Brain rot: Khi mạng xã hội "ngốn" não bộ

HOÀNG YẾN - TRỌNG AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 14/12/2024, 13:09

(HTV) - “Brain rot" (tạm dịch: thối não) được định nghĩa là "sự suy giảm về mặt tinh thần hoặc trí tuệ của một người”, tình trạng “thối não” được coi là kết quả của việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trực tuyến nông cạn, không gợi suy nghĩ ở người xem.

“Brain rot” được sử dụng để mô tả tình trạng suy giảm khả năng tư duy, mất tập trung và thiếu sự sáng tạo do tiêu thụ một lượng lớn nội dung giá trị thấp trên mạng xã hội. Phản ánh tác động tiêu cực của việc tiêu thụ quá nhiều nội dung giá trị thấp, “brain rot” đã trở thành thuật ngữ được sử dụng phổ biến với tần suất sử dụng tăng 230% từ năm 2023 đến năm 2024. Và mới đây, thuật ngữ này đã được Oxford chọn làm từ nổi bật nhất của năm 2024. 

"Brain rot" được Oxford chọn làm từ nổi bật nhất của năm 2024. Nguồn ảnh: Oxford University Press

Việc sử dụng "brain rot" được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1854 trong cuốn sách Walden của Henry David Thoreau, trong đó tác giả kể về một lối sống đơn giản trong thế giới tự nhiên. Là một phần của kết luận của mình, Thoreau chỉ trích xu hướng của xã hội là hạ thấp giá trị của những ý tưởng phức tạp và coi đây là dấu hiệu của sự suy giảm chung về mặt tinh thần và trí tuệ: "Trong khi nước Anh nỗ lực chữa bệnh thối rữa củ khoai tây, sẽ không có nỗ lực nào để chữa bệnh thối rữa não - một căn bệnh lan rộng và chết người hơn nhiều?".

Năm 2024, thuật ngữ "brain rot" được rộng rãi sử dụng trong cộng đồng của Gen Z và Gen Alpha, đề cập cập đến sự tràn lan của các nội dung mang chất lượng, giá trị thấp - đặc biệt xuất hiện trên nền tảng Tik Tok. Một trong những khía cạnh chính của "Brain rot" trong văn hóa meme chính là người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ, tự nhận thức được những nội dung họ tiêu thụ mang giá trị thấp nhưng thay vì chối bỏ các nội dung ấy, họ lại tìm thấy sự thú vị trong việc tự chế giễu bản thân khi đắm chìm vào chúng. 

 Loạt video Skibidi Toilet nhận được lượt xem khủng từ người dùng 

Thuật ngữ "brain rot" gắn liền với các “meme” (nội dung mang tính hài hước) như loạt video Skibidi Toilet nổi tiếng của Alexey Gerasimov, với các nhà vệ sinh hình người. Video đầu tiên về Skibidi Toilet, được đăng tải vào ngày 07/02/2023, đã thu hút hơn 164 triệu lượt xem. "Skibidi" ban đầu không có ý nghĩa nhất định, nhưng giống như nhiều meme liên quan đến "brain rot", nó đã phát triển thành tiếng lóng được sử dụng trong giới trẻ, có nghĩa là "tệ" hoặc "ngầu" tùy thuộc vào ngữ cảnh. Những từ tiếng lóng được sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội như: demure (khiêm tốn), lore (thông tin cung cấp chiều sâu về nội dung cụ thể),.... đã dần đi vào cả các đối thoại giao tiếp hằng ngày, nhấn mạnh sự tác động trực tiếp của văn hóa mạng với ngôn ngữ. 

Việc "brain rot" trở thành từ nổi bật của năm 2024 đã đặt ra những câu hỏi thiết yếu đối với ảnh hưởng của mạng xã hội đối với người dùng. Liệu chúng ta đang dần đánh mất khả năng tư duy sâu sắc và sáng tạo? Liệu thế hệ trẻ có đang bị "ngộ độc" bởi lượng thông tin khổng lồ trên mạng? Tần suất sử dụng mạng xã hội cao được phát hiện rằng có liên quan đến đến việc giảm chất xám ở phần vỏ não trước trán, theo một nghiên cứu khác, nghiện mạng xã hội còn tăng nguy cơ mắc các triệu chứng rối loạn tâm thần, giảm khả năng ghi nhớ và học tập, đây là những nguy cơ liên quan đến chứng mất trí nhớ. 

Thuật ngữ "brain rot" không chỉ là một trào lưu nhất thời mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về những tác động tiêu cực của việc lạm dụng mạng xã hội. Việc tiêu thụ quá nhiều nội dung nông cạn, thiếu chiều sâu không chỉ làm suy giảm khả năng tư duy, trí nhớ mà còn gây ra những thay đổi cấu trúc trong não bộ. Từ một thuật ngữ bắt nguồn từ văn học cổ điển, "brain rot" đã trở thành hiện thực đáng báo động trong thời đại số hiện nay của chúng ta. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: