Theo thống kê của tổ chức WeAreSocial, tính đến tháng 1/2019, toàn thế giới có trên 4,3 tỷ (trong số hơn 7,6 tỷ người) sử dụng internet. Trong số này, có trên 3,2 tỷ người sử dụng truyền thông xã hội qua thiết bị cầm tay.
Cứ mỗi giây trên mạng xã hội Facebook có 5 tài khoản mới được tạo ra, 3.472 bức ảnh được tải lên, 8.500 bình luận xuất hiện, 4.883 trạng thái mới được cập nhật và 2 tỷ người đang hoạt động. Cứ mỗi phút, có 527.760 tấm hình được chia sẻ trên Snapchat, 4.146.600 video clip trên YouTube được xem, 456.000 trạng thái được xuất bản lên Twitter, và 46.740 bức ảnh được đăng trên Instagram…
Theo thống kê của tổ chức WeAreSocial, tính đến tháng 1/2019, toàn thế giới có trên 4,3 tỷ (trong số hơn 7,6 tỷ người) sử dụng internet. Trong số này, có trên 3,2 tỷ người sử dụng truyền thông xã hội qua thiết bị cầm tay.
Báo chí hiện đại trong một thế giới kết nối
Thay đổi trải nghiệm của công chúng
Có rất nhiều nghiên cứu cả trong và ngoài nước những năm gần đây chỉ ra rằng, sự phát triển của truyền thông xã hội đã làm thay đổi hệ sinh thái truyền thông trong thời đại của chúng ta, đặc biệt, đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng thông tin của công chúng. Khán /thính /độc giả của báo chí truyền thống hiện đang phân mảnh.
Ví dụ, trong lĩnh vực truyền hình: Năm 2018, thời gian bình quân một người Việt dành cho truyền hình truyền thống mỗi ngày là 2 giờ 31 phút, trong khi đó, thời gian bình quân họ dành cho internet là 6 giờ 42 phút. Truyền hình truyền thống đã dần dần rời phòng ngủ, phòng khách của nhiều hộ gia đình và nội dung truyền hình giờ đây xuất hiện trên các màn hình cảm ứng.
Khán giả tiếp nhận truyền hình trên nhiều nền tảng khác nhau, trong nhiều thời điểm khác nhau, ở nhiều không gian khác nhau. Công chúng truyền hình hiện đại không còn thụ động nghe xem mà được tham gia bàn luận, góp ý, sáng tạo, thậm chí thành “đồng chủ thể” ngay trong thời điểm “phát sóng” chương trình thông qua môi trường truyền thông xã hội. Trước đây, khi xem các chương trình truyền thống, khán giả phải nhớ kênh, khung giờ. Hiện nay, rất nhiều nền tảng và công cụ giúp họ tự tìm “kênh”. Xem truyền hình trong hệ sinh thái mới không chỉ là nghe tiếng, xem hình mà còn có thể chơi game, bàn luận thông tin (kể cả thông tin mua hàng, dịch vụ), tham gia bình chọn...
Và không chỉ có truyền hình, các loại hình báo chí khác đều chịu sự tác động của truyền thông trực tuyến trong bối cảnh bùng nổ các mạng xã hội. Khi trải nghiệm của người dùng thay đổi, báo chí có sự phân hóa trong yêu cầu về chất lượng nội dung, phương thức tiếp cận thông tin. Không chỉ tiếp nhận thông tin một chiều từ báo chí như trước đây, hàng triệu công chúng hiện nay còn là trung gian chia sẻ tài nguyên thông tin của các cơ quan báo chí trong hệ sinh thái truyền thông mới.
Truyền thông xã hội trao quyền cho những người bình thường không có nghiệp vụ báo chí cũng trở thành chủ thể của một kênh thông tin. Đã có hàng ngàn facebooker, YouTuber, V-logger nổi tiếng sản xuất thông điệp trên nhiều lĩnh vực và thu hút hàng triệu người theo dõi. Một nông dân bình thường ở Bắc Giang lập kênh YouTube giới thiệu các món ăn “siêu to khổng lồ”, trong vòng chưa đầy một tháng có hơn 1 triệu người theo dõi trở thành hiện tượng truyền thông thu hút hàng ngàn ý kiến lý giải, bàn luận.
Và internet vạn vật, tri tuệ nhan tạo, dữ liệu lớn
Theo định luật Metcalfe, khi ta kết nối hai hay nhiều máy tính thành một mạng, mỗi máy sẽ trở nên hữu ích hơn. Định luật Metcalfe cũng chỉ ra rằng, giá trị (sức mạnh) của một mạng lưới gia tăng tỷ lệ với bình phương số thiết bị được kết nối đến mạng đó. Không chỉ là máy tính, tất cả thiết bị ngày nay đều có xu thế kết nối với nhau thông qua giao thức internet. Mô hình này được biết dưới tên gọi là mạng kết nối Internet vạn vật (internet of things - IoT). Hệ sinh thái truyền thông mới đang lớn mạnh cùng với sự phát triển của internet vạn vật. Theo thống kê của Data Never Sleeps 6.0, trên thế giới hiện có hơn 30 tỷ thiết bị được kết nối với nhau và đó là sự kết nối cực kỳ phức tạp. Những kết nối ấy tạo ra thông tin - một lượng thông tin khổng lồ.
