Chính quyền Trump tinh gọn USAID, giảm mạnh chương trình nhân đạo quốc tế

MAI LAN - VIỆT HÙNG - MINH TÂM - TRỌNG AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 3/3/2025, 08:03

(HTV) - Ngày 26/02, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hủy bỏ hơn 90% hợp đồng viện trợ nước ngoài của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Nỗ lực tinh gọn USAID ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chương trình nhân đạo trên thế giới.

Vào ngày 20/01, ngày nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đóng băng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày. Bốn ngày sau, một văn bản được soạn thảo, diễn giải quyết định đó chặt chẽ hơn dự kiến, cụ thể là đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID.

Đến ngày 23/02, chính quyền Trump thông báo đình chỉ công tác toàn bộ nhân sự USAID trên toàn cầu theo hình thức nghỉ có lương, ngoại trừ nhân sự chịu trách nhiệm về các chức năng quan trọng, lãnh đạo quan trọng và người đứng đầu các chương trình được chỉ định đặc biệt.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đình chỉ viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày. Nguồn ảnh: Reuters

Theo tờ New York Times, cơ quan nhân đạo lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ sẽ chứng kiến số lượng nhân viên của mình giảm từ khoảng 10.000 xuống còn dưới 300 người.

USAID là gì?

Tổng thống John F. Kennedy đã thành lập Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USAID, trong thời Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Ông muốn có một cách hiệu quả hơn để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô ở nước ngoài thông qua viện trợ nước ngoài và thất vọng vì bộ máy quan liêu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Năm 1961, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Viện trợ nước ngoài và Kennedy thành lập USAID như một cơ quan độc lập .

Trong những thập kỷ sau đó, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã luôn xung đột về cơ quan này và nguồn tài trợ của nó. Những người ủng hộ USAID cho rằng viện trợ của Hoa Kỳ cho các quốc gia là để chống lại ảnh hưởng của một số nước lớn. Còn những người chỉ trích thì cho rằng Cơ quan này lãng phí và thúc đẩy những cuộc luận bàn chính trị tự do.

Tỷ phú Elon Musk dẫn đầu công tác tinh giản USAID. Nguồn ảnh: Reuters

Ban Hiệu quả Chính phủ của Musk, được gọi là DOGE, đã phát động một nỗ lực lớn do Tổng thống Trump trao quyền nhằm sa thải công nhân và cắt giảm chi tiêu của chính phủ lên tới hàng nghìn tỷ đô la. USAID là một trong những mục tiêu chính của dự án này. Musk cáo buộc rằng tiền tài trợ của USAID đã được sử dụng để triển khai các chương trình chết người và gọi đây là một "tổ chức tội phạm".

Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, người được bổ nhiệm làm quyền giám đốc USAID, đã thực hiện các bước để đảm bảo tính liên tục của nhiều chương trình nhằm mục đích viện trợ nhân đạo quan trọng. Nhưng các thuật ngữ được sử dụng lại mơ hồ và các tổ chức phi chính phủ cho biết họ cảm thấy bối rối khi chính quyền mới của Mỹ “tấn công” USAID và khiến nguồn tài trợ của tổ chức này trở nên bấp bênh hơn.

Ông Rubio thường kêu gọi minh bạch hơn về chi tiêu viện trợ nước ngoài.

Đảng Cộng hòa thường tăng cường quyền kiểm soát lớn hơn cho Bộ Ngoại giao - nơi cung cấp những định hướng về chính sách đối ngoại cho USAID - có thể kiểm soát nhiều hơn các chính sách và các quỹ của mình. Trong khi Đảng Dân chủ thường ủng hộ quyền tự chủ và thẩm quyền của USAID.

USAID được thành lập vào năm 1961, phụ trách viện trợ quốc tế của chính phủ Mỹ. Nguồn ảnh: Reuters

Chính phủ Mỹ đang tranh luận về tương lai của USAID nhưng vấn đề này liên quan đến cả thế giới, theo nhận định của một số lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ. USAID quản lý ngân sách 42,8 tỷ đô la, riêng số tiền này chiếm 42% tổng viện trợ nhân đạo được giải ngân trên toàn thế giới. Việc ngừng cung cấp nguồn viện trợ Mỹ đang được cảm nhận ở khắp mọi nơi.

