là thông điệp mà nhân vật trong ảnh thể hiện sự khẳng định cái tôi với cộng đồng. Từ góc độc tâm lý ấy, nhiều hình ảnh tự sướng được chụp với yêu cầu: phải hết sức là ấn tượng, phải độc đáo. Những người trẻ tuổi tràn đầy năng lượng, muốn bứt phá có khi sẵn sàng làm chuyện điên rồ vì tiếng vỗ tay bầy đàn trên mạng! Và vì thế đã xuất hiện rất nhiều tấm ảnh tự sướng được chụp trong những khoảnh khắc khá nguy hiểm. Ví dụ: ghi lại thời khắc mình bị truy đuổi trong sự tức giận, điên cuồng trong suốt một cuộc đua bò; ghi lại những vị trí cao ngất ngưỡng và nguy hiểm mà mình chinh phục được; ghi lại khoảnh khắc đứng tim khi mình làm một việc mạo hiểm như chạy xe trên cung đường tử thần v.v….

Tất nhiên, những hiện tượng nghiện ảnh tự sướng kiểu mạo hiểm như trên không phải phổ biến (Có người còn cho rằng, đó là dấu hiệu của một kiểu bệnh tâm thần. Mượn ảnh tự sướng để thử nghiệm những thay đổi của bản thân: “diễn” vai mới, diễn những tính cách, hình ảnh khác, hay hình ảnh mơ ước của bản thân). 


Các phần mềm ứng dụng và thiết bị ngoại vi giờ đây cũng hỗ trợ cho hoạt động chụp ảnh tự sướng

Nhưng hiện tượng mê ảnh tự sướng và dựa vào các chức năng chỉnh sửa ảnh của các ứng dụng để tạo ảo tưởng về bản thân là biểu hiện không ít thành viên cộng đồng mạng hiện nay. Hãy sớm tỉnh táo trước những lời tán dương, khen ngợi “ngoại giao” của bạn bè. Hãy dành nhiều thời gian cho giao tiếp thật và các sinh hoạt cộng đồng để giảm bớt những phút “ảo” bằng ảnh tự sướng. Đó mới chính là cách dùng mạng xã hội hiệu quả.
Phú Trang