Câu chuyện truyền thông

Bình luận viên bóng đá: Nghề làm dâu trăm họ

Khi trái bóng Telstar bắt đầu lăn trên các sân cỏ nước Nga trong sân chơi FIFA World Cup 2018, ở tại đất nước mê túc cầu như Việt Nam, ai cũng có thể làm bình luận viên bóng đá...


Buổi bình luận bóng đá khai mạc WC của HTV: BLV Nguyễn Đình Khôi (trái) và 2 BLV kỳ cựu của HTV là Trần Hòa Bình (giữa) và Hà Nhật Tĩnh – (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Và khi Facebook cho phép ai cũng công khai dự đoán tỷ số, bàn chuyện chuyên môn; khi Google cho phép ai cũng có thể tra cứu dữ liệu bóng đá thì nghề bình luận bóng đá hiện nay dễ bị “soi” hơn bao giờ hết!

Xin nói ngay rằng, bài viết này không nhằm phê phán một bình luận viên (BLV) bóng đá của một đài, một tờ báo (có tổ chức bình luận online) cụ thể nào, đây chỉ là những quan sát một vài cái “bệnh” phổ biến của các BLV để trao đổi thêm.

Lạm dụng dữ liệu

Nhiều bình luận viên khi tường thuật trực tiếp một trận bóng đá thường khai thác rất nhiều số liệu, tư liệu (cả lịch sử số lần gặp mặt, các tình huống, nhân vật liên quan lẫn các số liệu trực tiếp đo lường khi trận đấu diễn ra, ví dụ tốc độ gió, thời lượng kiểm soát bóng, số đường chuyền thành công của cầu thủ các đội, số thẻ phạt, số lần bị phạt góc v.v…). Vì có trong tay tư liệu, kết hợp với tra cứu báo chí trực tuyến, nên nhiều BLV phải nói quá nhiều, ảnh hưởng tới chuyện thưởng thức các pha bóng hay của khán giả. 

Và vì nắm nhiều số liệu nên BLV thường tỏ ra là những người rất hiểu biết, rất thông thái. Đôi lúc có BLV giống như một người đang chỉ đạo trận đấu, dạy dỗ cả HLV đang điều hành thế trận. 

Đây là sân chơi bóng đá quốc tế chứ nào phải ao làng và “sóng” truyền hình chúng ta làm sao đến tai được HLV hay cầu thủ mà… chỉ đạo?

Nói điều ai cũng biết

Người xem truyền hình rất muốn được BLV bàn thêm về những pha bóng ở góc độ chiến thuật, kỹ thuật bằng hiểu biết chuyên môn của họ để việc thưởng thức bóng đá thú vị. Chứ nếu BLV nói những gì ai cũng biết, cũng thấy, thậm chí, nói không hay về những điều ai cũng thấy qua hình ảnh trên màn hình thì… cần gì có BLV!

Truyền hình không phải là phát thanh. Khán giả truyền hình không cần BLV miêu tả: Những giọt nước mắt của cổ động viên đặc biệt, những va chạm sai luật của cầu thủ, những quyết định của trọng tài v.v… trong những tình huống nào đó cần được BLV bình để mở rộng thông tin. Người xem không cần anh miêu tả, thậm chí có khi miêu tả quá dở hoặc dùng từ sai về bản chất. 

Mới đây, trong một trận cầu có va chạm, có cầu thủ chảy máu đầu phải băng bó, BLV đã nói: "Máu đã chảy. Vầng, không chỉ mồ hôi mà cả máu đã đổ". “Máu chảy”, “máu đổ” là hình ảnh có tính tượng trưng cho ý nghĩa bạo lực, chứ không phải chuyện chấn thương bình thường thế này!


Một buổi bình luận bóng đá WC của Đài Truyền hình Việt Nam: Khách mời có cựu tuyển thủ Việt Thắng và người đẹp Trâm Anh – (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Bình luận phải trung tính

Trừ trường hợp BLV tham gia bình luận trong trận đấu có đội tuyển Việt Nam, họ có thể để tình cảm yêu nước chi phối. Khi bình luận các trận bóng quốc tế như FIFA World Cup 2018, nếu BLV để tình cảm chi phối, người xem sẽ cảm thấy khó chịu. Vẫn biết BLV vẫn là con người, vẫn yêu thích một đội bóng cụ thể, nhưng khi làm công việc bình luận – tường thuật, anh nên ở thế trung lập.