Thống kê dữ liệu theo phút trong năm 2018 của Data Never Sleep
Chỉ cần một cú nhấp chuột bày tỏ cảm xúc trên mạng xã hội hoặc một thao tác tìm kiếm trên công cụ Google, chúng ta đã tạo ra thông tin. Nói một cách cụ thể, tất cả các thao tác của chúng ta trên mạng đều sinh ra dữ liệu từ việc dừng lại ở một trang web trong thời gian bao lâu cho đến thao tác trỏ chuột vào nội dung cụ thể nào, xem video clip nội dung gì, gửi email, chat với ai trên các dịch vụ online, mua hàng bằng thẻ của ngân hàng nào, gọi điện cho số nào... Những dữ liệu ấy được hệ thống robot thu thập để phân tích hành vi người dùng, làm tối ưu hóa việc phục vụ (trong đó có việc phân tích công chúng truyền thông để tổ chức sản xuất thông điệp báo chí truyền thông hiệu quả nhất).
Khi chúng ta sử dụng mạng xã hội Facebook hay YouTube, bất cứ hành vi truyền thông nào từ chia sẻ, thể hiện cảm xúc thái độ bằng các biểu tượng, đến việc xuất bản hình ảnh, văn bản, video, tham gia trò chơi đều lưu lại dấu vết số. Hàng tỷ người dùng với các hành vi ấy trở thành cơ sở dữ liệu lớn (big data) và các thuật toán của Facebook có thể phân tích, nhà cung cấp dịch vụ có thể khai thác, thậm chí kinh doanh kết quả phân tích ấy. Không phải ngẫu nhiên mà trên tường của thành viên mạng xã hội Facebook luôn hiện các quảng cáo, các thông tin báo chí hay nội dung của bạn bè rất phù hợp với mối quan tâm của chính họ.
Rõ ràng, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn… đã và đang tác động tới hệ sinh thái truyền thông. Và ở một khía cạnh khác, hệ sinh thái truyền thông mới trao quyền lực cho công chúng: Tất cả đều làm truyền thông, công chúng không chỉ thụ hưởng thông tin từ cơ quan báo chí mà họ còn trực tiếp tạo ra thông tin. Đặc điểm nổi bật trong hệ sinh thái truyền thông mới là sự tham gia bình đẳng của nhiều bên vào những quá trình truyền thông. Môi trường truyền thông đa chiều, đa hình thái, đa nền tảng, đa tiếp nhận. Nội dung có thể được chuyển tiếp, chia sẻ và tương tác giữa những người dùng mà không cần bộ lọc, kiểm chứng thông tin của bên thứ ba. Công chúng không còn đơn thuần là khách hàng của báo chí chính thống mà là một khâu quan trọng trong sáng tạo sản phẩm truyền thông. Bối cảnh ấy đã và sẽ buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi.
Hệ sinh thái truyền thông mới
Từ chỗ còn nghi ngại, thậm chí xem như đối thủ, những năm qua, nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đã nhận ra rằng, mạng xã hội là cánh tay nối dài, là đối tác quan trọng trong hoạt động truyền thông của mình. Một số cơ quan báo chí đã tối ưu hóa việc sản xuất, phân phối và kiểm soát bản quyền nội dung trên nhiều nền tảng, trong đó, phổ biến là 2 nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay ở Việt Nam: Facebook và YouTube.
Thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi cho thấy, hiện có đến 90% các cơ quan báo chí ở Việt Nam xây dựng fanpage trên mạng xã hội Facebook. Không chỉ có một fanpage, nhiều cơ quan báo chí có hàng trăm fanpage cho từng chuyên trang, chuyên mục, chương trình, hay các dự án, chiến dịch ngoài mặt báo. Nhiều đài truyền hình, tờ báo mở hàng chục kênh trên mạng xã hội YouTube để đưa thông tin đi xa hơn, rộng hơn và khai thác quảng cáo hiệu quả hơn.
Mô hình cơ quan báo chí trong hệ sinh thái truyền thông mới
Nền báo chí Việt Nam hiện đang trong quá trình thay đổi. Đó là sự thay đổi nếp tư duy làm nghề từ mô hình cũ sang mô hình mới: Mang đến những nội dung công chúng cần, chứ không phải sản xuất nội dung mình có.
Với mô hình truyền thông cũ, nhà truyền thông phải tự giới thiệu, quảng bá (cái hay, cái tốt) sản phẩm thông tin, còn trong hệ sinh thái truyền thông mới, chính công chúng sẽ tự động lan truyền và giới thiệu miễn phí các sản phẩm thông tin của báo chí. Công chúng vừa là đối tượng phục vụ, vừa là người tiêu dùng tin tức của báo chí nhưng đồng thời lại là kênh phân phối, kênh PR - quảng cáo và “đồng chủ thể” sáng tạo của báo chí.
Trong mô hình truyền thông mới, báo chí khai thác mạng xã hội và các nền tảng truyền thông như những đối tác để tạo ra tương tác và lan tỏa (viral, copy, share) thông điệp. Và công chúng sẽ là người đồng hành, chia sẻ trải nghiệm, đồng chủ thể sáng tạo. Thực ra đây không phải là vấn đề mới, lý thuyết về nội dung do người dùng sáng tạo User generated content (UGC) đã được nhắc đến nhiều năm qua. Công việc của báo chí hôm nay chính là tạo ra một cộng đồng công chúng tích cực hơn, dân chủ hơn (trên nền tảng mạng xã hội) để họ đồng hành với cơ quan báo chí. Báo chí phải được định vị lại để phát huy vai trò của mình trong hệ sinh thái truyền thông mới, trong cuộc cách mạng truyền thông kỷ nguyên internet vạn vật.
Phan Văn Tú