(HTV) - TP.HCM có khoảng 130 phố chuyên doanh, chiếm tỷ lệ 13% trên tổng số hơn 1.000 con đường.
Phố chuyên doanh có hai loại, một là chuyên bán hàng truyền thống có từ rất lâu đời. Loại còn lại thì bán các mặt hàng hiện đại như vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, đồ điện tử, đồ gỗ,...
Nếu như trước năm 2000, các phố chuyên doanh chủ yếu tập trung ở một số quận huyện nhất định, thì những năm gần đây, mô hình này có ở tất cả quận, huyện, TP. Thủ Đức với quy mô khác nhau.
Những con phố chuyên doanh mang theo rất nhiều kỳ vọng về sự khởi sắc cho những tuyến phố đặc trưng về thương mại. Thế nhưng không ít phố kinh doanh vẫn không có gì khác ngoài những cái tên được đặt mới. Vẫn những hàng quán, vẫn những sản phẩm giống nhau trên một con đường và hoạt động giao dịch vẫn dậm chân tại chỗ.
Việc hình thành các tuyến phố chuyên doanh văn minh, sạch đẹp, có không gian buôn bán đặc trưng là chủ trương lớn của thành phố, tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách trong việc mua sắm, tham quan, góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch của địa phương.
Là một trong những địa bàn trọng điểm, có hoạt động thương mại dịch vụ sôi nổi bậc nhất TP.HCM, từ năm 2016, Quận 5 bước đầu hình thành các phố chuyên doanh trong một số lĩnh vực, trên cơ sở thực tế thị trường sẵn có và lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp tại chỗ, gao gồm: (2016) phố đông y, (2017) phố vàng bạc - đá trang sức, (2018) phố thời trang. Đến 11/2023, phố văn phòng phẩm cũng đã được ra mắt. Đây được xem là một nỗ lực của Quận 5, theo hướng phát huy thế mạnh của một địa bàn trọng điểm về thương mại của TP.HCM.
Tại đây khách không chỉ tham quan các sản phẩm mà còn được nhìn thấy cảnh chế biến thảo dược. Những mẻ rang khiến cả khu phố thơm lừng. Người bán cũng không câu kéo mời khách mua mà sẵn sàng giải thích khi khách thắc mắc về các loại thảo dược.
Không chỉ buôn bán, kinh doanh các loại dược phẩm, dược liệu mà phố đông y của Quận 5 còn cung cấp dịch vụ bắt mạch, chẩn trị y học cổ truyền. Đặc biệt chính quyền địa phương cũng dành riêng một địa điểm để trưng bày và giới thiệu vài loại thuốc đông y thông dụng. Dự kiến trong tương lai thì sẽ xây dựng nơi này trở thành điểm dừng chân để giới thiệu phố chuyên doanh này đến người dân và du khách.
Xây dựng Phố Đông y là điểm dừng chân cho du khách
Tháng 6/2023, TP. Thủ Đức đã chính thức khai trương tuyến phố chuyên doanh thời trang trên con đường Võ Văn Ngân, một trong những con đường sầm uất bậc nhất của TP. Thủ Đức. Phố sá ở đây vẫn nhộn nhịp các hàng quán và nhiều shop thời trang. Thế nhưng, sự nổi bật, sức hút của một phố thời trang vẫn chưa thực sự rõ nét.
Ngoài bảng hiệu lớn đặt ở cửa ngõ ngã tư Thủ Đức thì con phố Võ Văn Ngân không khác gì so với trước đây. Đặc biệt, hạ tầng chưa đồng bộ đang là rào cản của những con phố chuyên doanh vốn mang hơi thở hiện đại.
Phố chuyên doanh thời trang Võ Văn Ngân - Thêm tấm biển và không thêm gì
Trên thế giới, khái niệm "du lịch mua sắm" dù mới được hình thành gần đây, nhưng đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Loại hình này thường tập trung vào các mặt hàng xa xỉ, các hoạt động khám phá, trải nghiệm dịch vụ độc đáo của địa phương.
