(HTV) - Năm học 2023 - 2024 đã cận kề nhưng các vấn đề muôn thuở như số học sinh tăng, thiếu phòng học, thiếu giáo viên vẫn còn đó. Ngành giáo dục thành phố nhiều năm nay rơi vào tình trạng quá tải cục bộ.
Năm nay, nhu cầu tuyển dụng không biến động nhiều so với các năm học trước, tuy nhiên bài toán khan hiếm nguồn tuyển vẫn đang diễn ra.
Bộ GD-ĐT cho hay, đến thời điểm này, tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.
Thách thức và giải pháp khi số lượng học sinh tăng ở TP.HCM
Dù gặp khó khăn trong nhiều năm, nhưng đến hẹn lại lên, cứ đến năm học mới, ngành giáo dục thành phố lại nỗ lực hết sức để xoay sở cho các em có được một môi trường học tập ổn định.
TP.HCM tăng 35.055 học sinh dẫn đến tình trạng quá tải đối với ngành giáo dục
Giải pháp nào trước vấn đề quá tải học sinh
Trường THCS Linh Trung, TP. Thủ Đức xây dựng chuẩn quốc gia từ năm 2000, tuy nhiên, đến năm 2010 trường không thể giữ danh hiệu này vì số lượng học sinh tăng cao qua mỗi năm. Vài năm gần đây, trường còn luôn trong tình trạng bị thiếu phòng học. Năm học 2022 - 2023 trường thiếu 4 phòng học, đến năm học 2023 - 2024 số lượng này tăng lên đến 8 phòng học. Để giải quyết chỗ học cho học sinh, trước mắt nhà trường sẽ cải tạo phòng vi tính và phòng chức năng thành phòng học trong năm nay. Ngoài ra, phòng vi tính và phòng chức năng sẽ được chuyển xuống khu vực nhà ăn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ thực hiện cho nghỉ học luân phiên một buổi sáng trong tuần ở khối 7,8 và buổi chiều sẽ học ở ngoài trời để không phải sử dụng phòng học.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đang triển khai giáo viên triển khai học trực tuyến LMS để phân bố số tiết có thể để các em tự thực hiện việc tự học, tự luyện tập. Và số tiết này cũng được tính để đảm bảo số tiết 2 buổi/ tuần”.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên đề xuất phương án dạy và học mới
Ông Tôn Thất Nhân Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi cũng đẩy mạnh chuyển đổi số qua hệ thống LMS nên việc triển khai 2 buổi cũng không khó, quan trọng là đội ngũ chúng ta uyển chuyển trong xây dựng chương trình”.
Trong khi chờ việc xây dựng trường mới thì sự chủ động tùy vào điều kiện của từng trường với những giải pháp tình thế đã giúp đảm bảo đủ chỗ học cho hoc sinh. Tuy nhiên, điều này cũng hạn chế phần nào công tác quản lý, chất lượng giảng dạy và chưa thể đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Trước thực trạng số học sinh tăng cao nhất là ở bậc THCS, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã chỉ đạo các quận đẩy mạnh việc dạy và học trên internet, học trên nền tảng số ở bậc THCS, hướng tới gia tăng khả năng tự học của học sinh và nâng cao tỷ lệ học 2 buổi/ ngày của học sinh thông qua hình thức này trong năm học này
Đẩy nhanh quá trình thu hồi đất cho trường học
Tuy nhiên, nhiều dự án sửa chữa, xây dựng mới trường học trên địa bàn thành phố lại chậm trễ tiến độ, ách tắc ở nhiều khâu, gây ra áp lực trường lớp trong nhiều năm vẫn không thể giải được.
Không chỉ cơ sở vật chất không theo kịp mức độ tăng của số lượng học sinh, mà đội ngũ giáo viên cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn, số lượng ứng viên thường thấp hơn chỉ tiêu. Do đó, tỷ lệ giáo viên trên một lớp chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu. Thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi khi mà tỉ lệ học sinh học 2 buổi của khối tiểu học sẽ tăng trong những năm sau.
TP.HCM nỗ lực tuyển giáo viên
Ông Phan Văn Quang - Phó Trưởng Trường GD-ĐT quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Ngày 1/7 chúng tôi đã hoàn tất công tác tuyển dụng. Tới thời điểm này giáo sinh cơ bản sẽ làm hồ sơ tiếp nhận để về trường”.
Ông Phan Văn Quang - Phó Trưởng Trường GD-ĐT quận Tân Bình, TP.HCM
Ông Tống Phước Lộc - Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD-ĐT, TP.HCM cho biết: “Thực tế có chuyện khi ứng viên không trúng tuyển đúng nguyện vọng thì không nhận nhiệm sở mà thi tuyển ở một đơn vị quận huyện khác, dẫn đến việc tuyển dụng mà vẫn không có giáo viên, dù trúng tuyển. Năm nay, trong nội dung giao ban đầu năm giữa các quận, huyện, sở sẽ làm việc rõ, để tạo sự thống nhất, không có chuyện trúng tuyển ở một trường quận, huyện này lại bỏ sang một nơi khác, dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu”.
Ông Tống Phước Lộc chia sẻ nhiều bất cập trong quá trình tuyển dụng giáo viên
Sở GD-ĐT thành phố đã hướng dẫn tất cả các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn với điều kiện phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học.