Có BLV tỏ ra ở thế trung lập nhưng khen chê theo chiều hướng trận đấu: Khi một đội có thế trận tốt hơn và nhất là khi có bàn thắng, các BLV ấy thấy cái gì ở họ cũng hoàn hảo, còn đối phương thì có bao nhiêu điểm yếu. Rồi khi thế trận đổi chiều thì họ lại bàn ngược lại với phần bình trước đó.

Khen chê quả là điều không dễ dàng nếu không nhìn đúng bản chất của vấn đề. Khi các BLV đã yêu thích, họ rất sính dùng những tính từ to tát để ca ngợi.

Dùng ngôn từ màu mè

Có một số BLV thích sử dụng các kỹ thuật ngôn từ để diễn đạt. Đây là một nỗ lực sáng tạo đáng quý, nhưng nếu quá lạm dụng, thì người xem sẽ rất khó chịu. 

Ví dụ, trong trận đấu lượt cuối bảng F, khi Hàn Quốc bất ngờ thắng đương kim vô địch Đức 2 – 0, những phút cuối trận, nhiều bình luận viên quá phấn khích nên khai thác rất nhiều hình ảnh ẩn dụ: “Những nốt thánh thót của các bản giao hưởng lạc nhịp trước các vũ điệu K – Pop”; 

“Xúc xích trở nên nhạt nhẽo trước sự biến hóa đầy gia vị của Kim chi”; 

“Bia Đức không đủ hương vị, không đủ nồng độ để khiến chúng ta say như rượu Sochu”; 

“Xe tăng tuột xích bỗng trở nên vô dụng trước dàn "hậu duệ mặt trời" đỏ chói” v.v…

Ngoài ra, hàng loạt từ “mạnh” được khai thác để diễn đạt sự kiện: Ác mộng, cơn địa chấn, bế tắc, bẽ mặt, thất vọng…

Có BLV chuyên tìm ra lối nói màu mè không cần thiết, ví dụ: “Có vẻ như quyết định của trọng tài đã không chính xác. Nhưng cú sút phạt của Dzyuba thì vô cùng chính xác!”; 

“Abu Bakar không phải là một thủ môn tồi, nhưng hôm nay anh đã đối mặt với các tiền đạo xuất sắc của Việt Nam. Một buổi tối ác mộng của Abu Bakar!”; 

“Người ta thường nói hữu dũng thì vô mưu nhưng đường chuyền của Hữu Dũng đã mang đến một thông điệp khác, một đường chuyền đầy mưu mẹo và thông minh!”

Còn rất nhiều vấn đề liên quan đến câu chuyện sử dụng ngôn ngữ trong bình luận bóng đá: Nào là kiểu diễn đạt ảnh hưởng văn Tây, nào là lối bình “huề vốn”: “Biết sao được, bóng đá là thế!”, nào là chuyện dùng từ chưa chính xác hoặc bị quán ngữ chi phối v.v…

Nhưng dù sao, những BLV cũng là người giúp khán giả thưởng thức trận cầu. Họ cũng phải lao tâm khổ tứ chuẩn bị tài liệu, dữ liệu. Họ phải ngồi trước màn hình, căng tai để nghe, căng mắt để xem diễn biến và đọc dữ liệu tổng hợp trong sổ tay, trên mạng (thậm chí có thể phải đọc cả tin nhắn, chat… từ sếp và đồng nghiệp), rồi phải giữ cho cảm xúc tinh khôi, giọng nói khỏe khoắn để bình luận. 

Quả là chuyện không dễ dàng (Đó là chưa kể các bạn còn phải chuẩn bị từ trước: chuẩn bị cả kiến thức, tâm thế lẫn sức khỏe để thức khuya liên tục!). 

Và vì thế, BLV bóng đá là những người làm dâu trăm họ! Mong họ sẽ khắc phục những sơ sót và mong khán giả đừng quá cực đoan đến mức quá nặng nề với một vài người trong số họ!
Phú Trang