Có những nhà báo nghe tên không thấy mặt

Thực tiễn báo chí Việt Nam lâu nay đã hình thành nên một chuyên mục sử dụng các thủ pháp văn chương để tiếp cận những vấn đề dư luận quan tâm, tạm gọi là “tiểu phẩm thời sự”. Gắn liền với các chuyên mục ấy là những bút danh tập thể…

Chuyện thường ngày của Tuổi Trẻ, Cà phê sáng của Pháp luật TP. HCM, Phiếm của Sài Gòn tiếp thị…  là những ví dụ. Ký tên dưới các tác phẩm báo chí từ chuyên mục ấy là những bút danh như: Bút Bi, Người Sành Điệu, Người Già Chuyện, Ba Pha, Ong Mật, Hai Tép… Đây là những nhà báo nghe tên mà không thấy mặt. Bởi vì những bút danh được ký dưới tác phẩm ấy dùng chung cho nhiều người, không có một ông / bà Bút Bi cụ thể nào…


Chuyên mục “Chuyện thường ngày” của báo Tuổi Trẻ có tuổi đời mấy chục năm và cái tên Bút Bi đã trở thành thương hiệu. Hiện nay, chuyên mục này trên trang online của báo đặt tên là “Bút Bi”

Vũ khí phản biện

Chiều 17/11 rồi, công an quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đã bắt khẩn cấp Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên Trung tâm hỗ trợ xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP. HCM) để làm rõ cáo buộc dâm ô 6 bé gái. Trước đó, Dũng đã thừa nhận hành vi này. Vụ dâm ô trẻ em của Dũng gây chấn động dư luận và sự kiện đó thành đề tài cho số báo tiểu phẩm ngay ngày hôm sau của Tuổi Trẻ. Tác giả Bút Bi tạo ra tình huống trò chuyện giữa hai nhân vật:

“- Ông à, người xưa nói chẳng sai: làm nghề gì ăn nghề đó, làm gì ăn đó. Ví như nhà nông tần tảo trồng lúa lấy gạo nấu cơm, nhà vườn chăm lo trồng cây trái bán đổi gạo ăn…

- Thì đúng mà, như chị bán bún lo nấu bún cho ngon, hôm nào cũng lo sốt vó là nếu bán không hết thì có mà mang nồi bún về cả đàn con ăn bún thay cơm. 

- Nhưng xưa nói chuyện đó là nói chuyện sống chết với nghề, về sự tận tụy, bây giờ thì khác rồi. 

- Khác sao?

- Khác chớ, mới nhất kìa, một ông nhân viên ở trung tâm xã hội thừa nhận dâm ô chính các bé gái trong đó. 

- Thiệt là bức xúc, người ở trung tâm hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ mà dâm ô chính các em. 

- Còn nữa, bấy lâu đã nghe có mấy tay ở cơ quan phòng chống tham nhũng nhưng lại tham nhũng, do đó phải tính chuyện chống chống tham nhũng. 

- Thiệt là lạ quá! 

- Lạ gì, mấy tay hư hỏng mất nết đó giờ đây, đâu còn lạ nữa. Nhiều ông cán bộ thanh tra đi thanh tra nhưng “ăn” phong bì luôn đó. Làm gì “ăn” luôn thứ đó mà!” 


Tiểu phẩm thời sự “Làm gì ăn đó” trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 18/11/2019

Câu chuyện giữa hai nhân vật trong tác phẩm trên được hư cấu, mượn bối cảnh thời sự nhưng để nêu lên một thực trạng: chính những người được giao trách nhiệm lại lợi dụng chức trách để làm sai vì động cơ cá nhân. Cái tứ xuyên suốt tiểu phẩm “làm gì ăn nấy” là cách nói cường điệu để nhấn mạnh những chuyện đáng phê phán: cán bộ phòng chống tham nhũng nhưng lại tham nhũng, cán bộ thanh tra nhận phong bì hối lộ khi đi thanh tra…

