Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã xử phạt Nguyễn Văn Hưng - chủ kênh YouTube “Hưng Vlog” - 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục.
Cụ thể, trước đó vào hôm 5/9, người này đăng lên lên YouTube một clip có tiêu đề “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”. Đoạn video này sau đó đã bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội, nhiều thành viên đã đề nghị tẩy chay kênh Hưng Vlog vì mang đồ ăn ra đùa nghịch, gây phí phạm thực phẩm “mất vệ sinh”, “phản cảm”…
Hưng Vlog với video trên kênh cá nhân có tiêu đề “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết” (video này đã được xóa khỏi YouTube)
Ăn để câu view!
Trước phản ứng của cộng đồng mạng, lúc đầu, Hưng Vlog chỉ khóa phần bình luận, nhưng sau đó, anh ta đã xóa video clip này. Những kiểu ăn uống không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không phù hợp với yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm như thế, đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội YouTube.
Thử vào ô tìm kiếm trong YouTube, gõ hai chữ “ăn rết”, sẽ có hàng loạt kết quả trả về. Mà không chỉ có ăn sống rết rợn tóc gáy, nhiều người còn làm clip ăn sống thạch sùng (thằn lằn), ăn sống bọ trinh nữ, ăn cá sống vừa bắt dưới ao, ăn pịa bò sống vừa mổ ra, ăn cua sống dưới dạng gỏi, và thậm chí… nhai sống con rắn cực độc!
Chỉ nhìn qua video, ai trong chúng ta cũng thấy rằng, việc ăn tươi nuốt sống thực phẩm như vậy sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường về sức khoẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá vừa bắt ở dưới ao lên mà đem ăn sống ngay trên bờ, hoặc nội tạng động vật vừa mổ xong đem ra ăn sống… đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, thậm chí, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Các chuyên gia y tế cho rằng ăn cá sống như thế rất dễ nhiễm ký sinh trùng, giun sáng vào lá gan, do nguy cơ thịt cá chứa mầm bệnh từ nguồn nước bẩn. Nếu các vùng nuôi cá, nuôi tôm đang xảy ra dịch tiêu chảy, dịch tả… thì những kiểu ăn như thế chắc chắn sẽ nuốt mầm bệnh vào trong người và đương nhiên tỷ lệ mắc bệnh sẽ rất cao.
Đa phần các video này do những thanh niên các tỉnh vùng cao sản xuất. Thường mỗi clip như thế, các bạn ấy khai thác một kịch bản dài hơi: ghi lại quá trình đánh bắt, rồi sơ chế tại hiện trường và ăn sống các loại động vật. Những video đó cũng chọn hình ảnh đại diện và tiêu đề rất “sốc, nhưng những người trong cuộc thường tuyên bố ngay trong clip rằng ăn như thế là truyền thống của cư dân bản địa. Sự thật đó có phải là văn hóa ẩm thực của cư dân bản địa hay chỉ là chiêu trò để câu view của một bộ phận thanh niên còn thiếu hiểu biết?
Câu trả lời là, chuyện ăn sống (dạng ăn gỏi) vẫn có trong ẩm thực của người Việt (không chỉ trong đồng bào các dân tộc thiểu số mà cả người Kinh cũng có một số món ăn sống), nhưng, đó là ăn sống một cách văn minh chứ không phải đưa cua, đưa rết, đưa cá cho ngay vào mồm. Những video ăn uống nhuồm nhoàm nặng tính biểu diễn trên mạng xuất phát từ việc các bạn trẻ thích thú với cách làm sản phẩm lạ để câu view. Không thể ăn bừa bãi mà nhân danh văn hóa dân tộc. Hành động như thế là tuyên truyền cổ vũ cho một lối sống bẩn, thiếu hiểu biết khoa học, chúng ta phải lên án.
Xử lý chậm quá!
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhà ở Biên Hòa, tâm sự rằng, nhìn những video ăn uống như thế chị thấy thật đáng sợ và lo lắng rằng con em mình sẽ xem được những hình ảnh phản cảm ấy rồi lại học theo những thói đấy!
Không chỉ có chị Hồng Nhung, những video như thế dù biện bạch là văn hóa ẩm thực hay phong cách ăn uống của cá nhân, vẫn bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội thậm chí kêu gọi tẩy chay. Anh Lê Thanh Minh viết, “ẩm thực có ảnh hưởng tới sức khỏe. Đó không phải là chuyện có thể đùa, dù chỉ một vài giây phút vui vẻ. Cách ăn uống như thế có thể gây hại những người trong cuộc cũng như ảnh hưởng đến nhiều người xem, ảnh hưởng đến hình ảnh văn hóa vùng miền”.
Hình ảnh trích từ video trên YouTube: Món pịa bò sống mổ ra là ăn luôn cho nóng
Rõ ràng các dạng video ăn uống bất thường này là lỗ hổng trên YouTube vì cho đến nay sau nhiều báo cáo của cộng đồng, các kênh nhảm nhí, dùng chiêu trò câu view vẫn có thể tồn tại lâu dài, gây ảnh hưởng xấu tới người xem. Hiện có không ít vlogger suốt ngày chỉ nghĩ các tình huống bày trò chơi khăm, thực hiện thử thách nguy hiểm hay gây lãng phí thực phẩm... không tạo ra những giá trị để lan tỏa. Đáng tiếc, những video như thế vẫn còn nhiều bạn trẻ tò mò, theo dõi, và những video như thế lại được YouTube “dung dưỡng”, ít bị cơ quan chức năng “tuýt còi”.
Ở góc độ pháp lý, các kênh YouTube đăng tải nội dung phản cảm, đi ngược lại truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội có thể bị xử phạt theo Luật Hình sự, Luật Xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Chúng ta đã từng biết đến chuyện các kênh YouTube “giang hồ mạng” của Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng (giờ đang ở trong trại giam) với các nội dung nhảm nhí song vẫn thu hút lượng người xem trẻ tuổi và kiếm được tiền cho chủ nhân kênh. Nhờ nỗ lực của cơ quan chức năng, những kênh video này đã bị đánh sập, nhưng tình trạng kênh có nội dung nhảm, quá đà ngày càng mọc ra nhiều, ảnh hưởng đến môi trường truyền thông mạng xã hội, tác động xấu đến lối sống của giới trẻ.
Lẽ ra, những vlogger kiếm được tiền dựa trên sự ủng hộ của công chúng thì nên có ý thức lan tỏa giá trị tốt đẹp, từ chối những nội dung vô bổ, không lành mạnh, đằng này, họ lại cố chạy theo những xu hướng câu view độc hại. Và như vậy, cộng đồng cần tẩy chay như một hình thức tự bảo vệ mình.
Trong khi chờ đợi hành động từ cơ quan chức năng, từng thành viên cộng đồng mạng cần lên tiếng, phản ứng thông qua hành vi phản hồi, kêu gọi, báo cáo. Đó cũng là cách góp phần làm trong sạch môi trường truyền thông xã hội hôm nay.
Phú Trang