Làm sao để tháo gỡ vấn đề này cho ngành giáo dục? Nghị quyết 98 với những quan điểm đột phá cho phép thành phố vận dụng để phát triển có thể áp dụng những nội dung gì cho một ngành đặc thù liên quan tới nền tảng xây dựng con người của thành phố.
Việc tuyển dụng giáo viên còn những khó khăn gì?
Khi được hỏi về kết quả việc tuyển dụng giáo viên hiện Sở giáo dục, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Bậc trung học do Sở trực tiếp tuyển dụng thì vẫn còn thiếu 270 giáo viên so với nhu cầu. Sở đã xong tuyển đợt 2 và công bó kết quả. Còn các quận huyện thì vẫn tiếp tục tuyển. Theo thông tin ban đầu báo về sở thì môn mà chúng ta cần thì lại thiếu nguồn tuyển, môn chúng ta thiếu ít thì lại dư nguồn. Ví dụ môn toán chỉ cần tuyển 20 giáo viên thì có tới 200 ứng viên dự tuyển. Còn các môn nghệ thuật thì không có ứng viên. Giải pháp là chúng tôi đã trao đổi với các trường Đại học đang đào tạo các bộ môn này để chuẩn bị nguồn cho năm sau”.
Mỹ thuật, âm nhạc, Tin học là những môn học “kén” giáo viên tham gia thi tuyển chọn
Đặc biệt, môn tiếng Anh và Tin học rất khó tuyển giáo viên. Trước đây, chúng ta thực hiện chương trình tăng cường, có xã hội hóa, nguồn thu từ học sinh sẽ chi trả cho giáo viên, thù lao cũng gọi là thu hút. Nhưng nay, tuyển giáo viên chính thức thì hưởng lương từ ngân sách và giáo viên phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy 23 tiết. Cái này thì khó khăn, cần chế độ thu hút, hỗ trợ thêm từ thành phố.
Ngoài ra, vẫn tồn đọng sự chậm trễ trong tiến độ xây dựng trường lớp, do đó, cần đề xuất nhiều giải pháp khi Nghị quyết 98 cho phép vận dụng để giải quyết các vấn đề về cơ chế để phát triển thành phố. Ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: “Năm học này, thành phố có 672 phòng học mới. Đây là 1 nỗ lực rất lớn của cả thành phố. Nhưng so với số lượng học sinh tăng mạnh thì cũng mới giải quyết được chỗ học cho một số nơi tăng dân số cơ học cao, chứ còn việc giảm sĩ số học sinh/ lớp thì vẫn chưa, vấn đang phấn đấu. Nguyên nhân thì cũng khách quan là dịch COVID-19 làm các dự án chậm tiến độ, tồn đọng, hơn nữa, các khâu quy hoạch đất đai vùng ven chưa giải quyết được, không di dời để xây dựng được, nguồn đầu tư khó khăn. Năm nay, ngân sách đầu tư công cho giáo dục khá lớn, hơn 8 nghìn tỷ, đến 2025 chúng ta sẽ khắc phục dần”.
Cần có nhiều chính sách bổ sung hợp lý để tuyển và giữ chân giáo viên
Nghị quyết 98 ra đời, ngành Giáo dục đã nghiên cứu và đề xuất Ủy ban, nhất là mục xây dựng trường lớp, ngoài ngân sách, Nghị quyết 98 có điều khoản cho phép đầu tư PPP. Ngành Giáo dục sẽ tận dụng cơ hội này để kêu gọi vốn đầu tư ở các khu vực cần nhất, đặc biệt phải đạt chỉ tiêu 300 phòng học/ vạn học sinh. Nay mới đạt trung bình là 294, một số quận huyện chỉ số này còn thấp nữa.
Nỗ lực giải quyết tình trạng quá tải giáo dục
Sở GD-ĐT TP.HCM đã đưa ra dự thảo lần một Đề án hỗ trợ Giáo viên tiểu học, trong đó, cải thiện thu nhập cho giáo viên bằng cách thêm 25% số lương cơ bản. Đối với giáo viên tiểu học mới ra trường, năm đầu tiên sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở người/tháng, năm thứ hai là 75% và năm thứ ba là 50%. Bên cạnh đó, tính toán học phí buổi hai để bù đắp sức lao động cho giáo viên, đề xuất học phí buổi hai được tính dựa trên cơ sở quy định mức học phí tham chiếu ở cấp tiểu học. Đề án cũng nêu rõ, để giữ chân giáo viên, thay vì xin cơ chế thì cần tập trung vào hỗ trợ tài chính.
Đề án hỗ trợ 100% lương cơ sở cho giáo viên tiểu học
Thành phố cũng có chủ trương: Dự án khu đô thị mới, theo quy hoạch đều phải có đất dành cho giáo dục, y tế. Do đó, các địa phương phải kết hợp với ngành giáo dục rà soát từng dự án xem có dành đất để xây trường không và báo cáo cụ thể để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ. Với những động thái tích cực, hi vọng tình trạng quá tải trường học sẽ được giải quyết từng bước, để mỗi năm học mới, cả thầy và trò đều tràn ngập niềm vui.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9