Trong vụ việc con tê giác một sừng bị bắn chết ở Vườn quốc gia Cát Tiên cách đây mấy năm, Bút Bi hư cấu câu chuyện dưới hình thức tường thuật một buổi truyền hình Ai là triệu phú?, trong đó có câu hỏi: Nhiều năm qua, các nhà khoa học không phát hiện dấu hiệu tăng số lượng cá thể tê giác ở Cát Tiên cũng như không phát hiện dấu vết của cá thể tê giác con. Hãy cho biết lý do vì sao: A/ Tất cả đều là đực; B/ Tất cả đều là cái; C/ Chỉ còn một cá thể; D/ Chẳng còn cá thể nào. Anh thí sinh được kể trong câu chuyện dành quyền trợ giúp bằng cách điện cho người bạn làm… kiểm lâm. Và anh bạn ấy nói rằng 4 phương án chương trình đưa ra đều không đúng. Lâu nay đất sống và tính mạng tê giác bị đe dọa vì khai thác gỗ và săn bắn trái phép. Con người truy đuổi dữ quá tê giác làm gì có thời gian để yêu đương mà sinh sản. Câu chuyện kết thúc bất ngờ tạo ra tiếng cười châm biếm rất cay. 

Tác giả dùng thủ pháp hư cấu, cường điệu, phóng đại để tạo sự bất ngờ. Nhưng khác với văn chương, “tiểu phẩm thời sự” phải bám sát dòng chảy thời sự, bám sát những vấn đề đang được dư luận quan tâm để phản ánh, biểu đạt. Trong chừng mực nào đó, nội dung phản biện, phê phán của thể loại này mang tính chính luận sâu sắc. Và hiệu quả của nó mang lại rất đặc biệt nhờ hình thức châm biếm, đả kích, khai thác kết cấu truyện cười. Bạn đọc có thể “kể” lại và bình luận theo trong lúc trà dư tửu hậu.

Lao động nghệ thuật

Không phải nhà báo nào cũng có thể viết tốt thể loại này. Bởi nó đòi hỏi một phẩm chất sáng tạo đặc biệt và sáng tạo trong điều kiện chịu áp lực về thời gian, đáp ứng ngay tình hình thời sự.

Trong tiểu phẩm Phát hiện rất mới trong Tây Du Ký đăng trên báo Pháp luật TP. HCM số 5/10/2019, tác giả Người Sành Điệu, mượn câu chuyện trên hành trình sang Tây Trúc, Tôn Ngộ Không gặp một đối thủ biến hóa y chang mình từ ngoại hình lẫn điệu bộ để so sánh với câu chuyện về một nhân vật mượn hồ sơ người khác để leo cao trong bộ máy quản lý. Đó là chuyện một nữ cán bộ xinh đẹp của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mượn bằng cấp ba lẫn tên tuổi của chị gái để làm hồ sơ tiến thân. Câu chuyện kết bất ngờ bằng sự so sánh: Vụ hồ sơ giả dân biết nhưng cơ quan chức năng không biết. Việc giả mạo Tôn Ngộ Không đời mới quá tinh vi khiến các vị chư tiên hoặc bó tay, hoặc cố tình “bó tay không trong sáng”…


Tiểu phẩm “Phát hiện rất mới trong Tây Du Ký” đăng trên báo Pháp luật TP. HCM số 5/10/2019

Trong tiểu phẩm Đất vàng đẻ ra gì?, Bút Bi vừa dựa trên dữ liệu thời sự vừa chơi chữ: Đó là chuyện khi thanh tra việc giao đất các khu đất vàng ở Trung tâm, thấy lòi ra nhiều sai phạm, tiểu phẩm ví các khu đất vàng cũng giống như gà đẻ trứng vàng nhưng lâu nay toàn bán qua bán lại để kiếm lợi, đất vàng bỏ hoang. Và cái kết khá bất ngờ: “đất vàng đẻ ra… củi!” (nhiều người làm bậy với đất vàng nên thanh tra ra toàn tiêu cực, khối ông phải vào lò).

