(HTV) - Đánh giá tác động của Thông tư 02 trong thời gian qua, Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết trên địa bàn TP.HCM có tổng cơ cấu dư nợ hơn 44.000 tỷ cho 41.093 khách hàng.
Như vậy đã có hơn 41.000 doanh nghiệp thay vì phải trả nợ cả gốc lẫn lãi thì nay nguồn tiền đó có thể được sử dụng để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Điều này rất cần, nhất là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trên địa bàn TP.HCM có tổng cơ cấu dư nợ hơn 44.000 tỷ cho 41.093 khách hàng
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, nếu thông tư 02 kéo dài đến 2025 thì Xuân Nguyên sẽ tiếp cận, để dùng làm đòn bẩy và tăng thêm giá trị sản phẩm. Có thời gian phát triển thị trường và mạnh dạn tiếp cận đơn hàng xuất.
Cũng có ý kiến cho rằng, khi thị trường còn nhiều khó khăn, việc gia hạn là quan trọng nhưng nên phân loại từng nhóm khách hàng để chính sách thực sự đi vào đúng đối tượng. Nếu không thì dòng tiền như muối bỏ biển, không mang lại hiệu quả kinh tế, trái lại còn áp lực lên các tổ chức tín dụng.
Các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ Thông tư 02
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, phải nhận thức rằng, cơ chế này chỉ phát sinh chỉ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hoặc do đại dịch, mới áp dụng, còn hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế, đây là một sự quyết tâm của ngành ngân hàng cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên tận dụng để phát huy hiệu quả chính sách. Khi nền kinh tế phục hồi thì chính sách này không áp dụng mãi được phải trở lại quy luật kỷ cương của thị trường.
Các doanh nghiệp nên tận dụng để phát huy hiệu quả chính sách
Ngân hàng cần có những phương án để xử lý các nguồn nợ xấu còn doanh nghiệp cần nỗ lực có kế hoạch sản xuất kinh doanh để phục hồi, có được dòng tiền, để không phải rơi vào tình thế chuyển nhóm nợ sau khi thông tư 02 hết hiệu lực vào cuối tháng 12 tới đây.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9