(HTV) - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố.
Số liệu thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho thấy, tính đến ngày 12/5, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt 8.236 tỷ đồng, đạt 20% tổng vốn mà TP.HCM giao đợt 1. Còn tính trên tổng vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023, thì tỷ lệ giải ngân đạt 11,67%.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM trong 2 tháng qua tăng cao là nhờ việc thực hiện chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 3. Đây là tín hiệu điều đáng mừng, song vẫn còn rất nhiều thách thức.
Với tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, UBND TP.HCM khẳng định sẽ nỗ lực từng ngày để thực hiện mục tiêu đề ra là giải ngân không dưới 95% trong năm 2023 - theo đúng tỷ lệ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Trước mắt, hết quý II/2023 TP.HCM phải giải ngân đầu tư công đạt 35%, bằng việc ban hành nhiều giải pháp để gỡ ách tắc trong phê duyệt, giải ngân cho dự án. Và trên thực tế, thời gian qua, hàng loạt các địa phương trên địa bàn thành phố cũng mong chờ một cơ chế thoáng hơn để hiện thực hóa những dự án đã hứa với người dân, được ghi vốn nhưng thủ tục chậm.
Cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký quyết định, ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm C trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận hoặc sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP.HCM cho ngân sách quận (trừ các dự án tu bổ di tích có cấu phần xây dựng).
Chẳng hạn tại Quận 6, dự án đầu tư xây dựng công trình Trường THCS Nguyễn Thái Bình với quy mô 19.000m2, dù phải tạm dừng một thời gian do bất cập, nhiều lần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, quy mô xây dựng, cơ cấu chi phí và thời gian thực hiện dự án, thế nhưng giờ đây dự án đang được khẩn trương triển khai, và sẽ về đích sớm hơn so với dự kiến.
Những ảnh hưởng khi các dự án đầu tư công "dậm chân tại chỗ"
Mục tiêu của chính quyền đô thị là tập trung chỉ đạo quyết liệt, đi thẳng vào việc giải quyết các vấn đề ở cơ sở, do đó, phân cấp, ủy quyền cho quận huyện được xem là một quyết định kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đầu tư công, giúp chính quyền cơ sở hoàn thành đúng tiến độ một số nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần tạo đột phá trong thay đổi diện mạo thành phố và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bên cạnh những phản hồi tích cực, lãnh đạo các địa phương cũng đã nêu ra những khó khăn tồn tại, đồng thời có những đề xuất kiến nghị xuất phát từ thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện.
Quyền hạn đi kèm trách nhiệm
Nếu việc phân cấp, uỷ quyền cho các địa phương đối với dự án công nhóm C được thực hiện tốt sẽ góp phần tạo niềm tin về khả năng thực thi và chịu trách nhiệm của người lãnh đạo địa phương trước thành phố về kết quả công việc, với tinh thần dám nghĩ dám làm. Đây cũng là tiền đề cho những kỳ vọng về năng lực của các địa phương trong bối cảnh Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua với cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn.
Ngày 24/6, Quốc hội đã thông Nghị quyết thay nghị quyết 54. Theo đó, cho phép TP.HCM thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đầu tư; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và TP. Thủ Đức.
Từ nền tảng này, TP.HCM sẽ có thêm cơ sở, phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết để tiếp tục thực hiện phân cấp, ủy quyền, tháo gỡ điểm "nghẽn" cho các quận huyện, TP. Thủ Đức ở nhiều lĩnh vực khác, từ đó khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình 60 giây, Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9