Khi một lãnh đạo công an Hà Nội đề xuất về việc giao chỉ tiêu phạt vi phạm luật giao thông, Bút Bi có bài “gợi ý” cho FIFA cách kiếm tiền hỗ trợ cho tổ chức World Cup: nâng tiền phạt thẻ vàng, thẻ đỏ lên thật cao vì các cầu thủ toàn là triệu phú và giao chỉ tiêu phạt cho trọng tài. Tác phẩm ấy kết rằng: Ý tưởng đó hay nhưng… vi phạm bản quyền về phát minh nên không được đâu!

Mô-típ phóng đại này được sử dụng trong nhiều tiểu phẩm như sản xuất máy rà kim loại bán ở các cổng trường để ngăn học sinh mang mã tấu vào chốn học đường, mở trung tâm nâng ngực sau khi có dự kiến chủ trương ngực lép không được đi xe gắn máy…

Thủ pháp nhân hóa cũng được khai thác khá nhiều, hình thức như phỏng vấn một chai rượu, phỏng vấn một con trâu, tâm sự của con voi rừng bị chết. Khai thác các nhân vật văn học, lịch sử như: Sơ-lốc Hôm, Tào Tháo, Mạnh Tử… vào câu chuyện đương đại, thậm chí cả những nhân vật đương đại như: Bin Laden, HLV Morinho, đạo diễn Cameron…

Nhiều thủ pháp khác như: giễu nhại, giả giọng cũng được sử dụng. Ví dụ, dùng hình thức các lá thư, lá đơn, hoặc nhại lời bài hát, bài thơ nổi tiếng… Hoặc phổ biến là các hình thức ẩn dụ, so sánh ngầm ví dụ, gần đây, Bút Bi sử dụng hình ảnh “ông hàng xóm quá quắt quậy phá cái ao nhà” để diễn tả câu chuyện va chạm trên biển Đông.

Mới đây, khi ngành điện cho biết: từ 2021, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hàng tỉ kWh điện, tiểu phẩm Cúp điện là tắt đài hết! dùng thủ pháp nhân hóa và mô hỏng cuộc thi Ai quyền lực nhất trong đó có các nhân vật: ông Hiện Đại Hóa, ông Bốn Chấm Không, ông Trí Tuệ Nhân Tạo, ông Điện. Tình huống có tính chất “bước ngoặt”: cúp điện trong cuộc thi. Lúc này ông Điện mới vênh váo: “Bốn chấm không cái gì, hiện đại cái gì. Thiếu điện nghiêm trọng là tắt đài hết”.

Tiểu phẩm còn đất dụng võ

Nói chung, các thủ pháp xử lý kết cấu tiểu phẩm thời sự rất phong phú. Tìm hiểu kỹ về bút pháp của thể loại này là công việc của các nhà nghiên cứu, nhưng trong chừng mực nào đó, qua việc quan sát các tác phẩm báo chí có sự giao thoa văn chương này mỗi ngày trên báo in, chúng ta cũng thấy được năng lực sáng tạo của các nhà báo “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” ấy.

Điều đáng nói hơn, họ là những người phải nhanh nhạy với thời sự, phải đau nỗi đau của người dân, phải hòa mình vào tâm tư của người dân và phải có dũng khí để viết. Bởi thực tiễn báo chí cho thấy, có nhiều vấn đề thời sự, các thể loại thông tấn không diễn đạt được vì lý do tế nhị, nhạy cảm hay vì chưa đầy đủ chứng cớ, số liệu để công bố tường minh thì thể loại tiểu phẩm này có thể thay thế. Mặt khác, có những chuyện phê bình bằng con đường vòng lại thấm hơn, hiệu quả hơn. Tiểu phẩm thời sự vì thế vẫn còn đất dụng võ… 
Phan Văn Tú