Tác động của lệnh đóng băng USAID

Tại Nam Phi, nơi có số lượng người nhiễm HIV lớn nhất thế giới, bệnh nhân đã thấy mình bị ảnh hưởng từ khi Tổng thống Mỹ tuyên bố đình chỉ các chương trình viện trợ nước ngoài.

Salim Abdool Karim - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu AIDS tại Nam Phi (CAPRISA) cho biết, nếu Hoa Kỳ tiếp tục đóng băng mọi hoạt động trong Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống về Cứu trợ AIDS (PEPFAR), hậu quả sẽ "gần như thảm khốc". Quyết định đóng băng viện trợ nước ngoài của Tổng thống Mỹ đã "làm suy yếu uy tín của chính phủ và người dân Mỹ".

Khu vực Châu Phi cận Sahara có thể chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bất kỳ khu vực nào khác trong thời gian tạm dừng viện trợ. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 6,5 tỷ đô la viện trợ nhân đạo cho khu vực này.

Đây cũng là tin rất xấu cho Ucraina, quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ USAID với gần 38 tỷ đô la nhận được kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 02/2022.

Ngày 21/02, Thẩm phán liên bang Mỹ Carl Nichols đã cho phép chính quyền Tổng thống Donald Trump triển khai kế hoạch giải thể USAID.

Ông Nichols bác đơn của các nghiệp đoàn đại diện cho các nhân viên của USAID yêu cầu chặn vô thời hạn kế hoạch đóng cửa cơ quan này trong lúc họ khởi kiện.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, nhánh nghiên cứu phi đảng phái trong quốc hội Mỹ, gần đây công bố báo cáo nêu rõ chính quyền ông Trump không có thẩm quyền giải thể USAID.

Người biểu tình tại Washington phản đối giải thể USAID. Nguồn ảnh: Reuters

Tính hợp pháp của quyết định đóng cửa USAID

Ngày 03/02/2025, các chuyên gia triệu tập Hội nghị truyền hình đặt câu hỏi về tính hợp pháp của quyết định đóng cửa USAID.

Matthew Kavanagh và Luis Gil Abinader thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công về Y tế của Đại học Georgetown đã viết trong một bản ghi nhớ rằng: "Tổng thống không có thẩm quyền pháp lý để đơn phương bãi bỏ hoặc chuyển giao nó cho Bộ Ngoại giao", đồng thời gọi đó là "một thảm họa đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ". Các nhà lập pháp đảng Dân chủ cho biết: "Chúng ta không thể để gián đoạn các chương trình của USAID vốn từ lâu đã góp phần thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Hội nghị truyền hình tập trung vào Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do Elon Musk đứng đầu, có nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu liên bang. DOGE không có tư cách liên bang, điều này đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc hội, và ông chủ của Tesla và SpaceX cũng không phải là nhân viên liên bang hay quan chức chính phủ.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong ngân sách viện trợ nước ngoài của chính phủ Mỹ và chiếm chưa tới 1% tổng ngân sách quốc gia. Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất thế giới tính về số tiền bỏ ra, nhưng nhiều nước khác đóng góp nhiều hơn đáng kể nếu tính theo tỷ lệ phần trăm GDP.

USAID được phân bổ ngân sách gần 43 tỷ USD mỗi năm. Nguồn ảnh: Reuters

Trong hồ sơ gửi tòa án ngày 26/2 liên quan đến một vụ kiện liên bang, chính quyền Tổng thống Trump cho biết đã đưa ra quyết định về việc chấm dứt 5.800 trong số 6.200 hợp đồng dài hạn của USAID, với mức cắt giảm ngân sách viện trợ lên tới 54 tỷ USD. Ngoài ra, 4.100 trong số 9.100 khoản tài trợ của Bộ Ngoại giao cũng sẽ bị cắt giảm, tương đương 4,4 tỷ USD tiền viện trợ. Các khoản cắt giảm này đã được Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, quyền Giám đốc USAID, xem xét.

Những diễn biến mới nhất về USAID cho thấy sự thay đổi lớn so với chính sách viện trợ nước ngoài kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ. Các hoạt động hỗ trợ này vốn được xem là cách để Washington xây dựng các mối quan hệ quốc tế phục vụ lợi ích quốc gia.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: