Phải mất 100 năm sau khi điện thoại ra đời, toàn thế giới mới có được 1 tỷ thuê bao cố định. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm qua, số thuê bao di động toàn thế giới đã lên đến con số hơn 5 tỷ, dù phát minh ra điện thoại di động mới diễn ra 35 năm qua.
Cuộc hôn nhân của viễn thông và công nghệ thông tin, giữa di động và internet đã và đang tạo ra sự thay đổi chưa từng có trong lịch sử truyền thông.
Theo thống kê của tổ chức We Are Social, hiện Việt Nam có trên 145 triệu thuê bao di động
Từ hội tụ truyền thông
Quá trình toàn cầu hóa được tiếp sức bởi cuộc cách mạng kỹ thuật số từ những năm cuối thế kỷ XX tới nay đã dẫn đến một sự thay đổi về chất, một xu thế mới trong môi trường truyền thông nói chung, truyền thông đại chúng nói riêng. Sự xuất hiện của internet và các thiết bị di động có kết nối internet đã dẫn đến một xu thế mới, vốn được nhiều nhà khoa học dự báo trước đó: hội tụ truyền thông.
Khái niệm “ngôi làng toàn cầu” giờ đây từ trang sách của các nhà nghiên cứu đã bước vào thế giới thực. Quá trình số hóa nội dung và truyền tải thông tin (dưới nhiều dạng thức như video, audio, văn bản, hình ảnh tĩnh, cơ sở dữ liệu, phần mềm…) một cách dễ dàng trên môi trường rộng khắp, vượt các biên giới quốc gia thông qua internet, với tốc độ nhanh, gần như đồng thời đã dẫn đến sự ra đời của nhiều phương tiện, hình thức, mô hình truyền thông mới.
Trong thực tế, hội tụ truyền thông là một quá trình phức tạp, được diễn ra ở nhiều cấp độ, quy mô, phương thức, mô hình... Hội tụ truyền thông không đơn thuần là con số cộng các phương tiện truyền thông trong cùng một thiết bị, hay con số cộng các loại hình truyền thông đại chúng (báo in, báo nói, báo hình, báo mạng) trong một cơ quan báo chí, hay con số cộng các hình thức truyền thông (cá nhân, tập thể, đại chúng) trong cùng một môi trường, mà về bản chất, sự hội tụ ấy chính là sự tích hợp, là nhân lên cả về cường độ, quy mô, chất lượng; là sự thay đổi mô hình thông tin và tiếp nhận thông tin, là sự xóa khoảng cách không gian và thời gian trong truyền thông trên nền tảng internet.
Giờ đây, hầu như việc đọc báo là đọc trên thiết bị di động
Truyền thông hội tụ tạo ra một sân chơi dân chủ, một không gian chung, qua đó, công chúng truyền thông có thể cùng nhau tương tác, tranh luận, trao đổi, chia sẻ dựa trên những mối quan tâm, mục đích cụ thể nào đó. Mức độ tương tác đa chiều với tần suất cao, cường độ lớn, biên độ rộng, bình đẳng, dân chủ của truyền thông hội tụ là một thế mạnh mới so với các hình thức truyền thông truyền thống. Đi cùng với xu thế hội là sự xuất hiện của truyền thông xã hội (social media), của các hình thức “báo chí tham gia” (participatory journalism), “báo chí công dân” (citizen journalism)…
Đến báo chí di động
1876, lịch sử nhân loại đánh dấu một phát minh lớn của Graham Bell: điện thoại hữu tuyến. Phát minh này sau đó đã ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến hoạt động báo chí cho đến nay. Nhưng có thể nói, khi điện thoại di động thông minh ra đời, thiết bị này đã làm thay đổi về chất hoạt động báo chí đã thay đổi về chất: rút ngắn tốc độ thông tin và phản hồi thông tin trên báo chí; thay đổi công chúng báo chí và sản phẩm báo chí cũng như quy trình sản xuất các sản phẩm báo chí. Ngày nay, với một chiếc điện thoại di động thông minh hay thiết bị cầm tay có kết nối internet, ai cũng có thể là thành viên bình đẳng trong làng truyền thông toàn cầu. Đó là thiết bị được thiết kế đa chức năng: ghi hình, ghi âm, nghe phát thanh, chụp ảnh, lưu trữ, lướt web, định vị vệ tinh, soạn thảo văn bản, xem email, gọi điện, nhắn tin, bình luận, đọc báo, xem truyền hình…
Các cơ quan báo chí ở Việt Nam đều đã xây dựng nhiều ứng dụng báo chí cho thiết bị di động. Trong ảnh là 2 ứng dụng của HTV trên Appstore
Các nghiên cứu mới đây cho biết, số người dùng điện thoại thông minh và máy tính bảng để theo dõi báo chí tăng lên rất nhanh. Nhiều cơ quan báo chí hiện có trên 65% “khách hàng” truy cập thông tin của họ qua thiết bị di động. Tính đến nay, trên 35% dân số nước ta đã sử dụng internet. Số người sử dụng điện thoại di động nói chung và số thuê bao 3G ở Việt Nam cũng gia tăng với tốc độ cao trong những năm gần đây. Đến nay, tổng số thuê bao 3G ở Việt Nam đạt khoảng 50 triệu, chiếm hơn 50% dân số cả nước. Việt Nam đứng thứ ba về tỷ lệ người lần đầu dùng điện thoại thông minh trên thế giới.
Trong bối cảnh ấy, các cơ quan báo chí đã nhanh chóng nhận thức được rằng, đã và đang có những thay đổi lớn của “người tiêu thụ tin tức hiện đại” thông qua cách họ truy cập thông tin hằng ngày với các thiết bị di động. Trong vòng 5 năm qua, cuộc chạy đua tìm những ứng dụng (Apps), thay đổi phương pháp, quy trình sản xuất, phân phối nội dung thông tin của các cơ quan báo chí cho thiết bị di động đã khởi động.
Từ tin nhắn SMS, MMS, đến các trình duyệt web di động, WAP, và hiện nay là các ứng dụng trên nền tảng các hệ điều hành mới như Android, iOS, RIM, Windows Phone, hàng loạt những thử nghiệm công nghệ liên tục ra đời trong những năm qua, nhưng dường như sự tìm tòi vẫn chưa dừng lại. Và đó không chỉ là những tìm tòi về công nghệ, các doanh nghiệp báo chí lớn trên thế giới còn tìm tòi về phương cách thu hút quảng cáo, thu tiền phí thông qua những thử nghiệm báo chí cho thiết bị di động.
Giao diện của 2 tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ online và Người Lao Động online
Báo chí cho thiết bị di động có màn hình cảm ứng giờ đây không còn là dự báo. Áp lực của xu thế hội tụ truyền thông mà thực chất là áp lực từ công chúng khi nhu cầu được tương tác thông tin, được quyền thông tin (chứ không chỉ có nhu cầu hưởng thụ thông tin một chiều) đang ngày một tăng cao trước sự phát triển của báo chí di động và truyền thông xã hội. Công chúng truyền thông của thời đại thiết bị di động được cung cấp nhiều cơ hội trong việc truy cập thông tin cũng như tham gia sản xuất, chia sẻ thông tin trên nhiều kênh ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào. Từ máy tính, các dạng PDA, điện thoại di động đến điện thoại thông minh, máy tính bảng; từ những cú bấm chuột đến thao tác chạm vuốt trên màn hình cảm ứng, hành vi “đọc” báo giờ đây đã thay đổi, thói quen “đọc” báo cũng thay đổi.
***
Và sự thay đổi ấy buộc người làm báo phải thay đổi, quy trình làm báo phải thay đổi cho phù hợp với cách tiếp nhận thông tin, cách trải nghiệm truy cập, thói quen khai thác của công chúng báo chí trên những thiết bị mới. Hàng loạt những yêu cầu mới đặt ra cho người làm báo, cơ quan báo chí: thay đổi các ứng dụng để công chúng tiện lợi trong truy cập nội dung, thay đổi cách viết, cách chụp ảnh, cách ghi video, cách đặt tít, và thậm chí, thay đổi cả hình thức thể loại tác phẩm nữa để phù hợp với quy trình, thời gian, thói quen… của người tiếp nhận và tương tác.
Sự thay đổi ấy không chỉ dừng lại ở việc sản xuất một tác phẩm mà còn ở cả quy trình làm báo để tối ưu hóa thông tin thuận tiện nhất phục vụ các sở thích khác nhau, trong các thời điểm khác nhau, tại các vùng miền khác nhau với các tần suất nội dung khác nhau. Sự thay đổi ấy không chỉ đến từ các cơ quan báo chí mà còn phải xuất phát từ cơ sở đào tạo và cả những cơ quan quản lý báo chí.
Phan Văn Tú