Câu chuyện truyền thông

Bản quyền âm nhạc và câu chuyện thể diện quốc gia

Câu chuyện ca sĩ Noo Phước Thịnh bị Công ty Epic Elite - công ty đã mua độc quyền ca khúc "The way" của nhạc sĩ Zack Hemsey - kiện vi phạm bản quyền thời gian qua cũng gây chấn động giới truyền thông.

Zack Hemsey - Noo Phước Thịnh

Vì lâu nay, các vụ việc tương tự đều được dàn xếp ngoài tòa án. Vụ việc này không mới nhưng vẫn là bài học rất mới cho giới sáng tác ở nước ta.

Đơn kiện của Công ty Epic Elite gửi đến Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi của ca sĩ Noo Phước Thịnh từ thời điểm 6 phút 5 giây đến 7 phút 30 giây có sử dụng một đoạn nhạc trong tác phẩm The way để làm nền cho phân cảnh tai nạn xe hơi của các diễn viên mà chưa xin phép tác giả hoặc quyền sở hữu tác phẩm. 

Thông tin từ báo chí cũng cho biết thêm, nhạc sĩ Zack Hemsey – tác giả ca khúc The way - đã phát hiện MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi của ca sĩ Noo Phước Thịnh xâm phạm bản quyền tác phẩm của ông từ tháng 10/2017, khi nó đã đạt mức 30 triệu view trên YouTube và có nhiều bản sao phát sinh từ clip này ở khá nhiều trang trên mạng internet. 


Bìa MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi"

Trong đơn kiện, phía Công ty Epic Elite yêu cầu ca sĩ Noo Phước Thịnh chấm dứt ngay và xóa vĩnh viễn MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi có sử dụng tác phẩm The way (bản ghi âm) khỏi tất cả các phương tiện lưu trữ, các trang mạng và bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận; bồi thường thiệt hại về vật chất 500 triệu đồng; bồi thường thiệt hại tinh thần 50 triệu đồng; thanh toán chi phí thuê luật sư 300 triệu đồng; công khai xin lỗi nhạc sĩ Zack Hemsey trên một vài phương tiện truyền thông.

Ngay sau khi chuyện rắc rối xảy ra, ca sĩ Noo Phước Thịnh đã xóa clip Chạm khẽ tim anh một chút thôi trên Youtube, chấp nhận mất 30 triệu lượt view để cắt bỏ phần nhạc nền dính bản quyền. Nhưng thực tế, clip gốc ấy vẫn không xóa hoàn toàn trên không gian mạng do tính chất chia sẻ nhanh và không kiểm soát của môi trường internet.


Hình Ảnh lãng mạn trong MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi"

Câu chuyện của ca sĩ Noo Phước Thịnh lại một lần nữa đặt ra vấn đề “đạo nhạc”, đạo sáng tác văn học nghệ thuật ở nước ta trong giai đoạn hội nhập. Trước đó, công chúng cũng từng biết đến nhiều vụ kiện tương tự tuy không nặng nề như trường hợp nhạc sĩ Bảo Chấn với ca khúc Tình thôi xót xa dựa theo giai điệu của bản hòa tấu Frontier, ca sĩ Sơn Tùng MTP có ca khúc Cơn mưa ngang qua giống với Sarangi Mareul Deutjianha của nhóm nhạc Namolla Family tại Hàn Quốc, Nắng ấm xa dần là bản sao của ca khúc Monologue, hay Chắc ai đó sẽ về lấy giai điệu tiết tấu của Because I Miss You (Jung Yong Hwa - CN Blue), Em của ngày hôm qua đạo Every night của EXID... ; hoặc ca sĩ Bảo Anh với bài hát Ai khóc nỗi đau này dính nghi án đạo Bài hát của em, sáng tác Trang, từng được thể hiện bởi ca sĩ Uyên Linh v.v…

Thời truyền thông trực tuyến, ai cũng có cơ hội tiếp cận nhiều sản phẩm nghệ thuật thế giới trên mạng, chuyện sao chép, đạo văn được “chắp cánh” nhờ quá nhiều công cụ tin học. Tình trạng ăn cắp ý tưởng hay nguyên văn một luận văn cao học, luận án tiến sĩ vẫn còn xảy ra. Tất nhiên, hiện nay, đã có nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng này như các phần mềm nhận dạng đạo văn hay các robot dò âm nhạc vướng bản quyền trên Youtube hay Facebook…


Nhạc sĩ Zack Hemsey

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng kể một câu chuyện vui. Chính quyền Sài Gòn xưa có tổ chức một giải văn học quốc gia, trong số các bản thảo gửi đến có một bản nghiên cứu về văn học Nam Bộ thế kỷ XIX được Ban giám khảo đánh giá cao. Giải thưởng sắp công bố thì bị một số nhà báo di cư đã từng đọc công trình này trước đây phát hiện ra đây vốn là công trình của học giả Ca Văn Thỉnh (lúc đó lấy tên khác). Tất nhiên, người dự thi làm gì có mặt và nếu giải thưởng được công bố thì bộ máy văn hóa của chính quyền Sài Gòn sẽ bẻ mặt. 

Trường hợp khác, vào những năm 1960, một nhà xuất bản phát hành quyển sách Người Việt cao quý của “Pazzi” - một nhà văn Ý - do Hồng Cúc “dịch”. Quyển sách được hoan nghênh nhiệt liệt, phải tái bản nhiều lần. Nhưng thực tế, đâu có nhà văn “Pazzi” nào và cũng chẳng có quyển Người Việt cao quý nào bằng tiếng Ý, luôn cả cô Hồng Cúc cũng chẳng có nốt. Đó là việc làm của nhà văn Vũ Hạnh, là tác phẩm của Vũ Hạnh. Một cuộc đấu tranh văn hoá công khai cho đến ngày đất nước giải phóng hoàn toàn, sự thật mới được làm rõ. Nghĩa là, có hành động với động cơ lành mạnh. 


Nhà văn Vũ Hạnh thời trẻ

Trở lại chuyện “đạo nhạc”, những câu chuyện tai tiếng lâu nay do những người trong cuộc thực sự chưa nhận ra rằng thời buổi hội nhập, thời công nghệ truyền thông được hỗ trợ bằng trí tuệ nhân tạo trên nền tảng internet này, có cái gì qua mặt được cộng đồng. Tình trạng ấy chỉ có thể giải thích là do không hiểu biết công nghệ, không hiểu biết pháp luật, hoặc do thói quen làm liều.

Một tấm hình, một đoạn văn hiện nay rất dễ dàng tìm thấy trên mạng chỉ vài động tác, nhưng, nếu khai thác nó vào mục đích kinh doanh mà không hiểu luật pháp về sở hữu trí tuệ, không tuân thủ quyền tác giả sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho cá nhân người vi phạm, và trong chừng mực nào đó, ảnh hưởng đến uy tín, thể diện của quốc gia.
Phú Trang