Nếu như trước đây, việc mua hàng trong lĩnh vực du lịch được coi là một hoạt động kèm theo, thì nay nó đã trở thành yếu tố quyết định ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của nhiều khách hàng. Ngay sau đây là một vài mô hình chuyên doanh của các nước đã thành công trong việc "định vị thương hiệu", khiến du khách sẵn sàng mở hầu bao.
Các phố chuyên doanh của các nước trên thế giới
Bài học từ các quốc gia cho thấy: Việc định vị một con đường thành phố chuyên doanh để kích cầu tiêu dùng sẽ không hiệu quả mà phải kích cầu tổng thể, tạo ra một hệ sinh thái có liên kết với nhau, chẳng hạn như du lịch - mua sắm, du lịch - ẩm thực, du lịch - sức khỏe....
Đường Phan Xích Long được biết đến là một khu phố ăn uống sầm uất nổi tiếng của thành phố, với hàng loạt nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, karaoke... nằm trải dài xuyên suốt tuyến đường. Phố ẩm thực dài hơn 1,5km từ ngã tư Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu đến đường Vạn Kiếp với hơn 250 hộ kinh doanh.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, cốt lõi của đề án phố ẩm thực là vừa kinh doanh sầm uất vừa giao thông thuận lợi, không gây ùn tắc, mất trật tự các tuyến đường khác quanh khu vực. Lúc này, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và người dân trong khâu tổ chức khai thác chính là lời giải hiệu quả nhất.
Các con đường dự kiến làm phố ẩm thực ở quận Phú Nhuận. Nguồn ảnh: Google Maps
Mới đây, vỉa hè toàn tuyến đường Phan Xích Long cũng được cải tạo, đồng thời sửa chữa cảnh quan kiến trúc, nâng cấp hệ thống đèn trang trí, thiết bị phòng cháy chữa cháy, xử lý rác, nước thải, khử mùi…nhằm khai thác thế mạnh hiện hữu của quận.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết: “100% cơ sở kinh doanh ăn uống trên khu vực này được cấp giấy VSATTP, đảm bảo vệ sinh môi trường, PCCC. Quận thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra và kiên quyết xử lý các hộ không đảm bảo yêu cầu. Quận cũng thực hiện các công tác trông giữ xe, công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường”.
Điều đặc biệt là toàn bộ hoạt động của Phố ẩm thực sẽ được quản lý bằng ứng dụng có tên Phố ẩm thực Phan Xích Long. Ứng dụng sẽ kết nối 3 bên gồm cơ quan quản lý, chủ kinh doanh và thực khách. Người kinh doanh sẽ khai báo các thông tin hoạt động, địa chỉ, thực đơn, giả cả món ăn... Chính quyền căn cứ vào đó để quản lý. Còn thực khách thì có thể dễ dàng tìm kiếm quán, đặt bàn, chọn món, thanh toán qua ứng dụng.
Những tiện ích khi quản lý Phố ẩm thực Phan Xích Long qua ứng dụng
Việc hình thành các tuyến phố chuyên kinh doanh, buôn bán một số mặt hàng nhất định mang đến nhiều tiện ích. Trước hết, khách hàng có điều kiện lựa chọn sản phẩm ưng ý, so sánh giá cả, chất lượng của cùng một mặt hàng ở những cửa hàng liền kề nhau. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh trên cùng một tuyến phố cũng phải cạnh tranh lành mạnh với nhau bằng cách cung cấp sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp để thu hút được khách hàng. Khi đã tạo được ấn tượng tốt với nhiều người, những tuyến phố chuyên doanh sẽ là nơi lui tới mua sắm của nhiều người dân khu vực nội, ngoại thành và du khách thập phương.
Hiện nay, TP.HCM đang có 7 phố đêm gồm: hai phố đi bộ Bùi Viện và Nguyễn Huệ (đều ở Quận 1), 5 phố ẩm thực là Hồ Thị Kỷ và kỳ đài Quang Trung cùng ở Quận 10, Vĩnh Khánh (Quận 4), Hậu Giang (Quận 6), Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3). Mới đây, huyện Bình Chánh kiến nghị mở phố đêm Trung Sơn, hoạt động từ 18-24 giờ mỗi ngày, với 252 gian hàng, đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9